Đời người hậu gió heo may, giông bão bất thường

12/08/2017 - 16:16

PNO - Ông chồng thuở còn trẻ khỏe hẳn đã nhiều phen say nắng ăn vụng bên ngoài, giờ tới giai đoạn heo may thì quay về, mang theo nhiều căn bệnh của tuổi già.

1. Bác sĩ đang hỏi về tiền sử bệnh tật của ông chồng, thì bà vợ trạc sáu mươi đứng dậy rít róng: “Cô nói cho mà nghe, ổng cao số lắm, không chết được đâu. Ổng rất may mắn, chẳng phải lo…”.

Doi nguoi hau gio heo may, giong bao bat thuong
 

Vị bác sĩ ngạc nhiên đưa mắt nhìn, chưa kịp nói gì, thì chị con gái đứng bên cạnh ngại ngần khẽ kéo tay mẹ. Bà mẹ tỏ ra khó chịu, vùng vằng: "Tao có nói gì sai đâu mà mày phải ngăn cản. Đàn ông gì mà con nhà lính tính nhà quan, động chút là làm như chết tới nơi vậy…". Bài càm ràm ấy vẫn chưa chịu kết thúc khi chị kia nghiêm giọng: “Mẹ đâu cần phải hả hê vậy chứ, ba ổng đang bệnh mà” rồi kéo mẹ ra ngoài. 

Hai mẹ con tiếp tục cắn đắng nhau, đại khái như: “Tao làm gì mà mày bảo hả hê. Cả đời bay nhảy bồ bịch gái gú ngoài đường, bây giờ già rồi đổ bệnh thì vợ con phải hầu. Ai mà chịu được hả?”. Chẳng biết chị con gái phân bua gì, mà vẫn nghe giọng bà vợ tiếp tục chì chiết “Sao không nghe tụi bây kể tội ổng, mà cái gì cũng trách móc mẹ mày thế?!”.

Thật không khó để hiểu bi kịch của gia đình ấy. Ông chồng thuở còn trẻ khỏe hẳn đã nhiều phen say nắng ăn vụng bên ngoài, giờ tới giai đoạn heo may thì quay về, mang theo nhiều căn bệnh của tuổi già. Tiểu đường, cao huyết áp, gút… đủ thứ. Bà vợ không mấy thoải mái khi chồng bám víu vào cái gia đình bấy lâu có phần tạm bợ lỏng lẻo của mình. Những đứa con đã trưởng thành, mệt mỏi không còn muốn can dự vào chuyện của cha mẹ, cảm thấy xấu hổ khi phải đối mặt với cái nhìn tò mò dò xét của người đời…

2. Ông bà nội tôi ngoài tám mươi thì mất. Trong cùng một năm, bà đi trước, ông theo sau, chỉ cách có vài tháng. Sinh thời, ông bà ở với chú thím tôi, quanh quẩn trông cháu và cơm nước. Giải trí bằng ti vi và… cãi cọ. Thường nếu bà nội tôi nhường ông đôi chút thì sẽ êm cửa êm nhà. Bữa nào khó ở, bà nội tôi phản ứng, thế là ầm ĩ. Càng ngày tần suất hai người “tự tạo bi kịch” càng dày. Từ ngày sang đêm, tới khuya vẫn ồn ào lối xóm.

Doi nguoi hau gio heo may, giong bao bat thuong
 

Lúc thì dằn dỗi chuyện đồng quà tấm bánh, hôm thì hiểu nhầm là con cái “khinh rẻ” cha mẹ, bữa thì do hai người nhắc chuyện hồi xưa rồi… ghen tuông, thật khổ. Cái cảnh bà gọi con cái tụ họp lại để phân xử, giải quyết chuyện cha mẹ đã thành quá quen thuộc. Riết rồi không còn ai muốn phải góp mặt trong những cuộc đấu tố ấy nữa.

Rồi bà tôi ốm, dằng dặc nhiều ngày. Cảnh chăm nom người già trái tính ở bệnh viện vất vả thế nào thì đã rõ. Nhà nội tôi đông con, nhưng bảo ghé thăm hỏi han một lát thì được, chứ nuôi bệnh dài lâu thì quả là rất khó. Ai chẳng phải đi làm, vướng bận con cái.

Cô tôi buôn bán tại nhà, có vẻ không bị ràng buộc thời gian nên được “chỉ định” vào trông bà. Ban đầu cô cũng vui vẻ, nhưng dần dà thì bất mãn và gây gổ với hết thảy mọi người. Cao điểm là lúc cô thẳng thừng bảo, anh chị em trong nhà phải góp tiền… trả công, thì cô mới bỏ công bỏ việc mà nuôi bà được!

Bà tôi mất. Ông nội tôi dạo ấy mắt đã không còn nhìn rõ, nằm một chỗ đã lâu, nhanh chóng gầy rạc đi. Một ngày nọ, ông uống nhầm thuốc, khi chú tôi về thì đã muộn…

3.  Ở một bệnh viện quận, ông bố trước khi được đẩy vào khu cấp cứu đã lo lắng dặn: "Con giữ cho ba cái ví nhé". Anh con trai, có lẽ là sẵn tay mở ra kiểm tra, ngạc nhiên hỏi: “Ba mới từ dưới quê lên, sao trong bóp chẳng có đồng nào ra hồn thế này?”, “Ba vẫn còn một ít đấy chứ, má mày kêu đưa tiền mua đồ ăn, nên ba đưa hai trăm, dư lại mấy chục ngàn trong đó”, ông già trả lời.

Anh con trai lẳng lặng cất cái ví tiền, chẳng thấy nói thêm gì nữa. Có khi, anh đang bận hình dung tới cái tủ lạnh lúc nào cũng đầy ăm ắp ở nhà má. Mấy đứa con đều đã đi làm, vẫn đều đặn mua thức này thứ kia mang qua cho má tẩm bổ kia mà. Thiếu thốn gì tới mức phải kêu ba góp tiền mua đồ ăn?

Hơn nữa, lần nào từ dưới quê lên, ba anh chẳng mang theo cá tép, rau quả trong vườn? Nhà anh giờ đâu phải đang ở mức chật vật… Một mình ở dưới quê, ba anh đang làm ráng một năm hợp đồng sau khi đã tới tuổi hưu. May mà tự dưng anh linh cảm sao đấy, cứ nằng nặc rủ ba lên chơi, chứ thui thủi ở nhà mà đổ bệnh như này, chưa biết sẽ thế nào…

Để ba nằm tạm ở hành lang phòng bệnh, anh tất tả đi đóng tạm ứng, mua thêm vài món vật dụng, bánh trái lặt vặt. Lát sau thì má và em gái anh vào. Ba anh vội nói với má anh: “Trong ví tiền có cái thẻ ATM nữa đấy, mật khẩu và số tài khoản tôi ghi trong tờ giấy. Có gì thì rút tiền ra mà trang trải…”. Má anh hỏi ngay: “Còn được bao nhiêu vậy?”. Khi biết chỉ là hai tháng lương hưu mới chuyển, má anh bĩu môi bảo: “Cả đời đi làm, cuối cùng là chừng ấy đó hả?”. Cô con gái liền hùa theo mẹ: “Thì có bao nhiêu cho thiên hạ ăn hết rồi mà!”.

Miệng nói, tay cô gái thoăn thoắt lục lọi cái ngăn tủ ngay trên đầu giường bệnh. Có mấy quả thanh long loại to, người ta đến thăm mang biếu, cô lấy bỏ vào túi xách, bảo lát mang về cho cháu ngoại, khỏi mắc công mua. Bà mẹ nhắc, còn hai hộp sữa kìa, đưa cho tụi nó uống luôn đi, chứ bệnh vặt như này đâu cần phải bồi dưỡng.

Anh con trai khẽ buông một tiếng thở dài, rồi im lặng quay đi… 

Hoàng My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI