Đổi mới đề thi: Đừng chạy theo sự tung hô

27/06/2018 - 05:55

PNO - Khâu ra đề thi thì đổi mới, trong khi dạy và học thì vẫn y như cũ. Phải chăng ngành giáo dục đang chạy theo sự tung hô, hào nhoáng bên ngoài?

Càng đổi mới, thi càng nặng

Dài, khó, đề cập đến những vấn đề vĩ mô, đánh đố thí sinh… là nhận định của giới chuyên môn lẫn thí sinh về đề thi THPT quốc gia năm nay. Thậm chí, có những đề thi còn làm khó cả giáo viên. Câu trắc nghiệm nhưng khó như tự luận, giáo viên cũng phải mất đến 10 phút để giải thì làm sao thí sinh có thể tìm đáp án trong vòng 1-2 phút.

Doi moi de thi: Dung chay theo su tung ho
Khi cả triệu sĩ tử đi thi thì cũng có cả triệu phụ huynh ngày đêm lo lắng tháp tùng

Vừa giải đề môn toán, tiến sĩ Phạm Hồng Danh - Trưởng bộ môn toán cơ bản, Trường đại học Kinh tế TP.HCM - nói: “Nếu xét trên bình diện thí sinh cả nước thì đề thi năm nay khó, dù cấu trúc đề giống với đề thi minh họa Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó. Những câu hỏi trắc nghiệm mà tính chất tính toán như đề thi tự luận, phải giải đến hơn 10 phút mới xong”.

Thầy Lâm Vũ Công Chính - giáo viên toán Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) - cũng thừa nhận: thời gian làm bài khá áp lực cho thí sinh. 90 phút cho 50 câu hỏi về toán là một thách thức, nhất là trong đó có nhiều câu phải tính toán rất lâu.

Đánh thức tiềm lực quốc gia là một vấn đề nghị luận xã hội được đưa vào đề thi ngữ văn. Theo các giáo viên, đây là một vấn đề vĩ mô mà học sinh gần như chưa hình dung hết nên vô cùng ngỡ ngàng. Nhưng thách thức hơn khi vấn đề vĩ mô lại được yêu cầu trình bày trong… 200 chữ. Giới chuyên môn khẳng định, với dung lượng yêu cầu quá nhiều và mơ hồ của ba câu ở đề ngữ văn thì cả những học sinh chuyên văn cũng khó đáp ứng. 

Các môn lý, hóa, sinh cũng lần lượt bị “nhăn nhó” là vừa dài vừa khó. Thế nhưng, điều khiến người học phản ứng với đề thi không phải ở độ khó mà là ở chỗ nó quá cách biệt so với những gì các em được học trong nhà trường. Một giáo viên dạy môn lý tại TP.HCM cảnh báo: “Với cách ra đề này, Bộ GD-ĐT đang cổ xúy cho dạy thêm - học thêm. Rồi luyện thi giải đề sẽ “sống lại” từ năm sau. Vì nếu chỉ học trong trường theo đúng chương trình, dung lượng quy định thì không đủ. Người học sẽ ngỡ ngàng, lúng túng”.

“Tôi từng là học sinh giỏi văn cấp quốc gia và giờ là giáo viên, nhưng đọc đề văn xong chỉ muốn té xỉu. Đề văn vừa dở vừa khô cứng, rất nhạy cảm và dễ đụng chạm. Phân tích vấn đề này phải hiểu rất sâu, hoàn toàn không phù hợp trong khuôn khổ một đoạn viết ngắn ở phòng thi. Cải cách giáo dục mà càng làm càng nặng nề. Nhìn kỳ thi những năm sau này tôi chỉ biết cảm ơn ba mẹ đã sinh mình ra sớm”, một nhà giáo tâm sự.

Doi moi de thi: Dung chay theo su tung ho
Học sinh mệt mỏi vì thi cử

Những người “bênh” Bộ GD-ĐT thì cho rằng, đề thi năm nay phân hóa tốt, góp phần phân luồng học sinh, phải mạnh dạn nâng tầm đề thi thì mới tạo ra đột phá trong cách dạy và học. Đành rằng, không thể dạy gì thi nấy nhưng đề thi phải thật sự là thước đo mang tính khoa học và đại chúng. Bởi đây là một kỳ thi quốc gia, thí sinh không chỉ ở những thành phố lớn, mà còn ở cả những vùng trũng giáo dục. Đề thi quốc gia vì thế dẫu có đổi mới nhưng cũng cần phổ thông.

Trong khi, sự “phá cách” liều lĩnh của đề thi văn năm nay, thì đến người đi dạy còn bất ngờ. Do vậy, với đại đa số học sinh, đề thi hẳn sẽ phản tác dụng. Hơn nữa, theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, phân luồng không phải là “ép” người ta rớt rồi vào con đường mình định, mà phải là sự giáo dục hướng nghiệp để người học thật sự muốn vào.  

Đừng bắt người học phải là siêu nhân

Bàn về chuyện học và thi, ThS Phạm Phúc Thịnh - hiệu trưởng một trường ở TP.HCM - phân tích: “Cách dạy và học còn nặng thói quen “luyện chiêu” nhưng thực tế không có nội lực vững nên đã bị “trật khớp” khi gặp đề cơ bản nhưng không theo định dạng quen thuộc.

Hơn nữa, lâu nay học sinh được giáo viên cho điểm “ảo”, do chạy theo thành tích. Vì thành tích, không ít giáo viên cho học sinh làm bài theo kiểu cho ôn năm bài và lấy bốn làm bài kiểm tra, từ đó hình thành thói quen ở học sinh là phải quen với “dạng đề”. Học sinh học theo kiểu thuộc lòng, học tủ nên điểm bài kiểm tra trên lớp rất cao”. 

Theo nhiều giáo viên, vấn đề nằm ở chỗ: việc đổi mới mà các trường đang thực hiện chỉ mới là vận dụng kiến thức mà chưa phát huy được khả năng sáng tạo, độc lập, giải quyết vấn đề trong những tình huống khác nhau. Việc dạy học ở trường thay đổi còn chậm, chưa bắt nhịp kịp với sự đổi mới trong kiểm tra đánh giá. Sự đổi mới của ta đang theo một quy trình ngược. 

Chuyên viên phụ trách môn ngữ văn của một sở GD-ĐT cho rằng: chúng ta đang cố “gồng” để đổi mới, nhất là thay đổi cách ra đề. Hết thi lớp Mười đến thi quốc gia, kỳ thi nào cũng muốn đổi mới, trong khi chúng ta dạy cho các em toàn cái cũ, phương pháp dạy và học vẫn y như cũ.

Cách làm ấy chẳng khác gì chúng ta đang chạy theo sự đổi mới bề ngoài hào nhoáng, trong khi cái cần là phải thay đổi cách giáo dục để học sinh hiểu sâu được kiến thức đã học và biết ứng dụng nó vào những tình huống cụ thể của cuộc sống. Chỉ như vậy học sinh mới không bị chới với, ngỡ ngàng trước những đề thi mang hơi thở thời cuộc. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI