PNO - PN - Sau năm 2015, toàn ngành giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) sẽ triển khai chương trình GD phổ thông mới (chỉ chọn một số nội dung cơ bản, thiết thực, giảm số môn học, học sinh (HS) được chọn những môn theo định hướng nghề...
ĐÁNG LO NHẤT: ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN
Để đổi mới GD cần có hai yếu tố là trang thiết bị và con người, nhưng theo ông Phạm Thanh Tâm - Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Đức (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), con người, cụ thể là đội ngũ GV, lại là điều đáng lo nhất. Tại sao? “Thói quen dạy học của GV lâu nay là thầy nói trò nghe, thầy đọc trò chép và thầy dạy theo sách giáo khoa (SGK), ngoài nội dung trong SGK, GV không dạy được những thứ khác. Về chuyên môn cũng vậy, được đào tạo cái gì dạy cái nấy, nếu được yêu cầu tổ chức một buổi sinh hoạt hay hoạt động ngoài trời cho HS thì không mấy GV làm được, giờ phải dạy tích hợp (nhiều bộ môn) và dạy thông qua các hoạt động, thì không biết sẽ thế nào”.
Chương trình đổi mới bao gồm ba môn bắt buộc, ba môn tự chọn và một số chuyên đề tự chọn, đòi hỏi HS phải năng động trong học tập. Muốn HS năng động thì trước hết GV phải năng động và chủ động trong thiết kế bài giảng, giờ giảng. Điều này chỉ có được khi GV thực sự vững vàng về kiến thức chuyên môn và khả năng sư phạm. Tưởng là dễ nhưng lại rất khó. Nội dung chương trình mới sau 2015 sẽ đổi hướng từ “cung cấp kiến thức” sang “phát huy năng lực cá nhân người học”, buộc GV phải thay đổi phương pháp dạy học để đáp ứng yêu cầu.
Nhưng, với hơn 830.000 GV phổ thông (từ tiểu học đến THPT) mà hiện nay cả nước chỉ có hơn 10 trường ĐH sư phạm và khoa sư phạm thì không thể trông chờ vào việc đào tạo lại. Cũng không thể hy vọng GV sẽ lột xác sau vài ba buổi tập huấn mỗi lần thay SGK. Cho nên, chẳng còn cách nào khác là “từng GV phải tự làm mới mình trên nền tảng kiến thức và những phương pháp đang có dưới sự hỗ trợ và tạo điều kiện của các trường, các địa phương”, theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Tiết học sẽ sinh động hơn khi học sinh không phải học "chay" (ảnh chụp giờ học văn tại trường Lê Thánh Tôn, Q.7)
MỞ RỘNG THÍ ĐIỂM
Hiện tại, Bộ mới chỉ cho phép tám trường THCS-THPT trong cả nước thí điểm “phát triển chương trình GD nhà trường phổ thông” (trong đó có sáu trường trực thuộc các trường ĐH sư phạm) với mục tiêu hướng đến việc chuẩn bị cho thay đổi chương trình-SGK sau 2015. Ở những trường này, GV được tự chủ trong việc xây dựng bài giảng, có thể bỏ đi những kiến thức hàn lâm, thêm vào những nội dung thiết thực với cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều trường THPT cho rằng, việc thí điểm cần được mở rộng theo hướng khuyến khích những nơi nào, trường nào, bộ môn nào, GV nào có thể làm được thì nên làm, để tự nâng mình lên và đúc rút kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Đình Thịnh - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - cho rằng, nếu sau năm 2015 triển khai chương trình GD mới thì thời gian còn lại không còn nhiều, ngay từ bây giờ phải khuyến khích các trường “chuyển” dần. Cho thí điểm tự đổi mới không chỉ giúp GV làm quen với đổi mới giảng dạy mà còn là giúp HS dần làm quen với cách học mới, đồng thời thể hiện sự biết lắng nghe và gắn kết giữa các cơ quan quản lý với cơ sở GD. Vì là nhu cầu của chính các trường nên nếu được thực hiện, các trường sẽ phát huy tính chủ động và thế mạnh, sẽ gặt hái được những thành công.
Trong chương trình GD phổ thông, ở bậc THPT, có các chuyên đề tự chọn. Chuyên đề tự chọn là gì và cách làm ra sao… cũng là vấn đề GV phải được làm quen. Ông Phạm Thanh Tâm mong mỏi ngay từ bây giờ Bộ GD-ĐT hãy ra chủ trương, tạo điều kiện và khuyến khích các trường đổi mới việc dạy học hướng đến những mục tiêu của chương trình mới sau 2015, kèm theo những thay đổi trong việc kiểm tra - đánh giá HS để GV thực hiện.
Lãnh đạo các trường cũng “bật mí”: lâu nay nhiều trường hoặc đã dạy lướt, hoặc cắt xén chương trình đối với nhiều môn học như Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý… để dành thời gian cho luyện thi. Việc dạy tự chọn sau năm 2015 nếu làm đột ngột, thiếu định hướng có thể dẫn đến việc HS chỉ chọn những môn có lợi cho kỳ thi ĐH. Nếu được cho phép thí điểm đổi mới, các trường sẽ tự cấu trúc - tích hợp lại chương trình, giúp việc học đi vào thực chất nhưng vẫn đảm bảo việc thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH.
Về cách làm, ông Tâm cho rằng, nếu từng trường không đủ năng lực thì ba-bốn trường có thể liên kết để hỗ trợ lẫn nhau. Trường nào mạnh ở lĩnh vực nào, bộ môn nào thì chủ trì thí điểm đổi mới giảng dạy ở lĩnh vực đó, bộ môn đó, với sự tham gia xây dựng và học hỏi của các trường khác và ngược lại.
Nói về việc triển khai đại trà chương trình mới sau năm 2015, ông Tâm lo ngại: “Làm đại trà mà không thí điểm e rằng sẽ gặp tổn thất”. Ông Lâm Triều Nghi - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM cũng xác định: “Các trường cần thay đổi dần chứ không thể thay đổi quá lớn và đột ngột. Làm sao để thay đổi phải là vấn đề tự thân của từng trường, từng GV và phải có quá trình. Nếu không, sẽ rất khó”.
Các trường đang mong được Bộ GD-ĐT “bật đèn xanh” kèm theo các điều kiện cần và đủ để mạnh dạn thí điểm đổi mới dạy và học, đón đầu chương trình mới sau năm 2015.