Đối mặt với chồng cũ trong công ty

08/02/2023 - 19:00

PNO - Phụ nữ hay bị cảm xúc chi phối, khó mà giữ khách quan, tỉnh táo trước người mình thương hay ghét, em sẽ khổ hơn nếu cứ phải khắc khoải kìm nén cảm xúc.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em và chồng ly hôn đã hơn 2 năm. Con trai 11 tuổi đang sống với ba, con gái 6 tuổi sống với em. Khi ly hôn, em nghĩ mình sẽ tìm 1 công ty khác, chuyển nơi làm việc để cắt đứt với chồng cũ.

Nhưng sau đó dịch COVID-19 xảy ra, xin việc mới quá khó, công ty lại có chính sách trợ cấp nên em đã ở lại công ty, dù sao cũng còn có nguồn thu ổn định để trang trải cuộc sống. 

Thời gian đó chủ yếu làm việc ở nhà, em không phải lên công ty nên cũng không giáp mặt chồng cũ. Đến khi đi làm trở lại, em cũng thử xin việc nhưng không có chỗ nào tốt hơn nên em ở lại làm luôn tới giờ.

Chồng cũ mới được lên chức, mời cả phòng đi đãi, không mời em. Em nghĩ anh ta cũng tệ, em đã mua sẵn món quà chúc mừng, em đi cũng đâu có ăn không của anh ta. 

Nghe nói chồng cũ cũng có quan hệ với 1 nhân viên mới, em có lần giả bộ đi qua đó coi mặt ra sao, thấy cô ấy cũng thường thôi.

Lên chức xong anh ta hay thể hiện, đưa ra chiến lược này kia. Có lần thấy cách làm không phù hợp, em có ý kiến đề nghị thay đổi, anh ta phản ứng rất cay cú. Trong phòng mọi người đều biết em là vợ cũ nên cũng có người bóng gió nói quan hệ cá nhân ảnh hưởng đến công việc.

Lần đó em đã lên ban giám đốc nộp đơn xin chuyển sang bộ phận khác, nhưng các sếp không đồng ý.

Làm kinh doanh thì cả phòng phải phối hợp, hỗ trợ nhau, cả phòng phải đạt chỉ tiêu bán hàng. Em thấy bây giờ ở lại công ty, em làm nhiều nhưng anh ta thì vừa được hưởng vừa không ghi nhận công sức của em, em không có cơ hội để thăng tiến, vì anh ta chặn ngang đường rồi. Nhưng nếu đi nơi khác thì cũng khó khăn, lại có vẻ như mình là người thua cuộc.

Em lấn cấn suy tính cũng nhiều, xin chị cho em lời khuyên.

Thúy Hiền (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Thúy Hiền thân mến, 

Chuyện vợ chồng ly hôn rồi trở thành bạn bè, cùng hỗ trợ nhau trong công việc có lẽ chỉ là chuyện phổ biến trong… phim. Thực tế là khi đã đến mức không thể chung sống nổi với nhau, thậm chí yêu đương đã thành thù hận, thì kẻ kia thở hơi ra người này cũng đã không chịu nổi, nói gì đến việc chung chí hướng hay chia sẻ lợi ích.

Mặt khác, phụ nữ khi đã coi thường ai thường khinh ra mặt, ghét ra mặt, khó giấu kín cảm xúc của mình. 

Vậy nên các cặp vợ chồng đã ly hôn làm việc gần nhau rất khó, làm việc chung với nhau còn khó hơn nhiều lần. 2 con người quá hiểu nhau, cộng thêm cảm xúc tiêu cực, rất dễ trở nên cay cú với nhau, mâu thuẫn mọi nơi mọi lúc. Ngắn gọn là đường ai nấy đi thì sẽ tốt hơn, cho cả công việc và tình cảm của mỗi người.

Vậy ai sẽ là người ra đi? Em đã xin chuyển, đó là bước tích cực thứ nhất. Các sếp ở công ty em chắc chưa thể sắp xếp được ngay, em cứ kiên trì, ban giám đốc sẽ hiểu, họ sẽ vì mục tiêu chung mà chuyển em sang bộ phận khác.

Em hãy xem trọng cơ hội chuyển sang công ty mới, dù điều kiện chỉ ngang bằng thôi thì thay đổi cũng là tích cực, để làm mới bản thân, cuộc sống của mình, để mình không bị níu chặt vào quá khứ.

Phụ nữ hay bị cảm xúc chi phối, khó mà giữ khách quan, tỉnh táo trước người mình thương hay ghét, em sẽ khổ hơn nếu cứ phải khắc khoải kìm nén cảm xúc.

Còn nếu xác định không đi đâu hết, ở lại công ty, em phải cố gắng gấp nhiều lần, để khẳng định năng lực làm việc, khẳng định bản thân. Những cố gắng của em không phải chỉ để hơn thua, mà còn để người ta thấy mình tự lập được, mình sống được và sống tốt.

Ở lại cũng có nghĩa em phải bỏ qua những chuyện nhỏ nhặt như tiệc mừng thăng chức hay bồ mới của chồng, cắn răng lại, nỗ lực hết mình vì công việc. Em phân tích kỹ tình hình rồi hãy chọn phương án phù hợp nhất với mình nhé. Chúc em thành công.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn
(hanhdung@baophunu.org.vn)

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI