Cơ hội nhưng không dễ tận dụng
Năm nay, thí sinh có nhu cầu điều chỉnh nguyện vọng (NV) đăng ký xét tuyển vào đại học (ĐH) chỉ được thực hiện theo hình thức trực tuyến, mỗi thí sinh được điều chỉnh tối đa ba lần trong thời gian quy định. Khi điều chỉnh, thí sinh chỉ được thay đổi NV trong tổng số NV đã đăng ký, không được thêm NV. Trường hợp muốn thêm NV hay điều chỉnh đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên, thí sinh phải thực hiện bằng phiếu và nộp trực tiếp cho điểm thu nhận hồ sơ.
Thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu được cấp để đăng nhập vào hệ thống quản lý thi tại địa chỉ
http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn để điều chỉnh. Thí sinh cần phải ghi đúng mã trường, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của nhà trường. NV nào ghi không đúng sẽ không được hệ thống chấp nhận và bị loại. Sau khi điều chỉnh NV xong, thí sinh nhấn lưu thông tin và phải kiểm tra ngay trước khi xác nhận đăng ký. Sau khi đăng ký thành công, thoát khỏi hệ thống và đăng nhập lại để kiểm tra việc thay đổi đã thành công chưa.
|
Thí sinh tại TP.HCM đăng ký xét tuyển vào đại học vào tháng 5/2021 - ẢNH: PHÚC TRẦN |
Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, câu hỏi đặt ra là “được” hay “bị” điều chỉnh NV? Tính ưu việt của việc điều chỉnh NV là sau khi biết điểm thi, thí sinh sẽ tùy theo kết quả thi của mình để điều chỉnh NV cho phù hợp hơn, nếu điểm thi tốt hơn dự kiến thì sẽ được điều chỉnh, nếu điểm thi thấp hơn dự kiến (đặc biệt tổ hợp xét tuyển) thì “buộc” phải điều chỉnh. Hội đồng tuyển sinh các trường rất muốn các thí sinh chọn NV theo thứ tự ưu tiên với nguyên tắc: nghề - ngành - trường.
Tiến sĩ Trần Đình Lý cho rằng việc điều chỉnh NV phải đúng thì đó mới là cơ hội. Việc điều chỉnh NV rất quan trọng nếu kết quả thi khác với dự kiến ban đầu. Hãy lấy gốc là năng lực, sở trường của mình để quyết định, tránh chọn theo sở đoản, tức là chỉ để đậu ĐH. Nếu vào bằng con đường “sai” thì rất khó duy trì vì mức độ sàng lọc ở ĐH hiện nay khá cao. Vì thế, trước khi điều chỉnh, nên tham khảo về môi trường học tập, học phí, và đặc biệt là so sánh điểm hiện tại của mình với điểm chuẩn năm 2020 để đưa ra quyết định phù hợp.
Hiện nay, có tình trạng thí sinh “giăng lưới” các cơ hội vào ĐH nên đăng ký xét tuyển bằng nhiều hình thức. Trong đó, rất nhiều thí sinh đã trúng tuyển vào nhiều ngành, trường bằng các phương thức khác nhưng không muốn xác nhận nhập học và tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Theo các chuyên gia, việc bỏ qua cơ hội đã trúng tuyển, chờ cơ hội khác bằng thay đổi NV là điều cần cân nhắc thấu đáo. Thí sinh cần xác định động cơ của việc thay đổi ngành học liên quan đến nghề nghiệp sau này là do bản chất hay do tác động thức thời? Quan trọng nhất là sự phù hợp ngành nghề, không phải phương thức trúng tuyển.
Coi chừng “bẫy” điểm sàn
Hiện tại, có rất nhiều thí sinh đã nhập học bằng các phương thức khác, cộng thêm việc một thí sinh đã trúng tuyển ở rất nhiều phương thức, do đó, điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi cũng sẽ khó đoán hơn mọi năm, dù theo phân tích chung, có thể điểm chuẩn sẽ tăng ở các ngành hot, tại các trường ĐH có truyền thống, uy tín. Dù vậy, nguyên hiệu trưởng một trường ĐH công lập tại TP.HCM cho biết, các trường vẫn xác định mức điểm sàn nhận hồ sơ khá an toàn cho mình, phần lớn dao động từ 15 đến dưới 20 điểm. Điều này sẽ gây khó cho thí sinh. Vì thế, khi điều chỉnh NV vẫn phải tính toán một khoảng điểm an toàn, đừng thấy đủ điểm nộp hồ sơ vào ngành hot liền ghi vào, rất dễ rớt oan.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, lưu ý: Thí sinh cần biết điểm sàn không phải là điểm chuẩn. Điểm chuẩn có thể bằng, cao hơn ít, thậm chí cao hơn nhiều là tùy thuộc vào số lượng thí sinh đạt điểm sàn có NV học cùng một ngành, một trường nào đó. Do đó, để điều chỉnh NV chuẩn, thí sinh cần tham khảo thêm: tỷ trọng phương thức xét điểm thi ở một trường, ngành mình có phải là ngành trọng yếu của xã hội, ngành hot của trường muốn xét tuyển hay không - đây là cách để biết tỷ lệ “chọi” có thuộc dạng cao hay không…
Nếu thí sinh đã cân nhắc kỹ thứ tự các NV xét tuyển khi làm hồ sơ dự thi tốt nghiệp THPT và kết quả thi tốt nghiệp vừa ý, so sánh điểm chuẩn nhiều năm trước, tham khảo phổ điểm thấy rằng mình nằm trong tốp các thí sinh có điểm tốt, và vẫn thích học ngành học ở trường đã chọn thì không cần phải điều chỉnh NV. Còn nếu có một vấn đề gì đó còn lăn tăn, chưa xác định cụ thể thì nên điều chỉnh để có cảm giác an toàn nhất.
Khi điều chỉnh NV, về nguyên tắc thí sinh được bỏ bớt số NV, thêm NV mới, giữ nguyên số lượng NV và sắp xếp thứ tự. Nhưng theo thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, thí sinh không nên bỏ bớt; một là giữ nguyên, thay đổi thứ tự NV, nghĩa là sắp xếp lại thứ tự ưu tiên; hai là cần thiết thì đăng ký thêm số NV. Các thí sinh khi điều chỉnh cũng nên chia thành ba nhóm NV để đảm bảo khả năng trúng tuyển khi xét tuyển bằng phần mềm chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong đó, nhóm ưu tiên 1 (đặt ở vị trí đầu) là NV vào các ngành yêu thích, các trường yêu thích nhất (có thể các ngành này, trường này lấy điểm chuẩn khá cao, và nhiều khả năng sẽ trượt). Nhóm ưu tiên 2 (đặt ở các vị trí sau nhóm ưu tiên 1) là NV vào các trường, ngành học thí sinh cũng yêu thích nhưng khả năng trúng tuyển dễ hơn. Và nhóm ưu tiên cuối cùng - chính là dự phòng “may rủi” khi xét tuyển: đăng ký vào các ngành yêu thích ở các trường có điểm chuẩn không quá cao.
Cần lưu ý điều gì khi thay đổi nguyện vọng?
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, khuyên thí sinh: Đăng ký NV theo thứ tự ngành và trường phù hợp. Sau khi xác định ngành phù hợp, cần lưu ý đến phương thức đào tạo, bởi điều kiện học khác nhau, học phí, yêu cầu ngoại ngữ và điểm chuẩn cũng khác nhau… Tránh trường hợp đủ điều kiện trúng tuyển cả NV1 và NV2 nhưng lại muốn học ở phương thức đăng ký NV2.
Phải đăng ký ít nhất một NV có mức điểm chuẩn các năm trước thấp để đảm bảo cơ hội trúng tuyển. Đương nhiên, ngành đó phải phù hợp. Lưu ý, có trường xét tuyển vào một ngành cùng điểm chuẩn cho các tổ hợp, có trường thì điểm chuẩn các tổ hợp khác nhau. Cần chọn tổ hợp môn có tổng điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển nếu ngành đó xét tuyển nhiều tổ hợp.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính Marketing, lưu ý: Nếu trước đây, thí sinh đã đăng ký đúng ngành, trường mình yêu thích, nay kết quả thi tương đương điểm chuẩn năm trước thì không nhất thiết phải điều chỉnh nữa. Phần mềm xét tuyển chạy theo thuật toán “lọt sàng xuống nia” và lọc ảo theo điểm. Thực tế những năm trước cho thấy, có nhiều thí sinh đăng ký ngành, trường dễ trúng tuyển lên trên; ngành, trường khó xuống dưới. Nên khi đã trúng tuyển vào ngành dễ rồi thì sẽ không được tiếp tục xét tuyển các NV sau. Do vậy, nên sắp xếp thứ tự NV những ngành, trường thích nhất và khó nhất lên trên.
|
Nhiều kỳ thi đánh giá năng lực bị hủy
Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh không thể thi tốt nghiệp THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, đến nay hai ĐH này vẫn chưa chốt được ngày tổ chức thi. Theo Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, sau ngày 15/9, khi TP.HCM thực hiện xong đợt giãn cách xã hội thì ĐH này sẽ căn cứ trên tình hình thực tế và ra quyết định.
ĐH Quốc gia Hà Nội cũng chưa có thông báo chính thức về thời gian tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Trước đó, ĐH này thông báo dự kiến tổ chức kỳ thi khi dịch COVID-19 được kiểm soát trên địa bàn Hà Nội. Thời gian dự kiến là ngày 15, 16/9, và dự phòng ngày 22, 23/9.
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vừa quyết định hủy kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2021. Trường sẽ điều chuyển chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành học có sử dụng phương thức xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sang phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Do đó, thí sinh chú ý điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển phù hợp theo thời gian quy định.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng quyết định dừng tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy. Tương tư, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đã hủy kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021.
Phúc Trần
|
Tiêu Hà