Đổi mới giáo dục đại học phải đi từ cải cách tài chính

09/06/2014 - 11:47

PNO - PN - Ngày 8/6, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực phối hợp với ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức hội thảo Hội nhập quốc tế trong quá trình đổi mới giáo dục đại học Việt Nam.

edf40wrjww2tblPage:Content

Theo nhiều đại biểu, Việt Nam đang nằm trong tốp 25% các quốc gia đầu tư lớn cho giáo dục, chiếm 20% ngân sách quốc gia nhưng chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân nằm ở sự đánh đồng, chia đều ngân sách giáo dục và chi tiêu không đúng mục tiêu, gây lãng phí.

Doi moi giao duc dai hoc phai di tu cai cach tai chinh
Các thí sinh bước vào cuộc thi ĐH năm 2014 - Ảnh minh hoạ: Phùng Huy

Giáo sư Phạm Phụ nhấn mạnh: Việc cải cách tài chính giáo dục đại học phải trả lời ba câu hỏi: chi phí đào tạo cho một sinh viên (SV)/năm (còn gọi là chi phí đơn vị - CPĐV), chia sẻ chi phí đào tạo, làm thế nào để đảm bảo công bằng xã hội. Báo cáo của Bộ GD - ĐT cho thấy, chi phí đào tạo bình quân, tính cả khấu hao cho cơ sở vật chất, vào khoảng 12 đến 15 triệu đồng/SV/năm, tương đương 600 - 700 USD. Trong khi đó, từ những năm 2004 - 2005, mức CPĐV bình quân ở Mỹ đã là 22.000 USD/năm, ở các nước châu Á - Thái Bình Dương khoảng: 12.000 USD/năm, ở Đài Loan: 7.000 USD/năm. So sánh các yếu tố, giáo sư Phạm Phụ tính toán, CPĐV hợp lý phải cần đến khoảng 1.600 - 1.700 USD/SV/năm, nghĩa là phải gấp đôi con số hiện nay. Giáo sư cho rằng, phải tăng tỷ lệ SV tư thục lên đến 40% vào năm 2020 như Nghị quyết 14 năm 2005 về “đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục đại học giai đoạn 2006 - 2010”, dồn thêm ngân sách nhà nước cho khoảng 60% SV. Khi cải cách tài chính giáo dục đại học theo hướng tăng CPĐV và học phí, cần có những giải pháp đi kèm như tăng quỹ cho SV vay vốn, huy động tài trợ... để đảm bảo công bằng xã hội, người nghèo và cận nghèo mới có thể tiếp cận giáo dục đại học.

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng, tài chính hiện nay được xem như một “nút thắt cổ chai” đối với các nỗ lực đổi mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện nay. Ngân sách nhà nước cấp và mức thu học phí không tạo đủ điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập với các nước trong khu vực. Do đó, giải quyết được bài toán về tài chính là một trong các giải pháp quan trọng để đổi mới giáo dục đại học.

 Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI