Đôi điều băn khoăn từ triển lãm Gốm Thiệp

09/04/2025 - 17:00

PNO - Công chúng yêu mến cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã “gặp lại” ông ở một lĩnh vực sáng tạo mới: hội họa. Những tác phẩm vẽ trên gốm của ông lần đầu tiên được công bố và trưng bày tại triển lãm Gốm Thiệp diễn ra tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hà Nội.

Có lẽ ít ai biết hội họa từng là nghề tay trái của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thời bao cấp. Theo chia sẻ từ người thân, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu vẽ tranh trên gốm từ năm 1993. Bên cạnh những tác phẩm lấy cảm hứng từ các nhân vật, lời thoại trong tác phẩm văn học của mình, tranh trên gốm của ông còn là những bức chân dung bạn bè, đồng nghiệp, người thân… hoặc hồi ức về những sự kiện, dấu ấn quan trọng trong cuộc đời… Vẽ tranh trên gốm cũng là một niềm vui khác của ông ngoài văn chương.

Một số tác phẩm vẽ trên gốm của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Một số tác phẩm vẽ trên gốm của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Cùng với các tác phẩm của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, triển lãm còn trưng bày hơn 100 tác phẩm vẽ trên gốm (gồm lọ và đĩa) của 41 họa sĩ, nhà điêu khắc khác được sáng tác trên cảm hứng từ các tác phẩm văn, thơ, kịch của Nguyễn Huy Thiệp.

Đây là lần đầu tiên có một triển lãm giới thiệu số lượng lớn tác phẩm gốm lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Tuy nhiên, có một chút băn khoăn về cách chọn lựa tác phẩm và phương thức tổ chức ở cuộc triển lãm đặc biệt này.

Trong số các tác phẩm được chọn trưng bày, bên cạnh nhiều tác phẩm khá ấn tượng, khắc họa được những dấu ấn quan trọng trong tác phẩm văn học của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, còn một số tác phẩm khá khó hiểu cả về ngôn ngữ nghệ thuật lẫn chủ đề. Một số bức vẽ mô tả bộ phận sinh dục nam nữ vừa trần trụi, vừa thô vụng đến mức người xem phải hoài nghi: “Đây có được xem là nghệ thuật?”.

Thực tế, hiểu về một tác phẩm và lấy cảm hứng sáng tạo từ tác phẩm đó có thể sẽ rất khác nhau, tùy thuộc nhiều yếu tố: góc nhìn, quan điểm sống, tuổi tác… Người xem không hiểu thông điệp của họa sĩ cũng là chuyện đương nhiên. Vậy nhưng là một tác phẩm nghệ thuật thì ít nhất cũng phải mang lại cho người xem ấn tượng về cái đẹp, về tính thẩm mỹ. Riêng với triển lãm được giới thiệu là lấy cảm hứng từ các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nên chăng cần có một cách tổ chức khác?

Không phải ai cũng đọc, xem và hiểu về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Triển lãm mở cửa cho công chúng mọi lứa tuổi, mọi đối tượng nên việc tuyển chọn tác phẩm cần được cân nhắc cẩn trọng hơn, đảm bảo người xem dù biết và hiểu về cố nhà văn hay không vẫn có thể trải nghiệm được vẻ đẹp của những nét vẽ trên nền gốm Bát Tràng.

Nếu vẫn quyết định chọn tất cả tác phẩm như hiện nay, triển lãm nên được tổ chức với quy mô nhỏ hơn, dành cho bạn bè, công chúng thực sự hiểu hết những tầng ngữ nghĩa trong văn chương của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Phát biểu của bạn trẻ Vân Khánh (khách tham quan) là điều đáng để suy ngẫm: “Bên cạnh nhiều tác phẩm đẹp, có một số bức vẽ tôi không nghĩ đó là nghệ thuật. Nó không chỉ mang lại cảm giác dung tục mà còn xấu xí, thô thiển. Nếu giới thiệu đây là những tác phẩm được lấy cảm hứng từ các tác phẩm của cố nhà văn, tôi e rằng những người chưa từng biết và hiểu về ông có thể sẽ có suy nghĩ không đúng về tác phẩm của ông”.

Hồ Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI