Đổi mới bồi thường trễ chuyến bay: tăng được... 100.000 đồng

09/09/2014 - 07:23

PNO - PN - Hành khách được bồi thường nếu chuyến bay bị chậm hơn bốn tiếng so với giờ khởi hành, không đồng ý thì có thể kiện ra tòa... Đây là một quy định được cho là bảo vệ quyền lợi của hành khách trước tình trạng hàng không...

edf40wrjww2tblPage:Content

“Lấy được tiền vé đã mừng rồi!”

Theo dự thảo thông tư quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không vừa được Cục Hàng không trình Bộ Giao thông vận tải, hãng hàng không (HHK) phải bồi thường khi chuyến bay chậm hơn bốn tiếng so với giờ khởi hành. Đây là điểm mới của quy định này so với Quyết định số 10/2007/QĐ - BGTVT (QĐ 10) được ban hành cách đây tám năm. Ở QĐ 10, cơ quan chức năng chỉ quy định mức bồi thường trong trường hợp hủy chuyến, hành khách bị từ chối vận chuyển.

Chị N.T.M.H. (Bình Dương) cho biết, cách đây khoảng một năm, chị mua vé của VietJet (chặng TP.HCM - Buôn Ma Thuột). Đến ngày bay, hãng thông báo hủy chuyến và dời sang chiều hôm sau. Vì có việc gấp, chị H. chuyển sang đi ô tô và làm thủ tục để đòi lại tiền vé. Tuy nhiên, VietJet cho rằng đây là yếu tố khách quan, ngoài ý muốn, bắt buộc hãng phải hủy chuyến bay và không thể hoàn vé lại được. Sau nhiều lần liên lạc, VietJet vẫn giữ quan điểm và nhất định không trả lại tiền vé cho khách. “Tiền vé còn không lấy được thì mong gì đến bồi thường thiệt hại”, chị H. bức xúc.

Doi moi boi thuong tre chuyen bay: tang duoc... 100.000 dong

Hành khách đi máy bay của hãng VietJet

Anh N.L.Đ.Q. mua vé chặng Buôn Ma Thuột - TP.HCM cũng bị hủy chuyến, tuy nhiên viện dẫn từ những quy định của chính VietJet, anh Q. đã được trả lại tiền vé. Hai trường hợp tương tự, nhưng một người được trả lại tiền vé, một người không. Điều này có nghĩa là VietJet áp dụng luật “rất linh hoạt” cho từng trường hợp cụ thể, chứ không theo quy định chung (?).

Đó là hai trong số các trường hợp chỉ mong đòi được tiền vé chứ không đòi bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, có đòi thì cũng chưa chắc được, bởi các hãng luôn có những lý lẽ hoặc điều khoản vận chuyển rất chung chung để né trách nhiệm. Chị L.T.H. (Vũng Tàu) cho biết, khoảng ba tháng trước, chị tổ chức cho cơ quan (35 người) đi nghỉ mát ở miền Trung. Khi trở về, hãng đã chậm chuyến đến bốn tiếng mà không hề có sự bồi thường nào.

Sở dĩ chị H. yêu cầu HHK bồi thường vì sự chậm chuyến đã khiến đoàn của chị phải tốn thêm một bữa ăn tối đắt đỏ ở sân bay. Nhưng HHK cho rằng đã báo việc chậm chuyến trước ba tiếng so với giờ bay nên không bồi thường. “Trước ba tiếng là lần chậm chuyến thứ nhất, còn lần thứ hai, thứ ba thì sao? Chúng tôi vật vờ ở sân bay hơn bốn tiếng đồng hồ mà không được hỗ trợ ăn uống gì cả”, chị H. nói.

Được kiện cũng như không!

Dự thảo thông tư nói trên được xem là có nhiều thay đổi tích cực. Dự thảo quy định, trường hợp hành khách không nhận được tiền bồi thường hoặc cho rằng mức bồi thường chưa phù hợp với quy định của thông tư, có thể gửi văn bản (chấp nhận văn bản điện tử) theo mẫu đến HHK trong thời hạn một năm kể từ ngày chuyến bay dự kiến cất cánh để yêu cầu HHK trả tiền bồi thường. Hành khách cũng có thể khởi kiện HHK theo pháp luật dân sự về việc bồi thường trong thời hạn hai năm kể từ ngày chuyến bay dự kiến cất cánh.

Quy định này nghe sơ qua thì có vẻ hợp lý, nhưng thật ra đối chiếu kỹ thì không sòng phẳng mấy với khách hàng, đặc biệt khi hành khách muốn tự bảo vệ mình bằng công cụ pháp luật.

Doi moi boi thuong tre chuyen bay: tang duoc... 100.000 dong

Nhiều khách hàng bị chậm chuyến mà không nhận được bất kỳ sự bồi thường nào

Trước tiên, ngoài việc bồi thường trong những trường hợp chậm chuyến, dự thảo thông tư nâng mức bồi thường so với mức hiện tại, nhưng chỉ thêm được khoảng… 100.000đ. Có nghĩa là với chuyến bay nội địa bị hủy, chậm chuyến trên bốn giờ, hành khách sẽ được bồi thường 200.000đ (chặng bay dưới 500km), 300.000đ nếu bay từ 500km đến dưới 1.000km và từ 1.000km trở lên được bồi thường 400.000đ (mức bồi thường hiện nay là từ 100.000 - 300.000đ tùy chặng bay). Các chặng bay quốc tế được giữ nguyên với mức bồi thường tương ứng là 25 USD, 50 USD, 80 USD và 150 USD vì cơ quan soạn thảo cho rằng tỷ giá ngoại tệ ít biến động.

Theo tính toán của một HHK, với quy định hiện hành, hãng sẽ phục vụ ăn uống nếu chuyến bay chậm từ ba tiếng trở lên. Như vậy, nếu mỗi chuyến bay bị chậm, hãng sẽ thiệt hại khoảng hơn chục triệu đồng trong việc hỗ trợ khách. Đây chính là nguyên nhân của tình trạng dồn khách khi chuyến bay không đủ lượng khách để bù chi. Với quy định ở dự thảo thông tư mới, các HHK sẽ thiệt hại từ 20 - 70 triệu đồng mỗi chuyến, tùy chặng bay. Điều này sẽ gây sức ép rất lớn cho các hãng trong việc bảo đảm giờ bay.

Thứ hai, việc khiếu kiện tiền bồi thường cũng chỉ giới hạn trong "biểu giá" mà dự thảo quy định. “Tôi kiện làm gì, đâu bù đắp được những thua lỗ trong đàm phán làm ăn do trễ chuyến bay của tôi khi mức bồi thường cũng chỉ vài trăm ngàn”, ông Nguyễn Nhựt, giám đốc một doanh nghiệp ở P.Hiệp Phú, Q.9, TP.HCM nói.

Luật sư Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty Đông Phương Luật (TP.HCM) nhận định, quy định trên hạn chế quyền của người tiêu dùng. “Quyền bồi thường của hành khách không thể xác định ở mức vài trăm ngàn đồng như vậy. Thiệt hại của hành khách trong việc bị chậm, hủy chuyến là thiệt hại có thật và chứng minh được, đồng thời nó không có giới hạn. Do đó, quy định này không tương ứng với nguyên tắc về bồi thường thiệt hại của pháp luật dân sự”, luật sư Công cho hay.

Bên cạnh đó, dự thảo thông tư vẫn giữ nguyên các điều kiện miễn trách nhiệm bồi thường cho hãng bay đã được quy định trong QĐ 10: điều kiện thời tiết ảnh hưởng an toàn bay; nguy cơ an ninh; chuyến bay không thể thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không phải do lỗi của người vận chuyển; chuyến bay bị hủy dưới ba giờ; sự cố kỹ thuật… Các điều kiện này, tưởng nghiêm nhưng khó “đo lường”, bởi thực tế đã có không ít trường hợp hãng bay viện dẫn lý do mà khách hàng khó kiểm soát để tự bảo vệ mình.

 Ca Hảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI