Đối lập như thế bền lâu sao được?

27/10/2021 - 17:00

PNO - Hồi ấy, nhiều người xì xào “cặp này chỉ lấy nhau được 3×7=21 ngày thì tan” hoặc “đối lập như thế, bền lâu thế nào được”... Họ hàng, anh chị em đều ái ngại vì anh chân quê, còn chị là thiếu nữ Hà thành. Vậy mà chị Trần Lê Trang và anh Dương Tiến Dũng đã sóng đôi 36 năm.

Có gì mà không hợp!

Anh chị quen nhau trong một dịp chi đoàn của hai cơ quan kết nghĩa năm 1981. Anh xuất thân từ vùng nông thôn Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Chàng trung úy Tiến Dũng khi ấy công tác tại Cục Dân vận, đóng quân ở Sơn Tây.

Chị Lê Trang  sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội, mang trong mình dòng máu “nghệ sĩ” (bố chị là nghệ sĩ nhân dân, làm việc tại  Điện ảnh Quân đội). Chị khi ấy là trung sĩ, kỹ thuật viên âm thanh của Xưởng Âm thanh, Điện ảnh Quân đội.

Anh Dũng và chị Trang trong ngày cưới
Anh Dũng và chị Trang trong ngày cưới

 

Hai người có cơ hội tìm hiểu và dần dần mến nhau, nhưng người thân, bạn bè biết chuyện lại ra sức bàn lui, bảo không hợp, không xứng. Rất may, trong gia đình chị, ba mẹ tôn trọng quyết định của con gái, tin vào sự lựa chọn của con. Vì thế, những “lời ra tiếng vào” nhanh chóng qua đi. Không phải là mối tình đầu của nhau, song lại là sự va chạm định mệnh và họ tin vào cảm nhận của nhau.

Qua ba năm yêu thương trong xa cách, cuối cùng họ đi đến đám cưới vào đầu năm 1985. 

Tình yêu mạnh hơn áp lực 

“Của hồi môn” giữa hai người không có gì ngoài tình yêu. Do nhà anh ở xa và cả vợ chồng đều đang công tác tại Hà Nội nên anh buộc phải ở rể. Trong thời điểm cả nước đều khó khăn, nhà bố mẹ ruột của chị chỉ khoảng 24 mét vuông mà có tới ba cặp vợ chồng sống cùng: bố mẹ chị, vợ chồng anh chị và vợ chồng cậu em trai. 

Thương các con, bố mẹ chị quây ban công để có thêm một phòng ngủ cho vừa ba gia đình. Mỗi gia đình có một cái giường trong một phòng nhỏ xíu, có một phòng khách và khoảng không gian sinh hoạt chung. Đồng lương hạn chế của hai vợ chồng trẻ thêm chật vật khi đứa con đầu lòng ra đời. 

Mẹ chị là người đảm đang, tần tảo, thương con hết mực. Mỗi ngày bà cố gắng sắp năm cặp lồng cơm cho vợ chồng các con và cho chồng mang theo đi làm. Lúc ấy vợ chồng cậu em trai có lương cao hơn nên có thể đỡ đần bố mẹ.

Điều này vô tình cũng tạo áp lực cho chồng chị, dẫu mọi người trong gia đình đều tốt và không ai phàn nàn gì. 

Bố chị tính tình nghiêm khắc, với ông, giờ giấc phải quy củ. Sáng ông dậy rất sớm, quét dọn nhà cửa, ăn uống đúng giờ, nên các đôi vợ chồng trẻ rất ngại vì thế hệ khác nhau, múi giờ sinh hoạt cũng khác nhau. 

Đôi lúc, anh chị muốn ngủ vùi một chút trong ngày nghỉ cũng khó vì khi nghe tiếng bố vợ là phải bật dậy, lâu dần thành ức chế. Công việc của anh thường phải đi sớm về muộn, nên dù đã rất cố gắng nhưng anh vẫn hay về không đúng bữa ăn gia đình, làm bố mẹ vợ khó chịu.

 

Chị là con gái nên bố mẹ mặc nhiên cho rằng đối xử “sao cũng được”, ông bà chỉ “chiều chuộng, giữ ý tứ” với con dâu. Điều này cũng làm anh buồn vì xót vợ. Anh quặn lòng mỗi khi biết có những va chạm chị phải nhường nhịn cho êm chuyện.

Anh là con trưởng, các em của anh học hành và sinh sống tại Hà Nội. Họ biết anh ở rể nên ngại không qua lại, điều này làm anh rất buồn.

Biết rõ cảm xúc của chồng, chị thường trò chuyện với anh. Hai người yêu nhau, yêu bố mẹ, yêu em trai em dâu, nên mọi sự trở nên nhẹ nhàng. Bố mẹ chị cũng rất thương con cái nên dần dần cũng hiểu chuyện và cố gắng tránh làm con rể cảm thấy tổn thương.

Đến khi con trai đầu lòng của anh chị được hai tuổi, bố chị nghỉ hưu, ông tình nguyện ở nhà trông cháu ngoại đỡ đần cho hai vợ chồng. Tình cảm ông bà cháu càng làm cho ngôi nhà nhỏ thêm rộn rã.

Điều bất ngờ thú vị là sau này, anh chính là người con được bố mẹ chị yêu quý nhất. Khi vợ chồng chị và vợ chồng em trai đều có nhà riêng, anh chị chính là chỗ dựa, chăm sóc  lúc ông bà ốm đau bệnh tật.

Cùng nhau vượt khó trong “túp lều” nhỏ

Con trai ngày một lớn, chị đề xuất với cơ quan chuyện nhà ở, đến năm 1988, anh chị được cấp “túp lều tám mét vuông”. Đó là một niềm vui lớn của cặp vợ chồng trẻ.

Chị luôn nhớ chồng là con trai trưởng của gia đình với năm người em. Ý thức được điều này, nên suốt những năm tháng làm dâu xa, chưa bao giờ chị sao nhãng trách nhiệm với nhà chồng, nhất là từ khi vợ chồng có chỗ ở riêng. 

Có thêm đứa con thứ hai, hoàn cảnh kinh tế càng khó khăn, anh chị phải xoay xở, tranh thủ thời gian rảnh ngoài giờ làm việc cơ quan. Sáng sớm anh chạy bỏ mối hàng thuốc lá, chị thức khuya đan áo len, đan mũ… Mỗi đợt anh đi công tác miền Nam, chị “nghiên cứu” thị trường để anh mang theo vài món hàng vào ra để bán lại, kiếm thêm thu nhập. 

Anh một lòng mẫn cán với công việc của đơn vị, cơ quan, nên luôn bận rộn ít có mặt ở nhà. Chị thừa hưởng đức tính tận tụy, đảm đang từ mẹ nên chu toàn chuyện nhà cửa con cái. Cả hai đều lao động siêng năng nên cuộc sống dần dần khá lên.

Các con thấy sự vất vả của mẹ, muốn đáp trả hy vọng của bố nên ngoan ngoãn, học hành chăm ngoan và trưởng thành. 

Trân quý từng phút giây hiện tại

Khi các con còn nhỏ, chị chấp nhận xếp lại nhiều đam mê công việc, toàn tâm quản lý tạo dựng tổ ấm để chồng yên tâm công tác. Đối với chị gia đình là trên hết. Khi các con biết tự lập, tự lo, chị bắt đầu thực hiện những gì mình yêu thích.

Đúng vào thời điểm đó, cơ quan chị giảm biên chế. Nhận thấy chị vẫn đầy nhiệt huyết, có chuyên môn vững, cơ quan giữ chị lại làm việc. Chị nỗ lực hết sức để học thêm về chuyên môn, khẳng định thêm khả năng của mình trên lĩnh vực đạo diễn... Công việc của chị đang vào guồng thuận lợi thì chồng chị mắc bệnh nan y. 

Chị nhận được tin dữ khi đang công tác ở Tây Nguyên, vội vàng bay ra Bắc và triền miên theo năm tháng chăm sóc chồng trong bệnh viện. Có những năm, chồng nằm viện suốt sáu, bảy tháng, chị vượt qua bao mệt mỏi, căng thẳng bằng một suy nghĩ: luôn phải trân quý những gì mình đã và đang có. 

Theo anh chị, vợ chồng dù yêu nhau, lấy nhau, nhưng mỗi người vẫn mỗi tính cách, ghép vào với nhau đâu phải là hoàn toàn khớp với nhau, vì thế “sống với nhau là phải biết lựa lời, biết nhường nhịn, đôi khi phải nhẫn nhịn để tránh xung đột. Khi xảy ra bất cứ sự việc gì cần giải quyết, hãy tránh xa hai chữ “hiếu thắng”. Có như vậy, hôn nhân mới tồn tại bền lâu”. 

Anh Dũng, chị Trang và hai con trai
Anh Dũng, chị Trang và hai con trai

 

Chị nhấn mạnh: “Khi đã về chung một nhà, bản thân phải mặc định là sẽ có nhiều vất vả, thử thách. Cuộc sống không thể bình lặng, nên để có năng lượng đối phó với những biến cố cuộc đời, phải biết thương mình, biết giữ gìn sức khỏe, biết trân trọng bản thân thì mới có thể lo và chăm sóc cho những người khác”. 

Thời gian trôi, anh đã qua được giai đoạn hiểm nghèo, đang sống chung với bệnh tật trong giới hạn cho phép. Cuộc hôn nhân tưởng kéo dài 3x7=21 ngày như mọi người đã nói giờ đây đã được 36 năm... 

Chị là đại tá - đạo diễn điện ảnh. Anh là đại tá - cán bộ Cục Dân vận Tổng cục Chính trị. Vợ chồng giờ đã nghỉ hưu. Bây giờ, họ sống bình yên bên nhau và trân quý từng phút giây hiện tại. 

Khánh Phương

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI