Đời "nở hoa" khi ngày ngày được "nổ cuốc"

09/03/2022 - 15:00

PNO - Họ - những cô gái “xe ôm” công nghệ - cho chúng ta học tìm sự bình an. Phía trước tay lái cô gái bé nhỏ, chỉ có duy nhất niềm tin bất tận vào cuộc sống.

“Dạ xin lỗi anh, hẹn anh mà xe hư” - Bùi Thị Thủy (27 tuổi) giải thích, rồi ngồi phịch xuống ghế lau mồ hôi. Mọi khoảng cách lạ quen biến mất khi cô tiếp tục cười nói: “Chạy xe ngày năm trăm ngàn người ta khen mình giàu, sửa xe lần hai ba triệu có ai hay đâu”.

“Ủa nữ chạy hả, thôi hủy hủy nha”

Dịch vụ đặt xe qua các ứng dụng di động mang đến cho cuộc sống một tiện nghi mới, đồng thời tạo thêm chọn lựa nghề nghiệp tương đối vững vàng cho những cô gái như Thủy. Rời nhà từ H.Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) lên Đà Lạt học quản trị kinh doanh, Thủy xin phụ quán cà phê, nhưng công việc không đủ trang trải chi phí, lại bị gò bó về giờ giấc, không thể bỏ ca để tham gia các hoạt động ở trường. Vào thời điểm đó, năm 2018, “xe ôm công nghệ” xuất hiện tại phố núi, thế là cô “bén duyên”.

“Lúc đầu em giấu bố mẹ. Chạy được khoảng năm rưỡi thì mọi người kể thấy Thủy chạy xe ôm công nghệ trên Đà Lạt. Bố hỏi “xe ôm công nghệ” là gì? Họ bảo là chở người ta như mấy ông xe ôm ngoài đường. Bố em tức đến mức đổ bệnh. Anh em trong nhà cũng phản đối, ai cũng kỳ vọng em đi học được cái ngành nghề gì đó cho nở mày nở mặt. Còn em, thích cái gì thì em mới có thể làm được. Mẹ tôn trọng chọn lựa của em, nhưng lo con gái chạy xe đêm hôm nguy hiểm” - Thủy tâm sự.

Xuống Sài Gòn, cô gái cũng thử qua nhiều công việc như pha chế, đầu bếp… nhưng vẫn thấy xe ôm công nghệ vẫn thoải mái nhất, thu nhập cũng ổn. “Nếu trừ chi phí, mỗi tháng cũng được 13 - 14 triệu đồng. Nhưng để có mức thu nhập đó mỗi ngày phải chạy 13 - 14 tiếng, tương đương hơn 200 cây số đó anh. Tức là em phải ra khỏi nhà từ 8g đến 23g mới về” - cô cho biết.

Nữ tài xế cho biết thêm, rất ít chị em chạy đa dịch vụ, từ chở khách, giao hàng cho đến đặt thức ăn… như cô. Vì từ 11g30 - 13g30, người ta nghỉ trưa thì cô phải lao ra đường. “Nắng lắm, khói bụi nữa. Về đến nhà lau mặt, cái khăn nó cùng màu với mặt đường luôn ấy chứ. Đa số tụi em đã có gia đình hoặc mẹ đơn thân, chứ mấy cô mới lớn, chưa kết hôn, làm sao mà chạy nổi” - Thủy nói.

Nữ tài xế “xe ôm” công nghệ Bùi Thị Thủy - ẢNH: N.A.
Nữ tài xế “xe ôm” công nghệ Bùi Thị Thủy - ẢNH: N.A.

Quan điểm không phân biệt nghề của phụ nữ hay đàn ông được cô gái “bình thường hóa” bằng phương châm “làm ra tiền không hại ai là được”. Nhưng thực tế đã không ít lần làm Thủy tủi thân. Mỗi lần vào quán lấy thức ăn cho khách bị hỏi “ê, nữ mà cũng chạy xe hả?” là cô cảm thấy chạnh lòng. Có khi chạy đến nơi, khách biết tài xế là nữ liền hủy chuyến. Vào sinh nhật mình năm ngoái, Thủy hào hứng chạy từ Q.Tân Bình sang Q.6 đón khách. Đến nơi, khách ngạc nhiên: “Ủa, nữ chạy hả? Thôi không đi đâu. Hủy, hủy!”. Thủy nài nỉ nhưng khách vẫn cương quyết từ chối. “Nhiều khi phải chờ cả buổi mới được cuốc xe, mà hễ bị hủy thì lần sau sẽ bị chậm “nổ cuốc” (nhận khách) - cô trề môi.

Đợt dịch COVID-19 bùng phát, rào chắn, chốt chặn khắp nơi, Thủy đến cách điểm giao hàng chỉ còn 20m, nhưng khách nhất định không chịu ra lấy giúp, vì “tôi trả tiền cho cô, cô phải chạy tới nơi”. Thế là cô gái phải chạy vòng thêm bốn cây số nữa để đến trước mặt vị khách khó tính.

Vạn rủi ro phía sau tài nữ

Có lần Thủy đang chạy từ Bình Dương về TP.HCM thì được “nổ cuốc”. Có người đặt xe về Q.8. Đi được 15 phút thì anh chàng lên cơn nghiện, miệng lảm nhảm, ngồi nghiêng bên nọ, ngả bên kia. Chạy đến khu vực chợ đầu mối TP.Thủ Đức, thấy quá nguy hiểm, Thủy phải đánh tín hiệu S.O.S cho đội hỗ trợ. “Hai phút sau các anh có mặt giúp em đưa người ta về. Người đặt xe thì năn nỉ chở về, còn ông bố thấy con về đến nhà thì không chịu trả tiền xe, hàng xóm phải trả cho” - Thủy kể. Chuyện quấy rối, gạ gẫm vào khách sạn, nhắn tin, gọi điện cưa cẩm cũng thường xảy ra với các cô.

Trở lại sau tai nạn nghiêm trọng trên đường giao hàng, Nguyễn Thị Tường Vi, 36 tuổi, cho biết cơ thể cô yếu hẳn. Trước đây, cô chạy gần một triệu đồng mỗi ngày, nhưng giờ cao lắm cũng chỉ được 500.000 đồng. “Một người say rượu húc thẳng. Tôi nằm bất động tại chỗ. Điện thoại sập nguồn. Rất may có một đồng nghiệp chạy ngang ứng cứu. Anh ấy gọi đội trưởng cơ động chuyên hỗ trợ tai nạn của công ty. 15 phút mọi người đến đưa đi bệnh viện, còn kẻ gây tai nạn trốn mất. Bị nứt xương nên giờ tay yếu, chạy xe lâu tê cứng”, Vi nói.

Vi cho biết ngoài cầm tài cô còn tham gia đội hỗ trợ tai nạn, rủi ro của công ty. Tài xế nữ được phổ cập kiến thức để đối phó tình huống bị quấy rối hằng ngày, được dạy võ. Công ty cũng hỗ trợ sửa xe cho đối tác lâu năm, tổ chức học thêm tiếng Anh trên app hoặc offline (trước dịch)… “Khách lên xe cũng hay thắc mắc tôi là con trai hay con gái. Tôi hỏi lại nếu là con gái thì sao mà là con trai thì sao ạ? Người ta cười bẽn lẽn nói không có gì. Xong lại hỏi, ủa em, con gái mà chạy xe như vậy không cực hả? Tôi thưa luôn, vậy mấy anh con trai chạy xe chắc không cực hả anh. Thế họ gật gù” - Vi chia sẻ.

Đến lượt tôi hỏi cô: “Vì sao em gắn bó với nghề này”? Cô gái sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống ba đời hoạt động nghệ thuật cải lương hồ quảng, trả lời không ngần ngại: “Tạo ra đồng tiền do chính sức lực mình bỏ ra thì điều đó không có gì cần phải phân biệt trai làm được hay gái làm được. Nhưng đúng là nghề nào cũng phải có động lực mới gắn bó được. Những ngày này xăng tăng giá, nhiều người lo lắng cho nghề tài xế, nhưng niềm vui của tôi là được rong ruổi trên xe. Với tôi, tôi vẫn ước mong mọi phụ nữ mạnh mẽ lên. Đừng ỷ lại hay phụ thuộc người bên cạnh nếu không muốn chứng kiến cảnh khi chỗ dựa sụp đổ, bản thân sẽ bị bạo lực tinh thần, bạo lực tài chính đến thế nào. Nên đừng đổ lỗi mà cả hai hãy cùng nhau phấn đấu cho mọi chuyện”.

Nhắc đến ngày 8/3, cả hai cô gái, hai hoàn cảnh đều mới sực nhớ mình là phụ nữ. 

Trong công việc hiện tại của mình, Thủy và Vi đều mong muốn khách có thể hiểu tài xế hơn. Sợ nhất là khách hối tài xế đến mau. Ai cũng muốn có mặt nhanh nhất để hoàn thành cuốc xe nhưng khách hối thì sẽ căng thẳng và dễ xảy ra tai nạn. “Nhanh lên, chị sắp trễ học rồi, nhưng tới nơi chờ cả mười phút chị ấy mới đủng đỉnh từ thang máy đi ra” - Thủy cười.
Thế nhưng, hạnh phúc luôn có dịp trổ hoa trên dặm trường mưu sinh của các cô. Câu chuyện từ những vị khách tử tế luôn làm các đồng nghiệp xúc động. Mồng Ba tết, Vi đón khách từ sân bay đi thị xã Bến Cát (Bình Dương). Quãng đường dài hơn 40km, cước xe là 235.000 đồng, nhưng khách cho hẳn 1 triệu đồng. Với câu chúc: “Mừng tuổi em năm mới”. Điều Vi muốn nói là khách tử tế rất nhiều, nhiều hơn những câu chuyện khó ưa thỉnh thoảng vẫn làm các cô buồn lòng.

“Chỉ cần một cuốc khách càm ràm là buồn rồi” - Thủy nói. Và cô rạng rỡ ngay khi tôi hỏi về tình duyên. “Ông xã sắp cưới của em cũng chạy xe ôm công nghệ nên đồng cảm với công việc và hiểu hoàn cảnh đơn thân của em. Tìm được người như anh ấy thật khó, nhất là hoàn cảnh của em” - cô khoe và dặn: “Mấy cái mối tình đăng trên mạng toàn ảo đó anh. Nghề này khó làm bạn với khách lắm, toàn lừa tình thôi”.

Những cô gái “xe ôm” công nghệ cho tôi học tìm cách bình an, tự tại. Phía trước tay lái cô gái bé nhỏ chỉ có duy nhất niềm tin bất tận vào cuộc sống. “Em làm đến khi nào dịch vụ đóng cửa thì thôi” - Thủy nói. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI