|
Đổi mới giáo dục bắt đầu từ thay đổi tư duy của giáo viên, cán bộ quản lý |
"Không bột sao gột nên hồ"
Mới đây, khi thực hiện đổi mới nội dung giảng dạy Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ở khối lớp 7, một giáo viên trường THCS tại quận Phú Nhuận đã giao nhiệm vụ để học sinh thiết kế sản phẩm. Mỗi học sinh khi lựa chọn thiết kế phải đi tìm các dụng cụ với chi phí khá đắt đỏ, có khi lên tới 2,5 triệu đồng chỉ để phục vụ cho một nhiệm vụ học tập.
Hay như chuyện một trường THPT tại quận 3, để thực hiện đổi mới môn học đã từng tổ chức dự án cho học sinh ra tận Ninh Bình thăm chùa Bái Đính để học tập, thiết kế sản phẩm dự án tích hợp liên môn.
"Có một thực tế là nhiều giáo viên, nhiều nhà trường quan niệm rằng đổi mới là phải đi kèm với sản phẩm của học sinh, và sản phẩm của học sinh càng được đầu tư đắt đỏ thì mục tiêu đổi mới càng cao, càng tiệm cận với việc giáo dục theo hướng phát huy năng lực học sinh. Quan điểm này trước hết tạo thêm áp lực cho thầy cô, tạo ra áp lực cho học sinh và thậm chí làm phụ huynh học sinh hiểu sai về mục tiêu của đổi mới. Đổi mới bắt đầu từ những thứ nhẹ nhàng, gắn liền với môn học song trên hết phải giảm tải cho cả thầy và trò" - hiệu trưởng một trường THPT tại TP. Thủ Đức bày tỏ.
Và mới đây nhất là câu chuyện triển khai kiểm tra trắc nghiệm môn ngữ văn ở khối 10 trong kỳ kiểm tra giữa học kỳ I tại TPHCM, các trường THPT ồ ạt tổ chức đề kiểm tra trắc nghiệm môn ngữ văn mà chưa thực sự hiểu rõ bản chất của một đề kiểm tra trắc nghiệm, chưa được tập huấn bài bản. Nhiều câu hỏi trắc nghiệm đưa ra ngô nghê, dữ liệu xây dựng không phù hợp.
"Giáo viên trong trường nhìn thấy vấn đề, có góp ý, có chỉ ra điểm chưa phù hợp, chưa thích hợp để thực hiện vào thời điểm này nhưng tổ trưởng chuyên môn, ban giám hiệu cho rằng khi thực hiện Chương trình mới thì phải đổi mới, và khi đổi mới thì phải ra đề ngữ văn trắc nghiệm. Vì thế, đề trắc nghiệm ngữ văn lần đầu tiên đã được áp dụng trong kỳ kiểm tra giữa học kỳ I cho học sinh khối 10 khi thầy cô chưa bao giờ được làm quen, dẫn đến việc chính giáo viên cũng phải lúng túng với đáp án chấm" - giáo viên ngữ văn một trường THPT lớn tại quận Bình Thạnh chia sẻ và gọi hiện tượng này là "nóng vội trong đổi mới".
Đồng thời, giáo viên này cho rằng tình trạng trên có thể dẫn đến các tác dụng ngược nếu không có một lộ trình phù hợp, bởi "không bột sao gột nên hồ".
Đổi mới giáo dục là thay đổi những gì chưa phù hợp
|
Nóng vội trong đổi mới giáo dục có thể "hư bột, hư đường" |
Năm học 2022-2023, bước sang năm thứ 3 Chương trình GDPT 2018 đi vào triển khai ở các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10, "đổi mới giáo dục một cách căn bản, toàn diện" vẫn là cụm từ được ngành giáo dục, từng nhà trường đưa vào trong yêu cầu, nhiệm vụ năm học đối với mỗi giáo viên.
Đánh giá một cách thực chất nhất, làn sóng đổi mới giáo dục nhen nhóm từ những năm 2016, 2017 và 2018 đã làm thay da đổi thịt rõ rệt với nhiều nhà trường. Giáo viên không còn tư tưởng "một giáo án dùng cả đời", không khí lớp học rộn ràng, học sinh đến lớp với tâm thế vui vẻ, giáo viên hào hứng đứng lớp với phương pháp mới. Thầy cô cởi mở hơn, lắng nghe học sinh nhiều hơn; đánh giá học sinh theo hướng phát huy phẩm chất năng lực học sinh, theo năng lực thay vì cào bằng...
Tuy nhiên, đổi mới giáo dục đâu đó vẫn mang tính khiên cưỡng, hô hào, nóng vội. Một bộ phận nhỏ giáo viên vẫn mang nặng tư tưởng cũ, ngại thay đổi, coi đổi mới là "vẽ chuyện", là "thừa giấy vẽ voi"; trong khi đó lại có một bộ phận giáo viên nóng vội trong đổi mới, đổi mới một cách hấp tấp khi chưa hiểu rõ, chưa nhìn thấu bản chất của vấn đề.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - phân tích: "Để đổi mới một cách thực chất thì từ chính bản thân giáo viên phải hiểu rằng sự thay đổi đó mang lại giá trị gì cần thiết cho chính mình và cho học sinh của mình. Đổi mới không phải là vứt bỏ những giá trị cũ thay vào đó những giá trị mới, mà đổi mới là thay đổi những gì chưa phù hợp để cho phù hợp hơn với bối cảnh giáo dục hiện đại.
Ở đây là thay đổi phương pháp thay vì truyền thụ một chiều thì sang tăng tính tương tác, thay vì rập khuôn máy móc trong sách giáo khoa thì thầy cô phải vận động mở rộng vốn kiến thức của mình, thay vì bó hẹp trong không gian lớp học với phấn trắng bảng đen thì thầy cô phải mạnh dạn mở rộng không gian lớp học, tận dụng công nghệ, công cụ số để làm phong phú bài giảng của mình, kéo học sinh vào trong tiết học...".
Theo Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai, để thầy cô có thể nhìn nhận ra những điều như vậy thì bồi dưỡng, tập huấn, thay đổi tư duy phương pháp giáo dục là vô cùng quan trọng, cốt lõi. Tập huấn, bồi dưỡng không chỉ là ngày một, ngày hai, một khóa hay hai khóa học mà là cả một quá trình liên tục có sự theo sát hỗ trợ của các nhà quản lý.
"Như vậy, để hỗ trợ thầy cô giáo đổi mới thì trước hết tư tưởng của nhà quản lý phải đổi mới, phải có cái nhìn đúng đắn nhất về đổi mới. Để làm sao theo sát, hỗ trợ, gỡ khó kịp thời cho thầy cô trong quá trình đổi mới phương pháp, đổi mới giảng dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá, tạo động lực để thầy cô không nản, không chùn bước khi đổi mới" - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai nhấn mạnh.
Quốc Trung