Đổi giọt mồ hôi lấy những nụ cười

22/07/2019 - 06:10

PNO - Ở cái tuổi nghỉ hưu, kinh tế khá giả, lại tham gia rất nhiều công việc xã hội, thế nhưng, hằng ngày chị vẫn cặm cụi làm hàng trăm chiếc bánh giò bán lấy tiền xây dựng quỹ vì phụ nữ nhập cư có hoàn cảnh khó khăn.

Chị là Bùi Thị Bên, 55 tuổi, ở P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9, TP.HCM. 

20g ngày 4/7, chị Bên vẫn còn ngồi trong bếp. Bên cạnh là chồng lá chuối chưa lau, nồi bột gạo mới khuấy, thịt gà, trứng cút, nấm mèo… Trong điện thoại, chị Nguyễn Thị Kim Cương - một khách hàng ở P.Phước Long B, Q.9 - nhắn tin: “Mai cho em 50 bánh, giao sớm nghen chị”.

Biết sẽ phải thức tới khuya sau một ngày chạy như con thoi để trình diễn văn nghệ tại lễ bế giảng lớp dân ca - nhạc cách mạng khóa 8 của câu lạc bộ Nữ nghệ sĩ ở Q.3, họp ở phường, đi siêu thị mua nguyên vật liệu làm bánh rồi lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa… nhưng chị Bên vẫn phấn khởi, bởi thêm một đơn hàng là chị sẽ có thêm tiền để mua bảo hiểm y tế, quà bánh cho chị em công nhân. 

Doi giot mo hoi lay nhung nu cuoi
Gần một năm nay, chị Bên (thứ hai, từ trái qua) gói bánh giò bán gây quỹ vì phụ nữ nhập cư

Ghé thăm chị Bên, chị Kim Cương ngồi bệt xuống sàn phụ lau lá chuối. Chị Kim Cương khoe: “Quen bà Bên đã hai năm, có lần mua bánh giò ăn thấy ngon quá liền đi rao với người quen. Rồi thì bác sĩ, y tá, giáo viên, tiểu thương, ngày nào cũng nhờ chị đặt bánh giùm, ít thì vài chục, nhiều thì cả trăm cái. Bữa nay mấy chị em tôi rảnh ghé phụ, chớ bình thường có mình bả xoay xở. Nhiều bữa 200 - 300 cái, bả cặm cụi từ 5g tới 22g. Tôi quở “lớn tuổi rồi, nghỉ đi cho khỏe”, bả kêu “đổi giọt mồ hôi lấy nụ cười của chị em nhập cư, vui chớ có cực gì đâu”. Nghe thương quá trời”. 

Từ một cô gái Hải Phòng nghèo khó, Nam tiến mưu sinh với xe nước mía vỉa hè, giờ bước qua bên kia dốc cuộc đời, kinh tế đã khá giả nhưng cái nết hay lam hay làm ở chị Bên vẫn còn vẹn nguyên. 

Khu nhà trọ của chị hiện có 30 phòng với gần 120 khách thuê, đa phần là công nhân và sinh viên. Chị chia sẻ với anh chị em từ những bữa cơm nhà, đòn bánh tét, cái bánh chưng mỗi dịp tết về, đến việc chăm sóc con cái khi họ tăng ca, lặn lội về quê chúc mừng ngày cưới, giảm tiền thuê phòng... Nhiều người gọi chị là “má Bên”, và những đứa trẻ được sinh ra ở đây gọi chị là “bà nội”.  

Trong năm 2018, Hội LHPN Q.9 và P.Tăng Nhơn Phú A mở mấy lớp dạy làm bánh, rau câu, chị Bên đăng ký học, tập tành làm rồi đăng lên Facebook cho vui. Không ngờ được bạn bè khen, có người còn hỏi mua, nên từ tháng 10/2018 đến nay chị trở lại nghiệp mua bán. Chỉ khác là xưa bán nước mía kiếm cơm, còn bây giờ bán bánh giò lấy lời bỏ ống heo đặng cuối năm mua bảo hiểm y tế, vé tàu xe về quê, làm bánh chưng, bánh tét… tặng người lao động. 

Quý mến và kính trọng cách sống nhân văn của chị Bên, hồi tháng Tư vừa qua, anh Phan Duy - một võ sư sống tại khu nhà trọ của chị - đã nhận lời dạy võ tự vệ cho nữ công nhân ở đây. 

Ban đầu, do ngại nên không ai chịu ra học, nhưng chị Bên ghé từng phòng động viên và thuyết phục “trang bị kỹ năng để phòng thân sao lại mắc cỡ”, thế là mọi người lần lượt bước ra thảm tập. Sau những bài cơ bản, hiện “võ đường” đã dời sang sân chùa Phước Tường để có không gian luyện tập rộng rãi. 

Chị Bên bộc bạch: “Tôi tâm niệm, chăm lo cho chị em công nhân không chỉ là cân gạo, bịch đường, hộp sữa, chai nước mắm mà còn cần cả những kỹ năng hội nhập đô thị, kỹ năng tự bảo vệ khi gặp tình huống bất trắc. Tôi đã bàn với Duy trong tháng Bảy này mở thêm một khóa học võ tự vệ nữa tại khu trọ và khích lệ những cháu chưa mạnh dạn học đợt rồi tham gia”. 

Chị Lê Thị Mỹ Hạnh - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN Q.9 - xuýt xoa khen ngợi: “Là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ công nhân lao động tổ 8, khu phố 2, P.Tăng Nhơn Phú A, chị Bên đã tạo ra nhịp cầu vững chắc giữa Hội với nữ công nhân. Mỗi lần chúng tôi đến khu trọ chị tuyên truyền hoạt động Hội và phong trào phụ nữ đều được hưởng ứng nhiệt tình.

Ở địa phương, chị đóng góp xây nhà tình thương, tặng phương tiện làm ăn, dụng cụ học tập, học bổng cho phụ nữ, trẻ em nghèo. Chị còn “chủ xị” một đội văn nghệ xung kích, biểu diễn phục vụ trong các hội nghị, họp mặt tại phường, quận. Tôi còn biết chị hay cùng nhóm thiện nguyện Những người bạn và câu lạc bộ Chuyến xe nghĩa tình chùa Phước Tường ra Bắc, vô Nam xây cầu, xây nhà, tặng xe đạp, học bổng cho học trò nghèo”.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI