|
Ông Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo của đoàn giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban thường vụ Quốc hội |
Nội dung học chưa thực sự tinh giản
Chiều 14/8, tại phiên họp thứ 25, Ủy ban thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa – giáo dục đại diện Đoàn giám sát chuyên đề trình bày báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đoàn giám sát nhận thấy, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn, có tính kế thừa và phát triển; bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới. Quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; đổi mới đồng bộ về nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá.
Hệ thống môn học được thiết kế theo hướng bảo đảm cân đối các nội dung giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học; tổ chức, sắp xếp lại một số môn học theo hướng tích hợp ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; khắc phục sự chồng lấn giữa các môn; bảo đảm kết nối giữa các lớp học, cấp học, giữa các chương trình môn học.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đắc Vinh chỉ ra, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình môn học ban hành chậm so với yêu cầu (30 tháng) và chưa đầy đủ chương trình các môn học.
Quy định về môn học Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới gây bức xúc trong nhân dân và các chuyên gia, nhà khoa học. Quốc hội khóa XIII và khóa XV đã phải thảo luận, hai lần ra nghị quyết, yêu cầu tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình, sách giáo khoa mới (năm 2015) và yêu cầu thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học.
“Nội dung kiến thức của một số môn học, bài học chưa thực sự được tinh giản, vẫn gây áp lực đối với học sinh. Việc thiết kế nội dung tích hợp ở các môn học cấp trung học cơ sở chưa hợp lý, vẫn chủ yếu là tập hợp kiến thức của các môn học, bộc lộ một số bất cập trong bố trí giáo viên giảng dạy, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục và mục tiêu phân luồng sau trung học cơ sở”, ông Nguyễn Đắc Vinh nêu.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các môn học mới (Mỹ thuật, Âm nhạc,…), hoạt động giáo dục chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Việc xây dựng các tổ hợp môn học tại cấp trung học phổ thông còn bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu định hướng nghề nghiệp và nhu cầu của học sinh.
Thừa, thiếu giáo viên cục bộ
|
Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ ra có tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại nhiều địa phương (Ảnh minh họa) |
Báo cáo chỉ ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Cả nước còn thiếu 62.877 giáo viên phổ thông; thừa cục bộ 5.091 giáo viên. Từ nay đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học thiếu 6.621 giáo viên tin học và 5.780 giáo viên ngoại ngữ; cấp trung học cơ sở thiếu 6.631 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, thừa cục bộ 375 giáo viên; thiếu 2.366 giáo viên môn Khoa học tự nhiên, thừa cục bộ 4.627 giáo viên; thiếu 4.321 giáo viên môn Nghệ thuật, thừa cục bộ 885 giáo viên. Năm học 2021-2022, cả nước có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục.
Theo đoàn giám sát, hiện cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền. Ở nhiều địa phương có tình trạng đủ số lượng biên chế được giao nhưng không bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định. Chất lượng giáo viên không đồng đều.
Việc tuyển dụng, thu hút đội ngũ giáo viên gặp nhiều khó khăn, nhất là giáo viên dạy môn tích hợp, môn học mới do chưa có nguồn giáo viên được đào tạo; một số môn Mỹ thuật, Âm nhạc thiếu nguồn tuyển giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo.
Báo cáo thẳng thắn chỉ ra: "Chưa có đội ngũ giáo viên được đào tạo chính quy, bài bản để dạy các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở. Trong thời gian đầu, việc dạy học và đánh giá học sinh còn khó khăn, lúng túng. Công tác đào tạo nâng chuẩn ở các địa phương chưa đồng đều".
Về việc biên soạn sách giáo khoa mới, hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản theo đúng tiến độ đáp ứng nhu cầu dạy và học. Tuy nhiên, việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định sách giáo khoa còn nhiều bất cập.
Theo đoàn giám sát, phát hành sách giáo khoa qua nhiều khâu trung gian. Quy định về lựa chọn sách giáo khoa chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương; tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh.
Giá bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tăng gấp 2-4 lần giá bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Số đầu sách giáo khoa tăng. Tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo dẫn đến tăng chi phí mua sách. Chi phí phát hành sách giáo khoa; chi phí phát hành (chiết khấu) tối đa đối với sách giáo khoa cao.
Trước thực tế này, đoàn giám sát đưa ra 3 nhóm vấn đề về hoàn thiện thể chế, chính sách gồm: hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Trong đó, ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh phải tập trung giải quyết dứt điểm việc tuyển dụng đủ giáo viên theo biên chế; chỉ đạo những vướng mắc trong tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới. Bên cạnh đó, có nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
Minh Quang