Cha dượng tôi từng là lính. Những tưởng cuộc đời trong hòa bình sẽ luôn vẹn tròn lành lặn, nhưng người vợ ông yêu thương bị bệnh rồi mất. Ba gặp và kết duyên với mẹ tôi. Từ người lạ, chúng tôi trở thành một gia đình đầm ấm.
Ba không sinh ra tôi, nhưng ông nuôi dưỡng tôi lớn lên. Câu chuyện cuộc đời ba mênh mang và trong đó tất nhiên có cả chuyện về một thời chinh chiến.
Đó là một buổi sáng tháng Năm, ba hành quân vào miền Nam chiến đấu. Ba lô trên vai vác nặng tuổi đôi mươi. Người vợ hẹn thề, đợi chờ ba ngày gặp lại. Một lọn tóc gói trong chiếc khăn mùi xoa, nhưng gói sao được nỗi nhớ thương còn rưng rức khi vợ chồng son thuở ban đầu mới cưới.
Ba mong lắm chiến tranh dừng lại, bởi những nơi ba qua, máu trộn đất và hòa cùng những dòng sông. Sông Thạch Hãn hay sông Ngàn Sâu, cả dòng Hương Giang nước lặng lẽ như tờ, có lòng sông nào không nhuốm đỏ?
|
Tác giả và cha dượng - người không sinh ra tác giả, nhưng tác giả luôn tự hào gọi ông là ba |
Tết Mậu Thân, 1968, ba chiến đấu ở Huế. Cả tiểu đội của ba hy sinh chẳng còn ai. Tiếng bom đạn xé toạc bầu trời xám xịt, cánh đồng đất nâu, khóm lúa non phất phơ vẫn leo lắt mọc lên. Chiếc áo ba mặc đã đắp lại cho đồng đội vừa mất.
Người đồng đội ấy cùng quê với ba. Thuở còn chăn trâu, đi học có nhau. Vừa hôm trước chú ấy còn chia đôi điếu thuốc với ba, làn khói ấm ngày cuối đông. Chú kể về giấc mơ được gặp lại người thân, mẹ chú đi chợ về mua đồng quà, tấm bánh. Chú nhớ cả những trận đòn mẹ đánh, chỉ vì ham chơi, bêu nắng ngoài đồng.
Chiến tranh chẳng chừa cho bất kỳ ai một khoảng trời bình yên. Chỉ có trong ước ao, mọi người thường mơ về những ngày được sống dưới mái nhà. Ai đi qua chiến tranh rồi sẽ nhận ra đó mới là hạnh phúc. Tết Mậu Thân, mùa xuân đã về trên mọi nẻo đường mà xung quanh vẫn đì đùng tiếng súng.
Ba cũng nhớ về ngôi nhà có mẹ và người vợ mới nên duyên, chắc họ đang mong ba, ngóng tin tức gói trong lá thư ba vừa kê giấy lên đùi viết vội.
Nhưng, thư viết xong chưa kịp gửi đi, làn đạn xé lửa ngập trời, ba cúi rạp người xuống đất. Chú ấy nằm cạnh ba, nằm rất yên, mắt nhắm nghiền như chìm vào giấc ngủ. Ba thét lạc giọng lên trời cao mưa hắt, cơn mưa phùn mùa xuân, lất phất bay. Đạn găm vào ngực chú, áo rách toạc 2 vai.
Ba cởi áo, quấn vào người cho chú. Ngôi mộ tạm bợ bên gốc cây phượng vĩ, cạnh cánh đồng thưa thớt chẳng người qua. Ba sẽ cầm về cho chú quyển nhật ký chiến trường, chiếc khăn tay của người chú thương và bức ảnh cô ấy vẫn cười tươi xinh xắn.
“Nằm lại dưới đất mềm Huân nhé, biết đâu như thế lại chính là bình yên”. Ba khóc và nhủ thầm với chú ấy như thế. Vừa mới qua giấc ngủ cùng nhau, nay cách ngàn trùng xa.
Đã mấy ngày trời đùng đoàng như sấm sét, không phải trời mưa giông, mà khô khốc âm điệu của chiến tranh. Khẩu súng trường đã hết đạn, ba co thân lạnh men theo con đường lạ, tìm về nơi đồng đội đóng quân. Phải vượt đạn, tránh bom và những cơn gió rít lên từng hồi lạnh lẽo.
|
"Ba không sinh ra tôi, nhưng tôi luôn tự hào được gọi người là ba" |
Nỗi đau đớn, mất mát và một nửa bàn tay của ba đã nằm lại cùng với đất, vì mảnh đạn lạc, khoét vết thương thêm sâu. Lết được thân thể trở về căn cứ, đồng đội hỏi địa chỉ ba ở đâu, tiểu đoàn nào. Trả lời xong, ba ngất lịm chẳng biết gì, bởi máu chảy từ bàn tay, thấm đỏ cả đường đi.
Ba thành thương binh. Người ta đưa ba vào lán trong rừng để chăm sóc. Những ngày chờ hồi phục, ba nằm trong chiếc võng dù. Ba lại khóc, thương đồng đội, trách chiến tranh vẫn chưa chịu lùi xa.
Ba còn kể cho tôi những trận đánh nhau với địch giáp lá cà, những cánh rừng rải chất độc xác xơ cây lá. Ba còn mảnh đạn găm trên ngực và găm cả trên vai. Thương tích đầy mình, ba khoác ba lô trở về trong ngày hòa bình. Bao người mất nằm lại, mấy người còn đâu trọn vẹn niềm vui.
Câu chuyện ba kể vẫn dài lắm, dài mênh mang như sông nước quê tôi. Ba giúp mọi người đi tìm lại đồng đội, và cả chú Huân, từng nằm lại gốc phượng vĩ năm xưa.
Trở về quê hương, cuộc đời ba vẫn như bị mảnh đạn xé tan thành nhiều mảnh. Nhưng ba nói, phải sống tiếp, vì chúng ta phải hoàn thành kiếp người; đời không tròn nhưng tâm ta không méo, nhớ nghe con. Ba không sinh ra tôi, nhưng tôi luôn tự hào được gọi người là ba, bởi trong mỗi câu chuyện kể, cách sống của ba luôn ăm ắp tình thương.
Chiến tranh đã lùi đi rất xa. Nay tuổi ba đã cao, những vết thương trong người ba luôn cựa mình đau nhói; ba thở dài, nửa bàn tay vuốt lên mái tóc bạc. Thỉnh thoảng, ba cùng đoàn cựu chiến binh ra thăm nghĩa trang, thắp nén nhang thơm tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc.
Kỷ niệm một thời hoa lửa, ba mênh mang tâm sự tìm về. Quê hương đổi thịt thay da, những bông hoa nở từ máu xương của người lính đã vĩnh viễn nằm lại với đất này, thơm ngát một mùi hương…
Nguyễn Thanh Nga