Diễn đàn góp ý quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình (TP.Đà Lạt)

Đòi hỏi minh bạch thông tin

23/08/2020 - 13:30

PNO - Đây là một dự án lớn, có sức ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế, đời sống đô thị, tuy nhiên, cuộc thi thiết kế trước đó đã không được công bố một cách công khai và rộng rãi trên các phương tiện truyền thông

Diễn đàn góp ý quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình (TP.Đà Lạt)

Trước sự phản ứng của dư luận về ba phương án quy hoạch đồi Dinh (được trưng bày để lấy ý kiến từ nay tới hết 14/9), trả lời báo chí ngày 19/8, ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt nói: “Đà Lạt cần thay đổi để phát triển, không nên sống mãi với ký ức và hoài niệm”. Về ba phương án kiến trúc đồi Dinh tỉnh trưởng mà tỉnh đưa ra, ông Trình phát biểu: “Đều phù hợp trong sự tổng hòa phát triển chung của Đà lạt hướng đến đô thị di sản Đà Lạt”.

Sau bài viết Mượn “chiêu” chỉnh trang đô thị, để “bê tông hóa” những mảng xanh cuối cùng của Đà Lạt? đăng trên số báo 89 ngày 19/8/2020, Báo Phụ Nữ TP.HCM tiếp tục nhận được những ý kiến góp ý của chuyên gia, những người yêu di sản Đà Lạt xung quanh dự án đang gây tranh cãi này.

Đầu năm 2019, UBND tỉnh Lâm Đồng công bố bản quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị cho khu trung tâm Hòa Bình rộng 30ha với mục đích chỉnh trang đô thị, đem lại sức sống mới, giá trị kinh tế và du lịch cho TP.Đà Lạt. Ý tưởng được vẽ bởi kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị dưới sự hỗ trợ kinh phí của Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh.

Ngay khi công bố, dự án vấp phải sự phản đối của dư luận. Khi bản quy hoạch này chưa ngã ngũ, giữa tháng 8/2020, UBND TP.Đà Lạt lại đưa ra ba phương án quy hoạch không gian và thiết kế cho khu đồi Dinh. Ba phương án của ba tác giả được chọn để lấy ý kiến: Espace Architecture International Vietnam (EAIV), HTT Group, và SDesign Vietnam. 

Phương án 1: Bảo tàng lịch sử Đà Lạt trong kiến trúc của dinh tỉnh trưởng được bảo tồn nguyên vẹn và được nâng lên 28m so với vị trí hiện hữu
Phương án 1: Bảo tàng lịch sử Đà Lạt trong kiến trúc của dinh tỉnh trưởng được bảo tồn nguyên vẹn và được nâng lên 28m so với vị trí hiện hữu

Đây là một dự án lớn, có sức ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế, đời sống đô thị, môi trường, cảnh quan, con người của TP.Đà Lạt. Tuy nhiên, cuộc thi thiết kế trước đó đã không được công bố một cách công khai và rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, hoặc chí ít phải được đăng tải lên website chính thức của thành phố hay tỉnh như https://quyhoach.dalatcity.orghttps://dalat.lamdong.gov.vn

Tôi đã thử tra cứu trên hai trang chính thức này nhưng đều không có thông tin. Đây là sự thiếu sót, có thể gây nghi ngờ về cách tiến hành và sự minh bạch thông tin, cũng như giá trị chính đáng được mong đợi từ cuộc thi và dự án này. 

Ở London, mọi dự án quy hoạch và thiết kế công trình trong thành phố đều được đánh giá và phê duyệt bởi hội đồng thành phố. Chúng sẽ được đăng tải công khai trên cổng thông tin của thành phố và cho phép truy cập. Đặc biệt là với các dự án trọng điểm, tính công khai, minh bạch, sự tiếp cận càng được ưu tiên; thậm chí khi chỉ ở ý tưởng ban đầu, chúng đã được công bố để lấy ý kiến của chuyên gia và công chúng. Một bước quan trọng cho sự triển khai chi tiết ở những bước tiếp theo để đảm bảo rằng sự đầu tư là hiệu quả và đúng đắn vì lợi ích của thành phố và cư dân.

Vì vậy, tôi cho rằng đây là cách làm khôn ngoan, vì không những giới thiệu cho người dân biết và hiểu về những kế hoạch và sự đầu tư phát triển của thành phố, những lợi ích tương lai cho thành phố và họ, mà còn thể hiện sự tôn trọng và kết nối với cộng đồng, xây dựng lòng tin và ủng hộ ở nhân dân. Với cách làm đó, mục đích thực sự của các dự án lên hệ thống đô thị và con người sẽ được khẳng định.

Ở đây, ban giám khảo cuộc thi cũng không được đề cập. Với một cuộc thi cho một công trình hạng đặc biệt, ban giám khảo uy tín có kiến thức thâm sâu, tầm nhìn xa và kinh nghiệm sâu sắc là một đóng góp quan trọng cho tính sáng tạo và mối quan hệ đa chiều của công trình đó lên toàn bộ hệ thống đô thị khi nó hiện hữu.

Tôi có thể đưa ra ví dụ kinh điển về Nhà hát Opera Sydney (Úc) được thiết kế bởi kiến trúc sư Jorn Utzon (1918-2008). Jorn Utzon đã chiến thắng cuộc thi thiết kế nhà hát này vào năm 1957 chỉ với những bản vẽ sơ phác và những giải thích ý tưởng. Mặc dù, ngay từ ban đầu thiết kế này không được để mắt tới về tính bất khả thi, tuy nhiên một thành viên ban giám khảo - kiến trúc sư Henry Ingham Ashworth (1907-1991) đã bảo vệ nó vì ông tin rằng đây là một kiệt tác kiến trúc của thế giới chứ không chỉ của TP.Sydney hay Úc. Năm 2007, nhà hát Opera Sydney được UNESCO công nhận di sản thế giới.

Nhắc lại để thấy tầm quan trọng của ban giám khảo cuộc thi cho một công trình có sức ảnh hưởng lớn, vì giá trị vô hạn của một công trình kiến trúc.

Kiến trúc sư Đặng Thanh Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI