Kazumi Yumoto là người dám kể chuyện buồn cho trẻ em nghe. Khu vườn mùa hạ đoạt được nhiều giải thưởng văn học thiếu nhi và được dựng thành phim, lưu dấu trong độc giả bởi cách kể chuyện gần như hiện thực trần trụi độc đáo. Trần trụi như cách miêu tả cảnh hỏa thiêu người bà của Yamashita ngay mở đầu thiên truyện dưới góc nhìn của một đứa trẻ con.
Yamashita cũng không khóc vì cái chết của bà, vì cậu chưa gặp bà từ khi còn ẵm ngửa, với cậu bà không khác gì người dưng. Trần trụi như cách ông già kể lại cho lũ trẻ về chiến tranh. Còn gì khốc liệt hơn chiến tranh với việc con người để sống còn lại đi giết những người vô tội?
Kể bằng giọng ráo hoảnh, ấy vậy mà lũ trẻ vẫn cảm được vết thương âm ỉ nhói buốt của chiến tranh ám ảnh trầm tích suốt một đời người. Người lính từ bỏ mái ấm nơi vợ con đang đợi mình, đày đọa trong cảm giác tội lỗi chừng ấy năm, không một ai hay biết. Những điều đó ít khi chúng ta dám nói cho người khác nghe, huống hồ lại là trẻ em. Khép lại câu chuyện vẫn là người chết, hỏa thiêu, cùng những mẩu xương.
Khi “Nắp của cái tiểu đựng xương bằng gốm được đóng lại, tạo một âm thanh khô gọn”, thì Kiyama - nhân vật chính trong câu chuyện - cũng biết rằng “mùa hè của chúng tôi đã kết thúc”. Tròn trịa một vòng tròn khởi - kết, mở - khép một câu chuyện buồn. Chỉ khác ở chỗ cuối truyện lại đầy những giọt nước mắt, nước mắt trẻ thơ khóc cho người vốn không có mối quan hệ huyết thống nào với chúng.
Gấp cuốn sách lại, ký ức người đọc vẫn rực rỡ với vườn hoa cánh bướm, ngôi nhà được sơn đủ màu, những chùm pháo hoa nở trên vòm trời mùa hạ. Những tiếng cười long lanh như những giọt mắt trong veo, ngân nga vang vọng dư âm mùa.
Khu vườn mùa hạ là một câu chuyện phản-cổ-tích. Không có điều kỳ diệu nào xảy ra với người bà của Yashimata. Không có phép màu nào cho ông cụ. Ngay cả vai trò của lũ trẻ, sau khi nghe câu chuyện đau buồn về cuộc đời ông cụ, đã làm cái việc của những ông bụt bà tiên trong truyện cổ tích, ấy là đi tìm vợ ông, nối lại sợi dây quá khứ bị đứt đoạn. Nhưng không cái kết có hậu nào dễ dàng trong cuộc sống đầy hiện thực, cho đến khi ông cụ mất, ông và vợ ông vẫn không gặp mặt nhau được một lần nào, và vợ ông, với căn bệnh lú lẫn của tuổi già, hoặc với nỗi đau tột độ trong quá khứ, có lẽ đã quên ông. Chỉ có bà cụ bán hoa đến thăm, theo mục đích ban đầu của lũ trẻ như một thế thân vì giống vợ ông, cũng chỉ để những người già có thể trải lòng về quê hương.
Thế giới của người lớn không phải là cổ tích mà đầy những mảng tối, đổ vỡ, khuất lấp, dở dang. Thực như thể ngôi nhà của ông cụ rồi cũng bị phá đi, khu vườn mùa hạ rồi bị vùi lấp, mẹ của Kiyama đau ốm bệnh tật. Kazumi Yumoto kể cho chúng ta nghe một thế giới không có phép màu.
Khi phép màu biến mất, không có sức mạnh siêu nhiên nào can dự và làm thay đổi số phận của con người, thì điều kỳ diệu đã xảy ra: Một ngôi nhà đầy rác, tồi tàn, với một con người sống-như-đã-chết trở nên động đậy, ấm áp, rực rỡ sắc màu. Những con người từ xa lạ trở nên gắn bó, để rồi rớt nước mắt khi có người vĩnh viễn ra đi.
Khi khép lại mùa hè, những con người trong câu chuyện đều trở nên đẹp hơn, trưởng thành hơn. Khi phép màu siêu nhiên biến mất, là khi phép màu nở hoa từ bàn tay và trái tim người. Thông điệp của tác phẩm nhân văn và sâu sắc là vậy.
Ngôi nhà của ông cụ chỉ không còn rác, sạch sẽ, đẹp đẽ khi có bàn tay của bọn trẻ thu dọn, giặt giũ, sơn quét. Ông cụ cô độc trong thế giới của vết thương chỉ mở lòng, buông bỏ, vượt thoát, khi lũ trẻ bước vào, đem sự quan tâm và yêu thương sưởi ấm. Và khi ông cụ cũng nỗ lực tự mình vượt thoát.
Bọn trẻ chỉ có thể lớn lên khi chúng được học cách đối mặt. Đối mặt với sự thật về người bố, về bản thân, đối mặt với nỗi sợ hãi sâu thẳm bên trong, biết vùng lên bảo vệ bạn bè.
|
Dạy con đối mặt với hiện thực không hề dễ, cần rất nhiều kiến thức và kỹ năng (Ảnh minh họa) |
Không có phép màu nào khiến mẹ của Kiyama khỏi bệnh. Nhưng bàn tay của cậu học được cách gọt lê, và những miếng lê ngọt ngào của cậu đã khiến cho bà lần đầu tiên không uống rượu. Bố cậu, trong những ngày mẹ cậu ở bệnh viện, cũng học được cách dành thời gian nấu ăn cho bà, quan tâm chăm sóc yêu thương.
Họ cho nhau, học lẫn nhau, cùng tốt đẹp hơn và trưởng thành. Trưởng thành để đối mặt với bóng ma trong mỗi con người, đối mặt với hiện thực trần trụi không tô vẽ. Trong một thế giới không phép màu, con người dựa vào nhau, và dựa vào chính mình để làm nên điều kỳ diệu. Đó là thông điệp sâu sắc mà Kazumi Yumoto gửi vào Khu vườn mùa hạ, giản dị đời thường mà không kém phần lung linh.
An Duyên