Đôi mắt mù và trái tim lành lặn

03/01/2020 - 14:39

PNO - Có lẽ, chính con tim lành lặn của anh cùng những ân cần, chu toàn và thấu cảm vẫn nhịp nhàng tỏa ra từ nó - đã gắn kết tất cả những diễn biến không ngờ, những con người bận bịu, những lòng tốt rời rạc này.

Khu nhà trọ nằm ở cuối con hẻm. Nghe hỏi phòng của “anh Trang mù”, cụ bà ngồi trên xe lăn chỉ tay vào căn phòng đối diện. Tôi thấy chị Phạm Thị Bích Nga bơ phờ ngồi đó, anh Ngô Huyền Trang tay vịn vào vai vợ, tay cầm chổi dò dẫm quét nhà.

Nghe Nga chào, anh Trang nhanh chóng nhận ra sự có mặt của tôi. Gương mặt đang ngơ ngác của anh chợt tươi hẳn lên, anh cười: “Chào cô, thoát chết rồi đây cô…”.

Cuộc “phiêu lưu” sinh tử

Mỗi nhát chổi của Trang quét qua, sàn nhà lại lộ ra một lớp bụi dày. Phía sau chỗ Nga ngồi là một chiếc giường sắt chất đầy đồ đạc, khoảng còn lại của căn phòng trống trơn. Căn phòng không giống một nơi đang có người ở. Anh Trang cười gượng: “Nhà này hai mươi hai ngày không có người nên dơ lắm cô".

Anh Trang mò mẫm di chuyển để quét dọn căn nhà 22 ngày không có người ở
Anh Trang mò mẫm di chuyển để quét dọn căn nhà 22 ngày không có người ở

Cách đó hai mươi hai ngày, tôi gặp họ, hai vợ chồng bắt đầu một cuộc “phiêu lưu" sinh tử. Gọi là “sinh tử", bởi cái lúc chị Nga đổ quỵ trên đường từ quận 3 về chợ đầu mối Hóc Môn, anh Trang đã một phen “tưởng chết".

Tại bệnh viện đa khoa Tân Bình, Nga được phát hiện bệnh sốt xuất huyết. Người chồng mù mò mẫm làm quen với căn phòng nội trú ở bệnh viện để nuôi vợ bệnh trong bốn ngày. Mỗi ngày Nga được thăm khám, anh đều quýnh quáng hỏi bác sĩ tình trạng xuất huyết của vợ. Những đêm trắng ngồi giữa căn phòng có nhiều người bệnh giống Nga, tiếng thở nặng nhọc, đứt quãng của vợ như xoáy vào anh những hình dung u ám. 

Thân nhân tại căn phòng bệnh nhiễm của bệnh viện Đa khoa Tân Bình hồi đó không ai không biết một ông mù cứ sáng sớm, nghe ai thức dậy cũng gọi nhờ: “Coi giùm vợ tui có xuất huyết ra da không?". Đến cuối ngày thứ tư, nỗi lo của anh cũng có câu trả lời: vợ anh bị tim bẩm sinh. Theo lời bác sĩ, chị chỉ sống được tối đa một tháng nếu không được mổ liền.

Trở về từ phòng bác sĩ, Trang lặng lẽ hẳn. Món tiền một trăm triệu là chi phí tối thiểu cho ca mổ tim, như xoáy vào đầu anh những hướng kiếm tiền, mà hướng nào cũng bế tắc. Chị Nga không còn thân thích. Người thân của anh là một người mẹ bị tai biến mấy mươi năm nay, người cha già cũng ngày ngày đi bán rau kiếm đủ tiền nuôi vợ. “Bà con" không máu mủ từng giúp anh nhiều, nhưng giờ, ai dám cho một người vừa mù vừa mang căn bệnh thế kỷ vay một trăm triệu?  

Biến chứng từ căn bệnh HIV làm anh mù mắt từ năm 2012. Năm đó, từ một người đàn bà chậm phát triển trí tuệ, chị Nga trở thành “tài xế chở hàng" sau vài lần tập lái xe máy. Trên chiếc xe DD đỏ nối với xe chở hàng, chị cầm lái, anh Trang ngồi phía sau vừa rao hàng vừa… chỉ đường. Anh luôn biết mình đang đến ngã tư, đến đoạn rẽ phải, rẽ trái... dù đôi mắt đã không còn nhìn thấy.

Anh nói “tại tui ở Sài Gòn bốn mấy năm nên rành. Bả cũng ở năm mấy năm, mà tại bả khờ mới không biết". Vì “Nga khờ” nên anh quán xuyến cả chuyện tiền bạc. Tiền chẵn cất túi quần, tiền lẻ để túi áo. Xe anh bán rau củ, mỗi ngày bán tầm hai trăm ký hàng, kiếm được vài trăm ngàn. Nhưng mỗi tuần chiếc xe chỉ đi được ba, bốn chuyến, vì Nga mệt. Càng về sau, số chuyến hàng mỗi tuần chỉ còn hai chuyến. 

Giờ, Nga nằm đó, anh không còn đôi mắt sáng để tiếp tục bán rau. “Tiền để ở túi quần” đã hết từ khi đóng tiền nhập viện cho Nga. Anh mò mẫm túi áo, lấy ba chục ngàn nhờ người đàn ông cùng phòng mua giúp một tô hủ tíu. Đến lúc nghe Nga chậm chạp ăn rồi, anh mới sấp ngửa chạy vào nhà vệ sinh… để khóc. “Lúc đó tui hổng dám ước vợ được sống. Tui chỉ mong tui được sáng mắt vài phút để nhìn vợ ăn ngon miệng một tô hủ tíu Nam Vang”, anh nói.

Những tấm lòng gặp nhau

Tại khu phẫu thuật bệnh viện đại học Y Dược TP.HCM, Trang ngồi ngơ ngác một mình. Anh cao, gầy, vai đeo chiếc ba-lô cũ, móc lủng lẳng hai chiếc nón bảo hiểm. Trong kia, Nga đang bước vào cuộc đại phẫu mổ tim. 

Ảnh minh họa
Anh Trang ở góc phòng chờ phẫu thuật và hành trang trong 20 ngày sinh tử

Bác sĩ Nguyễn Như Hiếu (Phòng khám Mai Khôi) chào Trang bằng một cái vỗ vai, hỏi giọng khẩn trương: “Đồ đạc của anh đâu? Nay mổ xong ở viện lâu lắm nhen". Trang cười: “Dạ trong đây hết, có nhiêu con gom hết vô đây rồi cha". 

Anh Trang chậm chạp kể từng món đồ anh mang trong ba-lô. Vị bác sĩ đang chăm chú lắng nghe đó càng làm câu chuyện đồ đạc của anh Trang thêm phần hệ trọng. Dường như, sự “hệ trọng" lạ lùng đó cũng chính là những phép kết nối đưa Nga đến với cơ hội được sống.

Lúc hay tin Nga nguy kịch, bác sĩ Hiếu đang ở Mỹ. Vừa về Việt Nam, cầm hồ sơ bệnh án của Nga trên tay, ông xác định, chuyện đã không thể chần chừ. Căn bệnh tim bẩm sinh lẽ ra phải được can thiệp từ trước một tuổi. Ở tuổi năm mươi của Nga, bệnh đã diễn tiến sang hở van tim quá nặng, cần được thay hoặc sửa van khẩn cấp. 

Tám năm trời vẫn gặp Trang hằng tháng tại phòng khám Mai Khôi để kiểm soát và phát thuốc điều trị HIV miễn phí, từng ghé thăm vợ chồng Trang trong căn phòng trọ ở Hóc Môn, bác sĩ Hiếu biết rõ hai vợ chồng không thể xoay xở chi phí phẫu thuật. Nhưng, bệnh nhân HIV khó khăn như Trang, ông có đến hơn ngàn người. Những nguồn quỹ từ thiện mà ông gõ cửa đều ái ngại với mức phí khổng lồ của ca mổ tim.

Phần Trang, ngoài việc đến Mai Khôi lấy thuốc HIV mỗi tháng, anh vừa cùng các bác sĩ nơi này trải qua hai lần mổ mắt và một cuộc điều trị viêm gan siêu vi C. Tất cả trải nghiệm y tế ấy đều ngặt nghèo và tốn kém. Lúc nhờ người nhắn tin đến bác sĩ Hiếu, anh nhắc: “Chỉ nói cho cha hay chuyện thôi". 

Lúc này, bác sĩ Hiếu trong anh không còn là một bác sĩ, mà là một linh mục. Với tư cách là linh mục dòng Camillô Phaolo Nguyễn Như Hiếu, đầu năm 2018, bác sĩ Hiếu đã rửa tội cho Trang để anh theo đạo của vợ. Bản thân Trang cũng ngại ngần khi mang thêm cái ngặt nghèo trong sức khỏe của vợ đến vị bác sĩ đã cưu mang mình quá nhiều. 

Ảnh minh họa
Bác sĩ Nguyễn Như Hiếu

Bác sĩ Hiếu mang câu chuyện của vợ chồng Trang lên nhóm chat của những người bạn. Lập tức, ông nhận cuộc gọi của nữ bác sĩ Phan Thị Thu Yến - khoa Gây mê - Hồi sức, bệnh viện đại học Y Dược, đề nghị được giúp đỡ Nga.

Tình thế chuyển biến không ngờ. Không lâu sau đó, bác sĩ Hiếu lại nhận được điện thoại của thạc sĩ - bác sĩ Cao Đằng Khang - Phó trưởng khoa Tim mạch - Bệnh viện Đại học Y Dược. Trong điện thoại, Khang nói nhẹ hơ: “Em có nghe bác Yến nói rồi. Anh cứ để em lo ca này!”. 

Ngày đầu tiên đến khám tiền mê, Nga lại gặp phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hoàng Định - trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch của bệnh viện đến hỏi thăm “cô bệnh nhân có anh chồng mù". Cuộc trò chuyện nào đó giữa ba vị bác sĩ trăm công ngàn việc của bệnh viện Đại học Y Dược đã làm nên cuộc hợp lực cứu sống Nga. 

Lúc kể lại những ngày nuôi vợ nằm viện, anh Trang khoe: “Bác Thu Yến xuống thăm hoài, bác nói tiền thuốc thang với vật tư tiêu hao là bác quyên góp được, bác sĩ mổ giúp, nên hai vợ chồng hổng phải lo". Những cái tên của các bác sĩ đã dự phần vào cuộc “hồi sinh" này cứ được Trang nhắc đi nhắc lại, rồi dặn tôi “nhớ tên, để chừng nào gặp mấy bác sĩ thì gửi lời cảm ơn giùm".

Lúc này, khi tôi ghé thăm, hai vợ chồng Trang vừa về phòng trọ sau hai mươi hai ngày trải qua một ca đại phẫu, “những ngày tưởng chết" và cả lần hồi sinh ngoài mong đợi. Căn phòng cũ kỹ, xộc mùi bụi và quần áo cũ. Nhưng lúc này, nó không còn vẻ hoang lạnh. Trang lại dò dẫm quét nhà, rồi lo cho vợ một chỗ nằm.

Lúc tôi chào ra về, Trang sực nhớ rồi nhắc vợ: “Em coi năm giờ chưa, đặng anh lấy nước uống thuốc?”. Anh vừa nói vừa mò mẫm trong cái ba-lô, cầm ra một chai nước suối, rồi quay sang tôi, rụt rè: “Cô coi giùm phải chai nước không?”. Nghe tiếng tôi cười, anh gãi đầu, nói: “Tui mù, nhưng trái tim tui lành là được hà, giờ tui chỉ lo cho vợ, tim mà bệnh là lo hoài à…”.

Anh nói đúng. Có lẽ, chính con tim lành lặn của anh cùng những ân cần, chu toàn và thấu cảm vẫn nhịp nhàng tỏa ra từ nó - đã gắn kết tất cả những diễn biến không ngờ, những con người bận bịu, những lòng tốt rời rạc này. Cặp vợ chồng khiếm khuyết và đầy bất toàn trong điều kiện sống, nhưng lại khiến người chứng kiến thấy an lòng, muốn nâng đỡ - cũng chính vì sự gắn bó hoàn hảo nơi họ. 

Minh Trâm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI