Việc lắng nghe, nhìn thoáng qua có vẻ rất dễ. Con người ai cũng được trang bị hai cái tai để nghe, một cái đầu để nghĩ và một trái tim để cảm nhận. Ấy vậy nhưng vẫn tồn tại một cái “đói” được lắng nghe. Thay vì lắng nghe, hầu hết mọi người sẵn sàng để đưa ra ý kiến của mình.
|
Ảnh minh họa. |
Nhưng lời nói không phải lúc nào cũng dễ được người khác tiếp nhận, nhất là với người bạn đời đã trải qua nhiều năm trời trao đổi những lời trò chuyện nhàm chán. Và dù bạn có tự hào là một người giỏi lắng nghe, thì chắc chắn đã có những lần bạn vô tình để cho lời nói của bạn đời “đi từ tai này sang tai kia”.
Một người thường bỏ từ 45% đến 70% thời gian trong ngày lắng nghe người khác nói. Nhưng trong 24 tiếng đồng hồ đó, thời gian quý báu bạn có để dành cho vợ hay chồng của mình còn ngắn hơn. Hầu hết các cặp vợ chồng trung bình mỗi ngày chỉ bỏ ra khoảng 10 phút để nói những điều quan trọng với nhau.
Điều này rất đáng ngại, vì có thể bạn đã lơ đãng bỏ qua những thông tin quan trọng, chẳng hạn như các dấu hiệu nho nhỏ từ cảm xúc của bạn đời, một yếu tố quan trọng giúp kéo hai con người lại gần nhau hơn. Việc trở thành một người giỏi lắng nghe, và nhất là giỏi lắng nghe bạn đời của mình, là rất cần thiết để gìn giữ mối quan hệ hôn nhân của bạn.
“Thật đáng tiếc rằng, không phải như việc đọc - viết, kỹ năng lắng nghe rất ít khi được dạy, mặc dù đây là hình thức liên lạc mà chúng ta sử dụng thường xuyên nhất” - tác giả Kent Adelmann, giáo sư nghiên cứu kỹ năng lắng nghe của Trường đại học Malmö University, Thụy Sĩ khuyến cáo. Hãy bắt đầu học cách trở thành người lắng nghe giỏi hơn bằng những lời khuyên dưới đây:
Tập trung vào việc lắng nghe
Thói quen tự nhiên là khi nói chuyện, tâm trí bạn rất dễ bị xao nhãng một cách vô ý thức. Nhưng nếu đã có ý thức với vấn đề này, bạn có thể dễ dàng đối phó với nó. Một phần của lý do là vì ta nghe nhanh hơn là ta nói. “Một người thường nói với tốc độ 125 đến 180 từ trong một phút, trong khi có thể lắng nghe 400 đến 500 từ một phút” - giáo sư Adelmann cho biết. Người nghe thường có một vị thế trội hơn người nói.
|
Ảnh minh họa. |
Đó là lý do tại sao vợ có thể nghĩ về việc hôm nay mình nên nấu món gì trong khi tai vẫn nghe chồng than phiền về việc ở công ty. Trong một khoảnh khắc nào đó, bạn mất tập trung khỏi cuộc nói chuyện, và không còn chú ý lắng nghe nữa. Những chi tiết tinh tế như giọng điệu, cử chỉ cơ thể, nét mặt... từ phía người nói bị mất đi.
Nhiều người còn có thói quen đi vào “chế độ tự động” và chỉ tiếp thu những thông tin quan trọng từ lời người nói và bỏ qua những thông tin khác, hệt như khi bạn đọc lướt qua một đoạn văn bản. Đó là cách mà bạn mất đi khả năng đồng cảm khi lắng nghe.
Một bước quan trọng để giải quyết vấn đề trên là: khi vợ hay chồng của bạn muốn nói chuyện, và bạn phải bận làm việc gì đó, hãy trung thực và cùng bạn đời sắp xếp thời gian để nói chuyện sau. Hãy tắt ti vi, đặt điện thoại xuống, ngồi mặt đối mặt khi nói chuyện.
Những động thái đơn giản này cho phép cả hai tập trung vào những thứ cần bàn luận, những cảm xúc cần chia sẻ, và đặc biệt là bày tỏ lòng tôn trọng đối với nhau. Điều thú vị ở đây là cách mà các cặp đôi chuyện trò với nhau trong những ngày đầu, nhưng trải qua thời gian dài chung sống, “nghi lễ” trò chuyện này mất đi.
Đừng ngắt lời nhau
Bạn có bao giờ thử nói hết phần còn lại của câu nói từ bạn đời? Dù bạn có đúng hay không, bạn đang đẩy người ấy ra xa, làm họ không muốn chia sẻ nữa. Bạn thường ngắt lời người khác khi biết họ sẽ nói những điều không mang lại nhiều ích lợi; nó cũng chứng tỏ bạn mất kiên nhẫn.
|
Ảnh minh họa. |
Vấn đề là, chúng ta thường không mấy quan tâm đến việc nghe hết lời người kia nói. Vì ta đang chờ đến lượt mình nói, hay chuyển sang một việc khác để làm. Ta ngắt lời và nói: “Ừ, tôi biết rồi”. Đó là một lỗi tai hại. Khi bạn đời yêu cầu bạn lắng nghe, hãy chú ý không chỉ đến việc lắng nghe, mà cả đến việc bạn phản ứng như thế nào.
Việc ngắt lời là cực kỳ phổ biến, nhất là ở các cặp đôi chung sống lâu năm, khi họ tự tin nghĩ rằng mình biết người kia muốn nói gì. Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi đã ghi âm các cuộc hội thoại giữa những cặp vợ chồng lâu năm, sau đó để họ nghe lại. Nhiều người hoảng hốt khi nhận thấy họ ngắt lời nhau thường xuyên. Họ không biết rằng mình có tật ngắt lời.
Các động thái đơn giản như ậm ừ, gật đầu, hất tay... trước khi họ hoàn tất câu, cũng chính là cách ta ngắt lời nhau. Làm như thế là bày tỏ ý muốn cắt ngắn thông tin mà người nói cần truyền đạt, dập tắt ước muốn được chia sẻ thêm. Hãy bỏ công sức để ý đến việc này, chờ cho đến khi lời nói kết thúc mới trả lời, như thế bạn mới cho bạn đời biết mình tôn trọng thông điệp họ muốn truyền đạt.
Chỉ lắng nghe
Khi bạn đời chia sẻ một điều gì đó có ý nghĩa, hãy chỉ nghe, đừng đưa ra ý kiến, lời khuyên hay kể câu chuyện của riêng bạn. Hầu hết người nghe thường có cảm tưởng họ đang nghe để có thể trả lời, hơn là vì mục đích để hiểu.
Cuộc nói chuyện có cảm giác như trò chơi bóng bàn, có qua có lại, thiếu vắng việc tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của thông điệp. Đừng vội đưa ra ý kiến hay lời khuyên của mình nếu như bạn đời không yêu cầu điều đó. Đôi khi, vợ hay chồng bạn chỉ muốn chia sẻ với một người đáng tin cậy. Người lắng nghe tốt nhất cho phép người nói lắng nghe chính họ.
Tranh cãi công bằng
Nếu muốn có một mối quan hệ gắn bó, thì bạn phải biết rằng rất khó mà tránh được các cuộc tranh cãi. Vấn đề là khi một cuộc tranh cãi đang diễn ra, sẽ rất khó để bạn lắng nghe “đối phương”. Mỗi người sẽ muốn bảo vệ lập trường của mình và thuyết phục người kia nghe theo, đồng thời muốn bác bỏ ý kiến đối lập.
Khi đó, cả hai nên né tránh các thời điểm quá căng thẳng, để “hạ nhiệt” rồi mới ngồi lại bàn luận các vấn đề khó khăn này với nhau một cách điềm tĩnh, lịch sự hơn. Thế bạn phải làm gì khi chủ đề của cuộc cãi vã là vì bạn không chịu lắng nghe?
Một lý do đáng ngạc nhiên cho vấn đề này, đó là: một cảm giác thiếu vắng của sự kết nối tình cảm. Đây là lúc mà cả hai nên chia sẻ với nhau những cảm xúc của mình. Khi mở lòng với nhau, cầu nối của sự đồng cảm sẽ giúp bạn có thể tập trung lắng nghe hơn.
Hãy đồng cảm
Sự đồng cảm là công cụ mạnh mẽ nhất trong việc lắng nghe. Nếu ai đó muốn hào hứng chia sẻ một tin vui hay thổn thức một cảm xúc khó chịu, mà lại gặp phải sự thờ ơ lạnh lùng, người nói sẽ cảm thấy họ bị mất đi giá trị và không được tôn trọng.
Chính vì thế, khi bạn lắng nghe, hãy cố gắng đặt bản thân mình vào vị trí của người nói để hiểu được cảm xúc của họ. Việc này sẽ giúp bạn dễ dàng đưa ra phản ứng thích hợp. Những cử chỉ không lời xuất phát từ khả năng đồng cảm có thể “nói” lên rất nhiều. Một ánh mắt nhìn, một bàn tay đặt trên vai... có sức nặng hơn hàng ngàn từ.
Yêu cầu
Một cách đáng ngạc nhiên để trở thành người lắng nghe giỏi hơn: hỏi ý kiến bạn đời của bạn. Có thể bạn đã cố gắng để lắng nghe nhưng không có mấy tác dụng, hãy hỏi vợ/chồng mình xem bạn nên làm gì khác đi.
Không ai nhìn thấy các tật xấu của bạn dễ dàng hơn vợ/chồng bạn, và cũng không ai sẵn sàng chỉ ra chúng hơn. “Đừng ngồi xa ra thế khi nói chuyện với em”, “Em nói dông dài quá, anh không có dịp để bày tỏ”, hay thậm chí họ không biết bạn có muốn lắng nghe hay không. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận thấy hiệu quả tích cực của giải pháp này.
Khi vợ/chồng bạn cảm thấy bị “tắc nghẽn”, không thể truyền đạt đi được thông điệp của mình, và bạn chỉ ra được cách giải quyết từ góc nhìn của mình, điều đó là rất có ích. Hành động này thay đổi góc nhìn của người muốn nói, tạo một niềm tin lớn trong họ và giúp họ sẵn sàng tương tác với bạn hơn.
Thạc sĩ tâm lý Trần Nguyên Hùng
Hãy thu xếp để ngồi bên nhau
Thời mới cưới, vợ chồng tôi thường kể cho nhau nghe về bạn bè, đồng nghiệp, về những khó khăn hay kết quả đạt được trong công việc của mình, thậm chí là về tính cách của sếp, chuyện đồng nghiệp này đi lấy chồng, anh bạn kia vừa mua được mảnh đất…
Bạn bè thường chọc ghẹo rằng chúng tôi là “trời sinh một cặp” khi cùng nói nhiều, thích nói và thích nghe nhau. Nhưng chỉ sau ba năm kết hôn, chỉ còn tôi huyên thuyên kể.
|
Ảnh minh họa. |
Khi tôi thắc mắc “lâu rồi anh chẳng chia sẻ gì”, chồng tôi lại cho rằng “chuyện của anh chẳng có gì đặc biệt để kể”. Tôi giận dỗi cho rằng anh ấy đã chán mình, “chắc đã có nơi chốn nào đó để chia sẻ rồi đây”. Chỉ vì điều này mà tôi làm mình làm mẩy, chiến tranh lạnh với chồng mấy ngày, cho đến khi anh quát lên “mỗi khi anh nói, em có thèm nghe đâu.
Lúc thì em mải xem ti vi, chơi với con, khi thì anh mới nói được hai câu em đã “nhảy” vào hỏi nhặng lên, mất cả hứng”. Lúc ấy, tôi mới giật mình ngẫm lại, anh ấy nói không sai.
Từ khi có con nhỏ, bận bịu chăm con nên mỗi khi vợ chồng ngồi lại bên nhau thì tôi tranh thủ giải trí, không thì cũng sốt ruột với lối kể chuyện dông dài, có đầu có đuôi của chồng. Tôi không háo hức nghe anh trò chuyện mà vội xen ngang, có khi vừa nghe vừa cắt móng tay, xếp quần áo của con… Có lẽ vì thế mà chồng tôi chẳng còn hứng thú để nói chuyện với vợ nữa.
Sau lần ấy, vợ chồng tôi ra “quy định” chung là mỗi khi có chuyện cần trao đổi, chúng tôi sẽ thu xếp xong xuôi việc nhà để ngồi bên nhau, bên đĩa trái cây hoặc ly nước ép, thong thả nghỉ ngơi và trò chuyện, không để bất cứ chuyện gì xen vào phút giây chúng tôi lắng nghe nhau.
Minh Lâm
(ghi theo lời chị Nguyễn Minh Lan, Q.Phú Nhuận, TP.HCM)