Đợi đến bình minh: Người sót lại bên bóng thời gian...

29/04/2016 - 07:56

PNO - Cánh cửa cũ mở ra với nỗi niềm đã cũ. Nhưng bài học ở đời về tình yêu, niềm tin vì lẽ sống hướng thượng thì có bao giờ cũ đâu.

Câu chuyện khép lại về một thế hệ trung trinh với nỗi nước vận nhà, dẫu có lọt thẳm giữa ngổn ngang thời thế hôm nay, cũng khiến lòng dậy lên bao ưu tư…

Gắng nuôi con và giữ niềm tin

Tôi lo khi giọng bà qua điện thoại đứt quãng, mệt nhọc, bà cố nói đến lần thứ ba mới rõ địa chỉ. Khi tôi hỏi qua một cựu chiến binh khác, thì ông này nói ngay: chị Hồng Thị Phương bị bệnh, yếu lắm rồi. Nhưng khi tôi lách mình qua cánh cửa sắt đã cũ trong con hẻm trên đường 3/2, P.11, Q.10 TP.HCM, thì bà đã ngồi ngay đó chờ.

“Cô chờ con sáng giờ”. Giọng bà mệt nhọc, yếu ớt. Bệnh tim hành hạ, vừa kiểm tra xong, chờ kết quả. Sinh lão bệnh tử, có chừa ai. Lập cập đưa tôi lên gác, ngó căn phòng đơn sơ hướng ra hành lang đầy gió, nắng hắt lên tường, ảnh ông bà thời còn mạnh khỏe, uy nghiêm trong quân phục mà cả hai đều mang quân hàm đại tá, nghĩ bà đã sống bao năm với niềm vui và nỗi buồn xa vắng người bạn đời, sống với bệnh tật và ký ức tuổi già, lòng không khỏi bâng khuâng.

Năm 13 tuổi, bà giã biệt quê Bạc Liêu lên Sài Gòn học trường Gia Long. Nhưng chỉ được ba năm, khi Nhật đảo chính Pháp, bà phải về lại quê rồi tham gia hoạt động phụ nữ. “Cô là bạn của chị Huệ, vợ anh Nguyễn Văn Linh”. Mắt bà ánh lên niềm vui. Con đường quân ngũ mở ra khi Hiệp định sơ bộ 6/3 được ký, và từ đó, suốt đời bà mang trên vai quân hàm người lính.

Doi den binh minh: Nguoi sot lai ben bong thoi gian...
Giờ chỉ còn lại mình bà cùng ký ức

Công tác chính trị ở Cần Thơ đến năm 1949, bệnh quật ngã bà, ho dữ dội, ra máu, phải về U Minh chữa và không ngờ, từ đây nghề y bám riết bà đến cuối đời. Học y tá, chữa trị cho bộ đội và nhân dân trong vùng. Năm 1952, bà sang Campuchia hoạt động và sau Hiệp định Genève 1954 thì tập kết ra Bắc.

“Đâu có, yêu nhau thuở ở rừng U Minh - bà bật cười khi tôi hỏi chuyện yêu đương rồi thành vợ chồng với ông nhà chắc trễ lắm - ổng cũng như cô, làm quân y, cũng sang Campuchia rồi tập kết ra Bắc, có với nhau đứa con khi ở U Minh”. Chiến tranh, công việc, loạn lạc, nuôi con giữa rừng sao nổi? “Không nuôi nổi, bởi khổ vô cùng, vừa bồng con, vừa cấp cứu thương bệnh binh, nên khi sanh đứa con gái đầu được mấy tháng, cô gửi nó về ngoại ở Bạc Liêu rồi khi tập kết dẫn nó đi theo”.

Thời gian vụt trôi qua đôi mắt già nua khi bà chốc chốc lại dừng vì mệt. Tôi ngó bàn tay nhăn nheo, nổi gân xanh, lặng đi khi nghĩ đến những ngày tháng len qua kẽ tay người, tuột trôi hết, chỉ có dấu tích là màu thời gian úa vàng, khô khốc. “Ổng vô Nam năm 1961, khi đứa con thứ hai vừa bốn tháng tuổi”. “Phút ra đi, cô nhớ ông nói gì không?”. Giọng bà nghẹn lại: “Hẹn ngày gặp lại, nhưng biết ngày nào. Lúc đó đi B là vinh dự lắm, được về quê chiến đấu ai cũng hồ hởi”.

Tôi đã gặp nhiều phụ nữ miền Nam trên đất Bắc, và tôi nghĩ rằng, cũng phận phụ nữ với nhau, nhưng phụ nữ miền Bắc những năm đó, có chồng đi B, có lẽ tâm trạng dẫu rối bời, cũng khổ sở bao điều, nhưng chắc họ đỡ nhọc nhằn hơn những phụ nữ miền Nam tập kết, bởi quê nhà xa lắc lơ, không cha mẹ, người thân, một mình chèo chống nuôi con.

“Ừ, cực lắm con, cô vừa học y sĩ, rồi bác sĩ, rồi làm chủ nhiệm quân y của Đại học Kỹ thuật quân sự, vừa nuôi con, vừa tăng gia sản xuất. Những ngày Mỹ ném bom, cực biết mấy, con phải đi học ở vùng sơ tán, chiều thứ Bảy xong việc ở trường thì đạp xe mấy chục cây số thăm con. Nhưng nghĩ, chồng đi Nam, sống chết khó lườ ng, mình ở lại phải gắng học, gắng làm, nuôi con và giữ niềm tin ngày gặp mặt”.

Doi den binh minh: Nguoi sot lai ben bong thoi gian...
Họ đã cùng nhau đi hết chặng đường dài

Những điều không bao giờ cũ

Tôi nhớ có một cuộc tranh luận về “giải huyền thoại” trong văn học, khi cơn gió đổi mới thổi. Đôi bên cãi nhau căng thẳng trên báo Văn Nghệ, nhưng thảy đều đồng ý ở điểm chung khi luận về ý chí của người Việt trong chiến tranh, xét ở góc độ học thuật, chính là “vô thức tập thể”: niềm tin về ngày toàn thắng; sự thủy chung giữa bão táp; sức mạnh không thể ngờ về sự quả cảm... là “đặc sản” chung của người Việt, không phải chờ đến chiến tranh chống Pháp hay Mỹ mới có; nó hình thành trong huyết quản thuở chưa chào đời, được nuôi cấy và dung dưỡng vừa vô hình vừa hữu hình, truyền đời như gia bảo, mà như thế, phải chăng người Việt hay gánh chịu thương đau?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI