Đợi ghe hàng chợ như trông mẹ về...

21/02/2025 - 20:26

PNO - Không ai ngờ chiếc ghe hàng có thể “ôm” cả cái chợ quê rồi luồn lách trong từng con kênh, con rạch nhỏ để bán cho bà con quê tôi.

Mấy chục năm về trước, chỉ vì cái tính không chịu luồn cúi, cũng không quen chiều lụy ai mà cậu tôi nghỉ ngang công việc trên thành phố, không chờ được giải quyết chế độ.

Cậu tay trắng về vườn, dựng nhà trên mảnh vườn ông bà để lại. Không lương hưu, không thu nhập thường xuyên, cây trái mới trồng chưa có hoa lợi. Mấy đồng lương hưu giáo viên hụ hợ thêm của mợ đâu thấm tháp gì khi cuộc lập nghiệp chốn bưng biền lúc xế chiều còn quá nhiều thiếu thốn.

Ngày ấy, họ hàng anh em ai cũng khó khăn, không giúp được gì nhiều. Nhìn ánh mắt âu lo của mẹ tôi, cậu cười khà khà: “Có ghe hàng, tao không chết đói đâu mà bây lo”.

Những chuyến ghe hàng vẫn là niềm mong đợi của người dân quê tôi - ẢNH: THANH HUYỀN
Những chuyến ghe hàng vẫn là niềm mong đợi của người dân quê tôi - Ảnh: Thanh Huyền

Ghe hàng mà cậu nói chính là tiệm tạp hóa di động ở miền Tây sông nước này. Chẳng cần đi chợ đâu xa, chỉ cần xuống bến đón ghe hàng là có tất cả. Trong trí óc non nớt của tôi ngày nhỏ, ghe hàng là cả thế giới lung linh, đủ đầy, ngon ngọt; bởi có thể tìm thấy trên ghe gần như tất cả những món thiết yếu của đời sống - từ bao gạo, bịch bánh, gói bột ngọt, ký đường, chai dầu ăn… cho tới cây kim, sợi chỉ, cục sing-gum hay mấy cây kẹp xanh đỏ…

Ghe hàng ở miền Tây không phải loại ghe tàu kiên cố mà có khi chỉ là chiếc xuồng đóng bằng gỗ tạp, che bên trên thêm cái mui lợp bằng lá dừa nước. 2 bên vách ghe cũng chằm lá hoặc đơn giản là chủ ghe phủ mấy tấm bạt hay tấm ni lông để tránh nước văng lên từ mái chèo. Nhìn vẻ ngoài giản dị đó, không ai ngờ chiếc ghe hàng có thể “ôm” cả cái chợ quê rồi luồn lách trong từng con kênh, con rạch nhỏ để bán cho bà con quê tôi.

Hồi đó, chủ ghe nào khá chút thì gắn thêm cái máy Kohler để chạy cho nhanh, đi bán được xa. Còn ghe nào chủ nghèo thì chỉ có đôi mái chèo kẽo kẹt đẩy chiếc ghe lủng lẳng hàng hóa trôi chậm chậm qua từng bến sông, mé nước. Mà ghe hàng thì cần gì chạy nhanh, vì nếu ghe đi lẹ quá, thằng nhỏ nghe được tiếng kèn tò te tí te của ghe hàng, chạy từ trên nhà xuống tới dưới bến nước thì ghe đã đi xa mất rồi.

Vậy nên mới có chuyện phải canh giờ, canh con nước lớn ròng để xuống bến đón ghe hàng. Hôm nào nước lớn, chèo nhanh, bà Ba bán ghe hàng sẽ tới sớm. Còn hôm nào nước ròng, nước ngược, bà ghé trễ hơn. Có khi nước cạn thì ghe hàng không vô, bỏ lại trên bờ những đôi mắt ngóng trông của mấy đứa con nít vừa xin được má ít ngàn chờ ghe hàng tới mua kẹo bánh.

Có một lợi thế cạnh tranh của ghe hàng mà ít loại hình nào có được, giúp ghe hàng tồn tại, dù những năm sau này đã có đường lộ mở về tới nông thôn. Đó là người nghèo có thể đón ghe hàng “mua chịu” (lấy hàng trước, khi nào có tiền trả sau). Nhờ vậy, khi nhà hết mắm muối, bột ngọt, có thể sai con nít đón ghe hàng mua chịu, chờ tới mùa bán trái cây, bán heo, bán gà, tát ao bắt cá thì trả cũng được.

Trong xóm, nhà nào cũng từng mua chịu ghe hàng nên bà con ở đây thấy chuyện đó rất bình thường. Mà cũng thật thương, thật lạ là chưa từng có ai ăn quỵt tiền của ghe hàng. Người nào kẹt quá, lâu quá chưa có tiền trả, họ sẽ ráng kiếm mớ rau, con cá hay ít tép đồng, cua ốc bắt được để… trả trước cho chủ ghe hàng.

Hồi nhỏ, tôi từng nghĩ mấy bà, mấy chị bán ghe hàng chắc giàu lắm. Lớn lên tôi mới biết, họ cũng lam lũ, vất vả như bao người. Hình như người dân quê tôi tuy nghèo nhưng đối đãi với nhau luôn trọn nghĩa, vẹn tình.

Tết rồi về quê, mấy đứa cháu lì xì mừng tuổi cậu. Cậu vui lắm, vuốt từng tờ giấy bạc mới tinh, nói để trả ghe hàng. Có ai như cậu tôi không, mua chịu từ năm cũ tới năm mới mà bà bán ghe hàng cũng cười xòa không để bụng.

Bà nói: “Ổng già rồi, không làm ra tiền, coi như ứng trước chai nước tương, ký khô, con cá cho ổng ăn cơm, chừng nào ổng trúng sầu riêng thì đưa tui, có sao đâu”. Tôi nghe người đàn bà nhà quê nói mà thấy nụ cười chân chất của bà thật đẹp. Bỗng nhớ câu thơ:

“Chiều chiều đứng ở mé sông
Đợi ghe hàng chợ như trông mẹ về
Một đồng mua bánh cho em
Hai đồng mua thuốc để dành phần cha…”.

Có lẽ, dù đời sống có phát triển, thương mại điện tử có tìm đến tận làng quê thì những chiếc ghe hàng tình nghĩa ấy vẫn có chỗ đứng trong lòng bà con quê tôi.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI