Đội mũ bảo hiểm dỏm: Chưa xử phạt ngay

07/03/2013 - 09:53

PNO - Trước những ý kiến khác nhau về việc xử phạt người đi xe máy, xe đạp điện sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) không đúng quy định hoặc mũ giả, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện các cơ quan liên quan cho biết chưa áp dụng quy định này.

 Quy định nói trên được nêu trong dự thảo thông tư liên tịch về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi môtô, xe máy, xe đạp điện của bốn bộ Khoa học - công nghệ, Công thương, Công an, Giao thông vận tải. Theo đó, Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng cảnh sát khác tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý đối với người vi phạm.

Doi mu bao hiem dom: Chua xu phat ngay

Người dân đội mũ bảo hiểm thời trang không có kiểm định chất lượng lưu thông trên đường - Ảnh: Thuận Thắng

Mặc dù thông tư chưa chính thức ban hành nhưng có nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý đối với người sử dụng MBH rất khó khăn. Thông tư đã nêu dấu hiệu nhận biết loại MBH nào là mũ đảm bảo chất lượng, hợp chuẩn theo quy định nhưng thực tế người sử dụng, thậm chí cả lực lượng chức năng cũng khó phân biệt được.

Phải có sự đồng thuận của dân

Ông Trần Thế Quân, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an, cho biết trong quá trình soạn thảo thông tư đã thấy được một số vấn đề bất cập nên cần phải có sự chuẩn bị cho việc thực hiện một cách hợp lý nhất. Phải có thời gian để tuyên truyền giáo dục cho người dân tự giác chấp hành và cung cấp thông tin để nhận biết đâu là mũ chuẩn, đâu là mũ không hợp chuẩn.

Ông Quân nói quan điểm của Bộ Công an khi ban hành quy định này là phải làm sao cho người dân đồng thuận như thời gian đầu thực hiện quy định bắt buộc phải đội MBH khi đi xe trên đường. Bước đầu khi triển khai thông tư này, các lực lượng chức năng phải tập trung xử lý ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh loại mũ không hợp chuẩn, không đảm bảo chất lượng. Sau đó mới tính đến chuyện xử lý đối với người sử dụng. Ông Quân dẫn chứng như Đà Nẵng đã dành một thời gian cho người dân thực hiện việc phải đội mũ đảm bảo chất lượng, hợp chuẩn. Sau đó, khi người dân đã cơ bản chấp hành, đổi MBH kém chất lượng sang mũ hợp chuẩn rồi mới xử phạt thì sẽ nhận được sự đồng thuận cao hơn của người dân.

“Đánh” vào cơ sở sản xuất mũ dỏm

Ông Trần Hùng, phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Công thương, cho biết cục nhận được thông tin một số cơ sở sản xuất MBH đã lên kế hoạch đối phó. Có cơ sở đã sẵn sàng sản xuất MBH đủ ba lớp, có đầy đủ nhận dạng như thông tư liên tịch quy định nhưng thực tế không đảm bảo quy chuẩn chất lượng. Điều này sẽ khiến người tiêu dùng rất khó nhận biết. Cơ quan công an cũng khó phân biệt để xử phạt người tham gia giao thông. Vì vậy, hiện nay tinh thần là chưa xử phạt người đội MBH có kiểu dáng tương tự mà tập trung vào thông tin, tuyên truyền để người dân có ý thức chọn MBH thật.

Theo ông Hùng, giá MBH đạt tiêu chuẩn chất lượng ở thị trường khoảng 200.000 đồng/chiếc thì mũ đối phó dự kiến chỉ 80.000 đồng/chiếc. Thời gian tới cơ quan quản lý thị trường với tư cách thường trực Ban chỉ đạo phòng chống hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại (Ban 127) sẽ phối hợp với các lực lượng như chính quyền địa phương, công an kinh tế... tập trung “đánh” mạnh vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH giả, kém chất lượng. Các cơ quan chức năng sẽ có đủ điều kiện phân biệt mũ giả, kém chất lượng, đối phó... và xử lý nghiêm, từ đó ngăn chặn mũ không hợp chuẩn tràn ra thị trường. Bên cạnh đó, sẽ xử phạt người đi xe cố tình đội MBH đối phó...

Cục Quản lý thị trường cũng sẽ làm việc với các nhà sản xuất MBH đảm bảo chất lượng để xem giá bán hiện tại của họ, từ đó đề nghị họ cam kết không tăng giá sản phẩm để tạo điều kiện cho người dân mua được MBH chất lượng tốt.

Phân biệt mũ chất lượng bằng cảm quan

Ông Trần Minh Dũng, chánh thanh tra Bộ Khoa học - công nghệ, cho biết thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi môtô, xe máy, xe đạp điện đã được bốn bộ cân nhắc, bàn thảo, xây dựng hơn một năm qua.

“Quy định xử phạt hành chính với người điều khiển, người ngồi trên xe máy đội MBH không đúng quy chuẩn không phải là “đổ lên đầu” người tiêu dùng mà nhằm nâng cao ý thức bảo vệ bản thân của người đi xe máy. Thực tế cho thấy có cầu mới có cung. Người bán lấy lý do bán mũ thời trang, còn việc sử dụng vào mục đích gì là do người mua, nên cần thiết phải nâng cao ý thức người tiêu dùng” - ông Dũng phân tích.

Theo ông Dũng, việc xử phạt ban đầu chỉ cần dựa trên cảm quan là có thể nhận định được mũ đúng quy chuẩn hay không. Với những trường hợp mũ không đúng quy chuẩn mà bản thân người dùng không phân biệt được do có tem giả thì việc kiểm tra sẽ thực hiện đối với người bán. “Mũ không đúng quy chuẩn có thể phân biệt rất dễ dàng. Nhiều mũ trên thị trường hiện chỉ mỏng manh 1-2 lớp, lưỡi trai quá dài, nếu ngã xe thì chính lưỡi trai bị vỡ có thể gây thương tích trở lại với người dùng. Quy định yêu cầu với lưỡi trai mềm, có thể tháo lắp được thì độ dài lưỡi trai không quá 7cm, còn mũ có vành cứng xung quanh thì dài không quá 2cm” - ông Dũng chỉ dẫn.

Ông Dũng cũng khẳng định mũ bảo đảm là mũ có đầy đủ vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong và quai mũ. Nếu lớp đệm chỉ là miếng xốp đơn giản thì không đúng quy chuẩn vì không có tác dụng chịu lực và người dùng phải tự nhận biết những điểm có thể phân biệt bằng cảm quan.

Theo Tuổi Trẻ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI