Đối diện với mất mát

12/10/2022 - 10:36

PNO - Tới khi, bản thân đối diện với mất mát, tôi mới đau đáu nhận ra, vật chất thì hoàn toàn có thể tìm lại, sắm lại, làm lại được. Chỉ những chia lìa yêu thương mới làm chúng ta mãi mãi chẳng còn cơ hội sửa chữa.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK


“Tớ chỉ đi bộ mấy bước từ siêu thị ra bãi xe thôi, mà cái điện thoại ở trong ba lô bay biến. Trước tớ có lấy ra nghe, chắc đã bị kẻ gian trông thấy mình cất không cẩn thận. Thật không tin nổi, tớ vẫn còn bàng hoàng…”.

Câu chuyện kể của cô bạn, người vừa bị mất điện thoại khiến tôi không khỏi thương cảm. Tội nghiệp, bạn dường như chưa hoàn hồn sau cú sốc đột ngột ấy. Nào mấy ai chuẩn bị tinh thần cho tình huống không còn cái vật dụng quen thuộc đó. Mà thời buổi này, chiếc điện thoại bên cạnh đâu chỉ để nghe gọi, nó còn là kho hình ảnh, là danh bạ, là vô số ghi chú công việc khác. Chưa kể còn phải điêu đứng bởi những thao tác phía sau. 

Bạn hớt hải báo ngay với nhà mạng, phải chứng minh chính chủ bằng cách cung cấp các số thường gọi. Đâu dễ dàng gì để vận trí nhớ, khi ai nấy đã quá quen với việc mở sẵn tên lưu trên điện thoại. Mượn điện thoại ai đây, để gọi cho các ngân hàng đang sử dụng. Lại một dây tra hỏi xác minh khác… Rồi thay sim, mua máy mới, tốn tiền là một lẽ. Còn mất thời gian và các hệ lụy lo âu vô chừng nữa. 

“Nói thật, mất đồ lần này mới thấy thương con bé Chip. Xưa mỗi lần con bé làm mất bút, thước, đồ chơi gì là tớ luôn bực mình, mắng con ầm ĩ. Giờ nghĩ lại, đúng hối hận. Mình người lớn đây, mà đối diện với cảnh mất điện thoại còn hoang mang sợ hãi nữa là…”. Câu tự thú của bạn khiến tôi chưng hửng. Giật mình. Chợt nghĩ về cái lần ba tôi đứng ngoài đầu hẻm và bị kẻ xấu giật mất điện thoại. Cái điện thoại đó không cao cấp, nhưng với một người già, đấy vẫn là một loại tài sản đáng nâng niu. 

Ba tôi không dám kể lại, cũng chẳng nói năng gì về sự việc. Chỉ tới lúc đang ăn cơm, ba mới khẽ khàng bảo: “Chiều con có rảnh không, ba nhờ một chút”. Tôi hỏi có việc gì, ba nhỏ giọng, muốn đi mua cái điện thoại khác. Tôi hỏi máy ba bị làm sao, mới biết sự tình.

Bữa cơm biến thành trận náo loạn của riêng tôi. Tôi vừa trách ba bất cẩn, gặp chuyện cũng không thèm thông báo ngay với con cái, vừa vội vàng tra mạng tìm số của ngân hàng. Tôi cau có gắt gỏng hỏi giấy tờ tùy thân của ba để cung cấp cho nhân viên ngân hàng. Ba tôi lẳng lặng và ngoan ngoãn hợp tác, không dám ý kiến gì. Chắc ông cũng hoảng trước phản ứng của đứa con gái mạng hỏa, nóng tính nhất nhà…

Đây cũng không phải lần đầu tôi nổi cơn thịnh nộ khi xảy ra xui rủi, mất mát. Trước, con trai tôi từng làm mất cái đồng hồ định vị dành cho trẻ em và tôi cũng “giảng” một trận kéo dài mấy ngày. Thằng bé thờ thẫn vì tiếc của, tôi thì cho rằng, phải để con nhớ cái sự cố ấy thì sau này mới bớt cẩu thả, tùy tiện. Có lẽ vì vậy, mà hai đứa con tôi dần dà ít dám tỉ tê gì với mẹ. Lỡ làm hư váy áo, trái bóng, mất dụng cụ học tập… là chúng xin cha, cho lành! Thi thoảng tôi tóm được, mắng cả cha lẫn con, rằng chồng đang chiều, làm hư lũ trẻ.  

Tôi nhớ sinh nhật năm mười sáu tuổi, được mẹ mua cho một chiếc lắc vàng tây mỏng manh, có đính kèm quả chuông quả ớt và chiếc giày bé xinh. Tôi quý món trang sức đầu đời ấy lắm. Rồi chỉ một thời gian ngắn sau, tôi làm rơi mất ở đâu chẳng rõ. 

Cảm giác hụt hẫng bàng hoàng khi nhìn xuống cái cổ tay trống trơn lúc ấy - chắc cả đời này tôi không quên được. Chẳng thể nào tin, mới đó mà món đồ mình yêu quý nâng niu đã biến mất không vết tích, trong nỗi tiếc nuối ngẩn ngơ và đau khổ tận cùng… Mẹ tôi không la rầy câu nào. Bà còn nhẹ nhàng nói: “Thôi của đi thay người, mai mốt khi nào có, mẹ mua cái khác cho”. Tôi bật khóc…

Ba tôi giờ đã khuất núi. Ngày đưa ba đi xa, tôi cố tình giữ lại chiếc điện thoại làm kỷ niệm. Ngắm món đồ ấy, tôi bỗng thấy lòng mình dâng lên nỗi hối tiếc vô bờ. Nhớ lúc chở ba đi mua cái điện thoại mới, ba cũng không dám chọn loại tốt đắt tiền, mà chỉ muốn mua lại một chiếc giống cũ. Tôi khuyến khích ba mua cái tốt hơn để dùng, nhưng chắc ba vì áy náy nên cứ lừng khừng… Người già vốn ngại phiền con cái, sợ mình mắc lỗi, sợ mình là nguyên nhân khiến con phải tốn kém… Những tâm lý ấy, tôi hoàn toàn thấu hiểu, nhưng lại chẳng đủ bao dung và kiên nhẫn khi xảy ra chuyện.

Chỉ tới khi, bản thân đối diện với mất mát, tôi mới đau đáu nhận ra, vật chất thì hoàn toàn có thể tìm lại, sắm lại, làm lại được. Chỉ là những sự chia lìa yêu thương mới làm cho chúng ta mãi mãi chẳng còn cơ hội để sửa chữa nữa rồi… 

Hoàng My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI