Đổi đời nhờ con

31/05/2013 - 16:12

PNO - PN - Sáu tuổi, Dương Thị Thương thành đứa trẻ mồ côi khi cha mẹ chết thảm bởi bom B52. Năm 1972, 12 tuổi, chị theo đoàn người từ Triệu Phong, Quảng Trị di cư vào Nam. Nghèo khó, ăn chưa đủ, mặc chưa ấm, tuổi thơ nhọc nhằn đi làm...

 Doi doi nho con

Nụ cười mãn nguyện của anh Thỏa - chị Thương

VÌ CON, MẸ HỌC

Nhưng, giấc mơ làm việc lương thiện của Thương khó vô cùng vì chị không biết chữ! Năm 17 tuổi, chị khai gian thêm một tuổi, còn ghi là tốt nghiệp tiểu học để được vào xí nghiệp gỗ 4 ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận làm công nhân. Sự việc “bại lộ” khi Thương bị anh Nguyễn Đức Thỏa, chàng trai Bình Định hơn chị năm tuổi “phát giác”. Chị Thương nói: “Lúc đó, nghe anh ấy nghiêm mặt mời nói chuyện riêng, bảo thay mặt Đoàn thanh niên xí nghiệp phê bình cô Thương khai man lý lịch mà mình tủi thân muốn khóc, sau mới biết anh dọa để lấy cớ làm quen!”.

Cảm phục ý chí vượt khó của Thương, anh Thỏa khuyên Thương đi học, trước là có cái chữ để đỡ tủi phận với cuộc đời… Nghe lời anh, tối nào chị cũng cắp cặp đến lớp bổ túc của xí nghiệp. Chị Thương kể: “Trước hết, mình đến lớp vì không biết đọc viết thật. Sau nữa vì nghĩ, mình yêu anh ấy rồi, mà “người ta” đã học hết lớp 11, còn mình một chữ bẻ đôi không biết, lỡ lấy nhau, làm sao nuôi dạy con của người ta?”. Có tình yêu làm động lực, có anh Thỏa động viên, chị Thương học một lèo cho đến ngày tốt nghiệp cấp II thì anh chị cưới nhau cũng tròn năm, cậu con trai Nguyễn Ngọc Thái đầy tháng!

Đó là những năm tháng đầy gian khó, nhiều lúc Thái trở bệnh, vợ chồng chị không xoay đủ gạo ăn, nói chi chạy tiền lo thuốc thang. Ai chỉ lá cây gì trị bệnh, chặn cơn ho, chém cơn làm kinh của con, chị Thương cũng tất bật chạy tìm. 5 năm sau nữa đến Nguyễn Hoàng Oanh, cậu con trai thứ hai chào đời. Thương chới với vì việc có con ngoài kế hoạch. Chị sụt gần 10kg vì lo lắng: Thái vừa tuổi tới trường, chưa có tiền mua sách vở, giờ sinh thêm Oanh, làm sao lo cho xuể. May nhờ mẹ anh Thỏa thương quý nên thỉnh thoảng gửi con dâu, cháu nội vài cân gạo. Chị Thương nhớ lại: “Thời đó, nhận gạo của má gửi, mừng muốn khóc. Má nói, trong bầy con trai gái, dâu rể, má thương nhất là tôi, vì ngày xưa má cũng mồ côi cha mẹ, cũng cơ cực như tôi. Má nói, ba má gồng gánh nuôi năm đứa con, dù không thành danh, nhưng đứa nào cũng nên phận, sống đàng hoàng. Nay bây có con, ráng lo cho chúng thành người tử tế”.

Nghe lời dạy của má chồng và quyết tâm không để con đói chữ như tuổi thơ của mình, chị Thương đã cùng chồng đưa các con vượt dốc. Nhưng dốc đời cao lắm. Khi cu Thái tự đi bộ đến trường làng, cu Oanh bắt đầu tập nói, thì thêm đứa con ngoài kế hoạch xuất hiện. Chị Thương khóc mướt vì lo sinh nhiều con quá biết lấy gì nuôi. Nghĩ vậy và dù nhiều người “khuyên ra”, nhưng chị không dám bỏ con. May sao, năm 1990, khi chị sinh bé Phương Dung, y tế địa phương vận động chị triệt sản. Kể chuyện triệt sản, chị lại rưng rưng: “Lúc đó tôi chỉ ý thức một điều, mình phải nghỉ sinh thôi, nếu không các con cơ cực lắm. Nào ngờ, thủ thuật xong lại được nhận cân đường, mấy hộp sữa, cùng 200.000đ tiền thưởng, vừa đủ bồi dưỡng cho cu Oanh đang suy dinh dưỡng nặng, thiệt mừng rơi nước mắt”.

Những tháng ngày cơ cực ấy được anh Thỏa “đánh dấu” bằng việc cu Thái mới 12 tuổi đã phải tự lội bộ hơn 10km đi làm hồ sơ chuyển lên cấp II. Anh Thỏa nhớ lại: “Ngoài giờ làm ở xí nghiệp, tôi phải đi làm thuê thêm để phụ Thương trang trải sinh hoạt gia đình. Vợ chồng lao đầu vào làm, bỏ bê con. Buổi nọ đi làm cỏ mướn ở xã kế bên, nghe người ta kể lại chuyện có thằng nhỏ thiệt giỏi, tự lo xin chuyển trường, họ nói một hồi, mới hay đó là con mình, nghe mà đứt ruột!”.

 Doi doi nho con

Chị Dương Thị Thương bên con trai trong ngày Thái nhận bằng thạc sĩ

CON CÁI LÀ ĐIỀU KỲ DIỆU

Năm 1990, xí nghiệp gỗ giải thể, hai vợ chồng cùng thất nghiệp cũng vừa lúc Ngọc Thái bắt đầu “tự lập”. Được mẹ anh Thỏa chia cho mẫu đất rẫy, anh chị về Sông Xoài, xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm nông kiếm sống. Không có kinh nghiệm nuôi trồng, anh chị làm cật lực ngày đêm vẫn không đủ ăn, lúa thất mùa, bắp không ra trái… Thấy ba mẹ quá cực khổ, Thái xin mẹ cho đi nhổ cỏ thuê chung với mẹ để kiếm tiền. Chị Thương, anh Thỏa đành cắn răng chấp nhận lời đề nghị được “tự lập” của con nhưng với điều kiện con vẫn phải đến trường.

Gần 10 năm trời, có Thái rồi tới Oanh cùng chung sức, anh Thỏa, chị Thương mới lập được vườn cà phê ra hồn. Chị kể: “Nói là mình dốc lòng vì con, nhưng nghĩ lại mà thương chúng lắm. Mới mười mấy tuổi đầu, hai anh em nó đã biết gom từng đồng lẻ tiền công nhổ cỏ, tự đi mua dây, phụ ba mẹ tưới vườn. Bởi ba mẹ chỉ có tiền mua cây giống, rồi mua gàu, xách nước tưới cây nên cây còi cọc, lâu lớn. Các con tôi nghĩ ra cách mua dây kéo nước, tưới cho đỡ cực mà vườn lại tươi tốt hơn. Sợ ba mẹ bắt nghỉ học, các con tôi phải trèo lên ghế, ghi trên tấm bảng phấn đấu cho ba mẹ an lòng. Tới bây giờ tôi vẫn nhớ như in mấy dòng chữ non nớt của con trai trên góc bảng: “Năm nay chúng con Thái, Oanh quyết tâm sẽ lãnh phần thưởng để mẹ không tốn tiền mua tập”. Tới ngày cháu báo thi đại học, tôi luýnh quýnh, hay tin con đậu một lúc ba trường, tôi càng quýnh hơn. Vợ chồng đang bối rối, nghĩ cách động viên để con yên tâm lên đường vào đại học, nhưng không ngờ, con trai lại mời ba mẹ ra nói chuyện, trấn an ngược lại, cho ba mẹ yên lòng. Cháu hứa sẽ ráng học thành tài, hứa sẽ ráng đi làm thêm trang trải chi phí học tập… Tôi lại khóc”.

Hôm nay, ngồi ôn lại cả cuộc đời đầy nước mắt của mình, chị Thương mỉm cười mãn nguyện. Giờ Thái đã là thạc sĩ kinh tế, đang làm việc cho một công ty nước ngoài với mức lương khá cao. Năm nay cũng là năm Thái hoàn tất “trọng trách anh Hai” khi bé út Phương Dung vừa nhận bằng tốt nghiệp cử nhân tài chính ngân hàng; còn Hoàng Oanh đã ổn định với công việc của một kỹ sư ở Công ty Giấy Sài Gòn.

Nhắc về các con, anh Thỏa, chị Thương không giấu tự hào. Anh nói: “Không tự hào sao được khi chính nhờ động lực, ước muốn được dạy con sau này mà vợ tôi từ người mù chữ đã tốt nghiệp được cấp II bổ túc. Vì con tự giác học hành, chúng tôi thành người được nể vì ở địa phương và tự tin tham gia công tác xã hội, nếu không chắc cũng trầy trật làm nông, lây lất sống mà thôi. Con cái quả là điều kỳ diệu của cuộc đời chúng tôi!”.

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI