Đối mặt với phản bội: Thông minh hay ngu ngốc?

10/06/2017 - 05:30

PNO - Tôi nhẹ nhàng hỏi người phụ nữ tiều tụy ngồi đối diện: “Sau khi biết anh ấy phản bội chị đã làm gì?”. Như được khơi đúng nguồn, chị như tỉnh ra, bắt đầu kể.

Câu chuyện của chị nghe như một vết sẹo dài đã hằn sâu qua năm qua tháng…

Doi mat voi phan boi: Thong minh hay ngu ngoc?
 

Không bao giờ quên

Chị bắt đầu bằng một câu khẳng định: “Đã bị phản bội thì nhất định cả đời không bao giờ quên!”. Yêu nhau từ thời phổ thông, đến khi cưới anh chị đã có 12 năm hẹn hò. Chị lên Đà Lạt học đại học, anh vào Sài Gòn. Ngày nghỉ, anh đón xe lên thăm chị. Tíu tít với nhau. Bạn bè rất ngưỡng mộ mối tình bất chấp cách trở của anh chị. 

Anh tự hào ngày trước đã phải qua mặt bao nhiêu gã trai mới cưa được chị, cô hoa khôi trường cấp III của huyện lỵ. Rồi họ xây dựng gia đình, có con trai con gái, có cơ ngơi đủ làm người khác ao ước. Anh điều hành một công ty bất động sản thành công. Chị quản lý tour cho một công ty du lịch lớn. Mỗi năm vài lần, họ dành thời gian đưa con đi nghỉ, ngày kỷ niệm năm nào cũng thấy nhà anh chị xôn xao tiếng cười. “Gia đình ấy an vui lắm” - ai cũng bảo thế khi nói về gia đình anh chị.

Bất ngờ một hôm, anh về nhà trong cơn say, nói thẳng với chị: “Anh hết yêu rồi, anh đang có người khác. Xin lỗi em!”. Chị nghe như sét đánh bên tai. Bắt đầu thời khắc đó, chị tự nói với mình sẽ không bao giờ tha thứ cho anh. Chị khóc. Khóc từ ngày này sang ngày khác. Vừa khóc vừa tỉ tê kể lể chuyện xưa… Cứ thấy anh về nhà là chị ra phòng khách ngồi khóc. Anh ăn cơm chị ngồi vào bàn, vừa khóc vừa kể. Chị cố tình đày đọa bản thân. Gào thét, tự đánh vào mình. Chị réo tên anh, réo cả cha mẹ mình trong mỗi cơn khóc. Người chị đầy những vết bầm. Con cái sợ hãi im thin thít. Anh cũng sợ, không dám lên tiếng, lầm lũi đi về như cái bóng, hôm nào cũng say. Chị kể: “Chị khóc lóc bao nhiêu cũng không làm anh chịu nghĩ lại, mà như còn khiến khoảng cách vợ chồng ngày càng xa hơn”. 

Doi mat voi phan boi: Thong minh hay ngu ngoc?

Vậy là chị đổi chiến thuật. Chị bắt đầu gọi điện thoại. Chị gọi về nhà cho ba má anh. Ngày nào cũng gọi. Có những cuộc gọi lúc 4 giờ sáng để nhờ ba má anh khuyên anh hồi tâm. Ba má anh ở quê cuống lên, nháo nhào gọi anh. Rồi cô, rồi chú, rồi dì ở quê cũng bị chị gây sức ép, cũng í ới gọi anh. Rồi cha mẹ vợ, em vợ, bà ngoại vợ... Ngày nào anh cũng phải chịu trận với bao lời khuyên nhủ. Chị thấy anh chạy ra chạy vào nghe điện thoại liên tục mà hả hê…

Chưa đã nư, chị lại gọi cho bạn bè anh, lùng sục tìm số điện thoại của tất cả bạn bè chung mà gọi. Chị tố cáo anh phản bội vợ con, mê “gái tơ” - lời của chị. Nhìn anh lặng lẽ chịu đựng, không dám gặp bạn bè nữa, chị nghĩ mình đã làm đúng. Sau cơn bão này, chắc chắn anh sẽ không còn dám nghĩ đến chuyện yêu “con ả” ấy nữa, mà phải quay về với chị. Chị tin như thế.

Mà đúng thế thật! Anh đi đâu đó mấy ngày thì về, nói với chị: “Thôi, anh thua! Em có thể buông tha anh được không?”. Chị đanh thép: “Không bao giờ!”. Rồi chị đi thẳng, bỏ anh đứng chưng hửng. “Anh ấy nghĩ, hễ anh chịu quay về là mọi việc sẽ bình an như cũ thì dễ dàng quá. Cứ phản bội, rồi quay về yên lành thì đàn ông cả thế giới này sẽ đều phản bội hết. Không được, nhất định không được!” - chị nói. Và khăng khăng: “Đời này, anh sẽ không một ngày được yên!”.

Đối đầu hay đối thoại? 

Chị nói như nói với chính mình, không có cay đắng nào bằng một ngày nào đó, người mình tin cậy nhất, yêu thương nhất nói thẳng với mình một cách ngang nhiên là đã phản bội mình và cố chứng minh với cả thế giới này là mình không còn giá trị trong tim họ nữa. Đau lắm!

Trong lòng chị luôn đau đáu ý nghĩ phải đày đọa cho anh “sáng mắt” ra. Để hành hạ được anh, chị vạch hẳn cả một chiến lược. Chị đi sửa sắc đẹp, sửa tổng thể. Chị vào bệnh viện thẩm mỹ nằm cả tuần mới về. Anh nhìn thấy chị mà choáng - chị hỉ hả. Sau đó là những ngày chị thả sức rong chơi: cùng bạn bè tụ tập ăn trưa, hẹn hò phòng trà buổi tối. Chị đi thiền tận Bảo Lộc suốt mười ngày, con cái bỏ mặc anh lo. Ngày nào chị cũng đưa hình ảnh những cuộc vui của mình, lúc tắm biển, lúc uống vang ở một nhà hàng ven sông nào đó lên facebook. Chị nghỉ việc hẳn, ở nhà “tận hưởng cuộc đời”, như dòng trạng thái chị viết trên trang cá nhân của mình.

Ảnh minh họa

Nhà cửa lạnh lẽo. Anh từ một người hoạt bát, năng động giờ u uất, lặng lẽ. Hết việc là anh về nhà, gần như không giao tiếp với ai. Sau chuyện đó, anh như e ngại tất cả mọi người. Cảm giác đang mang trọng tội như đeo bám chặt lấy anh. Lúc nào anh cũng thấy mình là nguyên nhân gây ra mọi cớ sự cho gia đình. Con cái cũng u uất. Đứa lớn hỏi anh “chuyện gì vậy ba?”, đứa nhỏ khóc “sao lúc này nhà mình không đi ăn ở đâu hả ba?”, càng làm tăng thêm cảm giác tội lỗi trong anh. Anh càng van nài chị bỏ qua, để gia đình có thể trở lại như trước, chị càng được nước lấn tới. Chị như thay đổi hoàn toàn. Sự hằn học hiện rõ trong từng câu nói. Chị cay nghiệt với anh từng bữa cơm, từng món ăn anh thích. Chị cười khinh khi anh buột miệng nhắc một chuyện xưa cũ nào đó...

Chỉ mới mấy tháng mà tóc anh bạc trắng. Anh nhờ má từ quê vô ở chung cho nhà có người, bớt lạnh lẽo. Chị cười cười nói với má chồng: “Má thấy chưa, anh ấy gặm nhấm tội lỗi của mình đến bạc đầu đấy”. Má anh, người phụ nữ nông thôn hiền hành, thương dâu quý cháu, nhưng cũng phải buột miệng hỏi chị: “Con có thấy mình làm quá không?”. Được thể, chị lu loa, rằng gia đình anh hùa nhau ức hiếp chị, anh sai trái rành rành mà còn bao che cho nhau, chuyện vợ chồng chị sao ba má chồng lại can thiệp, làm khổ chị thêm. Cứ thế, đụng chuyện là chị lớn tiếng la lối. Ngại với hàng xóm, má anh chẳng còn dám nói gì với chị về anh, càng không dám khuyên răn gì chị. Chị vẫn rong chơi rồi về nhà xưng xỉa với anh.

Đỉnh điểm của xung đột là một lần anh không nhịn được, đã thẳng tay tát chị khi chị nói vào mặt má anh: “Bà không biết dạy con”. Giọt nước tràn ly. Anh điên cuồng đập phá đồ đạc. Chị cũng không vừa, gào khóc thảm thiết. Con cái hoảng sợ kêu khóc theo mẹ. Má anh tức giận bỏ về quê ngay trong đêm. Anh chở hai đứa con ra thuê khách sạn ngủ. Chị thu dọn mấy món đồ, đi luôn ra Đà Lạt, sau khi treo trên tường mấy chữ lạnh lùng: “Sẽ còn thù, thù mãi. Đồ phản bội mà lớn tiếng…”.

Nhà cửa tan nát. Anh nộp đơn ly hôn khi đã bình tĩnh lại. Anh cũng thuê một căn hộ nhỏ, mấy cha con ở tạm để hai đứa nhỏ không gián đoạn việc học. Tài sản anh để lại hết cho chị, chỉ có nguyện vọng được nuôi con. Anh nói gọn với chị ngày anh đưa đơn cho chị ký: “Anh có lỗi, nhưng anh không cố tình phá hỏng gia đình của mình”. Chị đã ngỡ, kẻ phản bội như anh làm sao dám bỏ vợ, làm sao dám ly hôn, làm sao dám quay lưng với người đã cho mình một đường về. Nên chị cố tình trả thù, trả thù chỉ để thỏa những ấm ức. Đâu ngờ…

Giờ chị đang tìm người tư vấn, không phải tư vấn việc ly hôn, mà tư vấn giúp chị cách làm thế nào để quên được chuyện phản bội của anh. Với chị, việc đó sao quá khó…

 Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI