Đội ngũ Việt Nam sáng tạo đồ họa cho các bom tấn châu Á

16/08/2021 - 08:08

PNO - Với tinh thần học hỏi và nỗ lực không ngừng, các bạn trẻ Việt Nam ngày càng chứng tỏ năng lực thông qua những sản phẩm đồ họa, hiệu ứng hình ảnh VFX chân thực trong các bom tấn châu Á.

Thời gian gần đây, không ít khán giả ngạc nhiên khi biết cung điện xa hoa 100 tầng Hera Place trong phim Penthouse do chính ê-kíp Việt Nam sản xuất. Thậm chí, khi xem phần after credit (cảnh hậu danh đề) của các tác phẩm trên Netflix, công chúng cũng dễ dàng thấy rất nhiều cái tên Việt xuất hiện.

Sản xuất hiệu ứng hình ảnh VFX (những hình ảnh được tạo ra hoặc biến đổi so với cảnh quay thật trên phim trường nhờ phần mềm, công nghệ chỉnh sửa ảnh bằng máy tính) là công việc yêu cầu tính kỹ thuật cao, tốn nhiều thời gian và khá gian nan, tưởng chừng là sân chơi riêng của các nước có ngành công nghiệp phim ảnh phát triển, nên sự góp mặt của ê-kíp Việt Nam trong khâu sản xuất hậu kỳ của các bom tấn đình đám châu Á càng khiến khán giả không khỏi tự hào.

Cụ thể, rất nhiều sản phẩm đồ họa, hiệu ứng hình ảnh VFX trong loạt phim Hàn, Trung và Nhật, nổi bật như Penthouse, Hotel Del Luna, Vagabond, Ký sinh trùng, Kingdom 2, Huyền thoại biển xanh, Đội cầu lông thiếu niên… đều do đội ngũ nhân viên đến từ Công ty TNHH Magnon Việt Nam thực hiện.

Đội ngũ Việt Nam sáng tạo đồ họa cho các bom tấn châu Á
Đội ngũ Việt Nam sáng tạo đồ họa cho các bom tấn châu Á

Đánh giá về năng lực của nhân viên Việt Nam, ông Park Sung Dae - Giám đốc Magnon Việt Nam - cho biết: “Các bạn đều có sự chân thành, cầu tiến và có tinh thần học hỏi cao độ. Khi gặp cảnh khó, họ luôn cố gắng trau dồi bản thân, nỗ lực hoàn thành thật tốt công việc được giao”.

Với tổng nhân lực chỉ hơn 30 người, trong đó nhóm 2D khoảng 20 người, nhóm 3D từ bảy đến tám người, cùng khâu quản lý sản xuất gồm hai nhân viên người Hàn và ba nhân viên người Việt, giúp Magnon Việt Nam vận hành trơn tru và cho ra đời các sản phẩm chất lượng.

Để đáp ứng được các tiêu chuẩn gắt gao của ngành VFX, bản thân các bạn trẻ Việt cũng phải trải qua khung thời gian đào tạo. Nếu mảng roto (tách người hoặc vật khỏi phông nền của video) trong 2D các nhân viên thường dành từ hai đến ba tháng để tập huấn, thì mảng compositing (kết hợp các yếu tố hình ảnh từ nhiều nguồn khác nhau thành sản phẩm hoàn chỉnh), từ năm thứ hai các bạn đã có thể làm được thành thạo, rồi tiếp tục nâng cao tay nghề. 

Trong khi đó mảng 3D, với nền tảng kiến thức học ở trường và trung tâm, các bạn chỉ cần tập huấn khoảng ba tháng là làm được những phần cơ bản. Đa phần sau 5 năm, các nhân viên Việt Nam đều có thể tự làm hầu hết các cảnh.

Bên cạnh sản xuất các bộ phim nước ngoài, đội ngũ Magnon Việt Nam còn tham gia vào dự án phim Việt, đáng chú ý là Gái già lắm chiêu 3.

Trailer Gái già lắm chiêu 3:

 

 

 “Chúng tôi thảo luận phần CG (kỹ thuật đồ họa vi tính) với đạo diễn, giám đốc sản xuất và đạo diễn trường quay, thực hiện các cảnh quay ở Huế trong vòng một tháng. Một bộ phim Việt Nam chúng tôi đã cùng nhau thực hiện từ đầu đến cuối và gặt hái được thành tích rất tốt” - ông Park Sung Dae chia sẻ Gái già lắm chiêu 3 là bộ phim để lại cho ông ấn tượng nhiều nhất khi tham gia khâu sản xuất.

Sau khi tình hình dịch bệnh được cải thiện, phía Magnon Việt Nam mong muốn được tham gia nhiều hơn vào các dự án phim Việt và các tác phẩm mang tầm quốc tế trong tương lai, đồng thời thu hút thêm đội ngũ nhân lực là các bạn trẻ Việt Nam yêu thích ngành VFX. 

Chung Thu Hương 

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI