Đổi mới càng sâu thì thách thức càng lớn

07/09/2024 - 06:25

PNO - Đến nay, sau nhiều lần đổi mới, nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được cập nhật để tiệm cận với xu thế phát triển của giáo dục toàn cầu.

2024-2025 là năm học thứ năm, thầy trò cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng là năm đầu tiên triển khai chương trình này ở tất cả các khối lớp. Bộ GD-ĐT xác định đây là năm học có ý nghĩa rất quan trọng và tiếp tục yêu cầu các cơ sở giáo dục trên cả nước tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, phát huy năng lực tự chủ, sáng tạo của từng tổ chuyên môn, từng giáo viên.

Học sinh lớp Một trong ngày khai giảng năm học mới
Học sinh lớp Một trong ngày khai giảng năm học mới

Đến nay, sau nhiều lần đổi mới, nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được cập nhật để tiệm cận với xu thế phát triển của giáo dục toàn cầu. Tuy nhiên, phương pháp dạy học giúp nâng cao tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh vẫn chỉ mới thực sự có được ở một số ít lớp, trường. Phần lớn học sinh vẫn phải học theo cách thụ động tiếp nhận, ghi nhớ kiến thức.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ, thông tin và hội nhập, cách dạy “thầy đọc, trò chép” là thảm họa. Một số nhà giáo nhận định, việc học sinh vẫn đang “được” dạy theo cách ghi nhớ máy móc, luyện đề, trở thành “thợ giải” khiến thành tích của học trò tăng nhưng khả năng tư duy, suy luận và vận dụng kiến thức vào thực tế lại bị hạn chế.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhiều lần nhấn mạnh, đổi mới mang đến những thách thức cho kiểu làm cũ, tư duy cũ, quan niệm cũ và sức ì. Đổi mới càng sâu thì thách thức càng lớn. Đối với lực lượng nhà giáo, một trong những khó khăn là cách làm cũ đã định hình và ăn sâu vào thói quen giảng dạy; không phải mọi giáo viên đều sẵn sàng đổi mới, thực hành theo yêu cầu của sự đổi mới.

Các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới coi trọng việc giáo dục dựa trên kỹ năng của người học hơn là dựa trên thành tích của họ. Nhờ vậy, họ chuẩn bị cho thế hệ trẻ nhiều loại kỹ năng để tồn tại cũng như có đủ năng lực để thích ứng, thay đổi trong thế giới hiện đại nhiều biến động, thay đổi.

Đại hội XIII của Đảng đã định hướng rất rõ: “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…”.

Những hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo đang dần được khắc phục. Nhưng, trong công cuộc đổi mới toàn diện, những yếu tố như trường, lớp, phương tiện nghe nhìn, số lượng giáo viên… chỉ là điều kiện đủ, vẫn phải bảo đảm điều kiện cần mà yếu tố tiên quyết là đổi mới phương pháp giảng dạy. Phương pháp giảng dạy phải giúp học sinh có kiến thức và phát triển kỹ năng, giúp học sinh hình thành và phát triển thái độ học tập tích cực, tự giác, tư duy độc lập, sáng tạo, từ đó thích ứng được với những thay đổi, biến chuyển, phát triển của xã hội. Năm học này cũng đánh dấu sự đổi mới thi cử. Giáo viên sẽ không phải lo “thi gì, dạy đó” nên phương pháp giảng dạy càng có “đất diễn”.

Học sinh phổ thông hiện tại đều sinh sau năm 2006, hằng ngày sống cùng công nghệ, nên giáo viên buộc phải không ngừng cập nhật kiến thức, kỹ năng để nâng cao trình độ, để thích ứng, đánh giá được học sinh đang ở đâu, đồng thời cũng xác định được mình cần cập nhật, đổi mới những gì.

Song, đổi mới giáo dục không phải là vấn đề của riêng đội ngũ nhà giáo hay của riêng ngành giáo dục. Đó là vấn đề của từng gia đình và cũng là vấn đề chung, trọng đại của đất nước, do vậy cần sự hợp lực của nhiều phía, của mọi cơ sở giáo dục, bộ, ngành, địa phương.

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI