Đợi Kiều - một thể nghiệm mới của cải lương

07/09/2022 - 08:00

PNO - Sau các dự án Tiếp bước trăm năm và Cộng đồng kể chuyện cải lương, tiến sĩ Đào Lê Na và Yume - Art Project tiếp tục mang đến cho những người yêu mến cải lương, nhất là các bạn trẻ, một trải nghiệm hoàn toàn mới. Vở cải lương thể nghiệm Đợi Kiều (kịch bản - đạo diễn: tiến sĩ Đào Lê Na, chuyển thể cải lương: tiến sĩ Lê Hồng Phước) dự kiến ra mắt trong tháng Chín, được kỳ vọng sẽ bổ sung một hướng tiếp cận mới về Truyện Kiều và cả sân khấu cải lương.

Phóng viên: Tiến sĩ Đào Lê Na có thể cho biết Đợi Kiều có gì đặc biệt?

Tiến sĩ Đào Lê Na: Đây là dự án sân khấu độc lập, làm theo hướng thể nghiệm. Đầu tiên là diễn giải góc nhìn của mình về Kiều theo lý thuyết “Nữ quyền sinh thái”. Tiếp đến là thể nghiệm hình thức dàn dựng với một diễn viên thể hiện bốn nhân vật. Đặc biệt tôi không dựng cảnh kiểu truyền thống kể chuyện theo lớp lang, mà mọi yếu tố đưa lên sân khấu đều có ý đồ cụ thể. Là người nghiên cứu và giảng dạy về sân khấu và điện ảnh, tôi thấy ngôn ngữ sân khấu tham gia các vở diễn trong nước không nhiều. Trong khi ở nước ngoài, thủ pháp dàn dựng sân khấu rất nổi bật. Từ đó, tôi cũng muốn làm một cái gì đó mới lạ cho sân khấu của mình.

Tiến sĩ Đào Lê Na - ẢNH: SỬ TALK
Tiến sĩ Đào Lê Na - Ảnh: Sử Talk 

* Chị có thể nói rõ hơn về góc nhìn “Nữ quyền sinh thái” trong tác phẩm? 

- Đã có rất nhiều diễn giải về Kiều, đủ các góc nhìn hiện đại, rồi hậu hiện đại. Ở đây, tôi diễn giải Kiều theo cách riêng của mình, là bỏ qua tuyến nhân vật nam. Thông qua bốn nhân vật nữ gồm những người đã “đợi Kiều” trong tác phẩm là: Thúy Vân, Hoạn Thư, Giác Duyên và Đạm Tiên. Từ đó, một lần nữa nhìn về Kiều và Truyện Kiều

Những năm gần đây, tôi quan tâm đến “Nữ quyền sinh thái” - một phong trào nữ quyền nhìn người phụ nữ trong mối tương quan với thiên nhiên, khám phá và nhìn nhận sức mạnh to lớn của người phụ nữ trong mối liên kết với thiên nhiên. Cho nên, tôi cũng muốn nhìn Kiều trong góc nhìn sinh thái, và tìm được kết nối chung của bốn nhân vật qua bốn mùa của tự nhiên. Người ta có quyền xem Đợi Kiều như một cách kể mới về Truyện Kiều, hoặc nhìn ra những ý tưởng mình gửi gắm và thậm chí càng tốt hơn khi khám phá những tầng nghĩa mình chưa mường tượng đến.

Đợi Kiều dự kiến công diễn tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM vào tối 24 và 25/9. Tiến sĩ Đào Lê Na cùng Yume - Art Project phối hợp các đơn vị tổ chức chuỗi chương trình “làm nóng”, gồm có: talk show Cải lương: “Cải” như thế nào?, mini show Thư gửi cung mây tìm hiểu về Truyện Kiều qua các hình thức trình diễn nghệ thuật khác, tọa đàm Truyện Kiều, ca dao và hồn Việt. Các chương trình cung cấp thêm nhiều kiến thức về Truyện Kiều và nghệ thuật cải lương, đồng thời giới thiệu và giao lưu với ê-kíp Đợi Kiều trải dài trong tháng Chín đến ngày công diễn.

* Tại sao chị chọn hình thức cải lương cho Đợi Kiều?

- Trong thời đại toàn cầu hóa, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa hiện nay, tôi muốn giới thiệu một loại hình nghệ thuật của riêng Việt Nam mà có thể làm mới được. Đó chính là cải lương với bản chất “theo tiến bộ, sánh văn minh”. Ngoài ra, phần lời và cả tình cảm của Nguyễn Du dành cho Kiều, cho các nhân vật trong Truyện Kiều cũng có sự gần gũi với cải lương.

* Với yếu tố cải lương, liệu có sự thể nghiệm nào?

- Tôi đầu tư rất kỹ cho phần âm nhạc và cũng có chút thử nghiệm. Đợi Kiều chỉ có một diễn viên là bạn Hồng Bảo Ngọc - quán quân Bông Lúa Vàng năm 2019 khi mới 17 tuổi - nhưng ban nhạc thì đến 15 người. Có nhiều ý kiến cho rằng, âm nhạc cải lương hiện nay đang cũ. Điều này không đúng với bản chất luôn đổi mới của cải lương, điển hình là bài Vọng cổ đã phát triển theo thời gian. Lần này, tôi có một “đầu bài” với ban nhạc là yêu cầu chuyển soạn vài đoạn nhạc mới, làm sao để những “fan ruột” biết đấy không phải bài bản cải lương, nhưng “lính mới” thì lại cảm giác rất cải lương. Đồng thời, phần phối nhạc thì nhạc cụ dân tộc phải nổi lên trên nhạc cụ phương Tây. 

Ngoài ra, phần biểu diễn của diễn viên không sử dụng trình thức vũ đạo sân khấu truyền thống, mà kết hợp chuyển động đương đại. Một sự thay đổi nhỏ thôi, nhưng tạo cảm giác gần gũi hơn với giới trẻ, với thời đại hôm nay.

Poster vở cải lương thể nghiệm Đợi Kiều
Poster vở cải lương thể nghiệm Đợi Kiều

* Các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn lấy cảm hứng từ Truyện Kiều thường nhận được đánh giá khá khắt khe, dù được các nghệ sĩ danh tiếng thể hiện. Chị không e ngại điều này sao?

- Biết ý tưởng này, nhiều người đã góp ý với tôi rằng: làm cái gì liên quan đến Kiều rất dễ bị phê phán, thêm làm cải lương mà mới quá cũng hay bị phản đối. Nhưng nếu chỉ ngồi sợ mà không làm thì càng tệ hơn. Cái mới đó có thể có người chấp nhận, có người không, nhưng sẽ bổ sung được một góc nhìn khác về Truyện Kiều, về cách làm cải lương, hay làm sinh động hơn đời sống nghệ thuật của mình. 

Quyết định làm Đợi Kiều, tôi chấp nhận có thể sẽ lỗ vốn, nhưng ít ra, khi giới thiệu tác phẩm với khán giả, tôi tin vẫn có một bộ phận công chúng quan tâm đến cách làm của mình. Tôi cũng là người làm nghiên cứu, nên lần này cũng là để khảo sát khán giả. Nhiều người góp ý tôi nên gọi vốn. Nhưng ở nước mình, tâm lý ủng hộ một dự án gọi vốn cộng đồng thường khác ở môi trường quốc tế. Nhiều người có tâm lý giúp đỡ người khác và luôn sẵn sàng ủng hộ một dự án cộng đồng. Nên mình sẽ không nghiên cứu được người ta quan tâm đến tác phẩm như thế nào, hoặc khi làm cải lương mới thì khán giả có sẵn sàng mua vé xem hay không. Vì thế, lần này tôi vẫn bán vé theo giá thị trường, không vì mình mới làm, diễn viên trẻ chưa tên tuổi, hay vở thể nghiệm mà hạ giá vé cả.

* Cảm ơn chị, chúc dự án của chị thành công! 

Ninh Lộc (thực hiện)

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI