Đợi đến bình minh: Ngôi làng gần 10 năm không đưa dâu

25/04/2016 - 07:41

PNO - Chiến tranh ám ảnh trong ký ức bao người với chết chóc, đau thương, ly tán; nhưng chiến tranh cũng là một phép thử của niềm tin.

Ở đó, trái tim mềm yếu của con người phải đối đầu với sự tàn nhẫn của súng đạn, với dằng dặc thời gian đợi chờ. Những cuộc tình thời chiến luôn là đấu trường cam go nhất, thử thách lớn lao nhất với sức sống của lời hẹn thề, để tới ngày hòa bình, hoa lại nở và nụ cười phục sinh...

Đó là làng Hiền Lương bên sông Bến Hải. Đơn giản mà khắc nghiệt, bởi làng bị bom san phẳng, không đưa dâu vì sợ pháo bờ Nam chụp xuống. Buổi qua cầu cho giấc mơ đời con gái vẹn nguyên, chỉ có thể chờ đến ngày hòa bình. Chuyện cũ nhắc lại, đâu chỉ để thổn thức…

Doi den binh minh: Ngoi lang gan 10 nam khong dua dau
a

Đám cưới dưới hầm

Gió cửa Tùng thổi ngược không đủ làm mặt nước xao động. Ông Trợ hỏi vọng xuống: “Có cá không?”. Tiếng đáp từ dưới ghe: “Vài con lạc chạc rứa…”. Người đàn ông ngẩng lên, mắt hấp háy cười rồi bơi ghe về phía bờ nam. “Đó, chú thấy không, mấy phút là tới bờ, rứa mà hồi nớ dễ chi…”. Giọng ông Trợ nhẹ bỡn. Cũng phải thôi, không ai và không nên cứ cõng miết quá khứ trĩu nặng trên vai, quá khứ đau buồn nhức nhối, mà những người như ông, cũng ngoảnh lại, bàng hoàng “răng mình sống sót hè?”. “Ừ, cả cái làng Hiền Lương ni hồi nớ bị bom chà trắng sạch”.

Lời ông lọt trong tiếng tre cựa mình, tan đi trong ngăn ngắt xanh những vạt đất ven sông mùa cải. “Tre cũng không còn, thì răng đám cưới có đưa dâu, chú mi hỏi lạ…”. Nụ cười hóm hỉnh bật ra ở giọng nói bỗng nhiên như thầm thì ở người già tuổi 80, nghe như vòm âm thanh xa vắng một điệu hò đứt đoạn. Tôi bật cười theo. Lướt qua rất nhanh trong tôi ảnh đám cưới nhà quê, đôi uyên ương nắm tay nhau đi giữa hàng tre, nhưng bức ảnh thoắt bị mất màu, và rồi như ai đó đoạn tâm xé rách thình lình…

“Mụ mô rồi, lên chú hỏi tề”. Ông Trợ ngó xuống bếp và lên tiếng. Bà Phạm Thị Cúc, vợ ông, ngồi xuống cạnh chồng, ngó tôi bật cười thành tiếng: “Thì có chi mô, ngày mô cũng bom pháo, cưới không dám đưa dâu, làng ni càng không dám, đây qua bờ nam chỉ một khúc, pháo bắn không cần nhắm cũng trúng”. Bà và ông là dân quân xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, sau hòa bình 1954, riêng ông sau 1973 làm cán bộ xã, thôn, mới “rửa tay gác kiếm” năm kia.

“Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ 1964, là bắt đầu căng, ngày nào cũng pháo - ông kể - ông bà già phải đi sơ tán ở Tân Kỳ (Nghệ An) và Quảng Bình, làng còn lại chủ yếu là dân quân. Vùng ni đất trũng, không đào hầm sâu được, chủ yếu là hầm chữ A và giao thông hào. Từ 1966 đến 1969 là căng nhất, bom pháo tan tác, nhà tui đây, chỉ còn hai miếng tranh tre tạm, rứa mà trực thăng bay sát thổi bay luôn… Làm chi có cưới xin, miết đến 1972, mới có một đám là anh Lê Công Thuận và cô Nguyễn Thị Là”

Vợ chồng ông Thuận bà Là không khỏi ngạc nhiên nhìn tôi: “Đám cưới thì bình thường, có chi mô chú hè?”. Đám cưới, đưa dâu là chuyện quá đỗi bình thường, nhưng ở thẻo đất ven sông này, chuyện giản đơn và đương nhiên đó lại có một thời, cái thời mà đứng bên ni ngó qua bên tê, thấy người thân mà không dám cất tiếng gọi, để nước mắt hóa thành sông trôi về biển, chỉ biết dặn lòng hãy giữ câu thề khi vòng ôm máu thịt đành lỗi hẹn, thì nó trở thành diệu vợi xa xôi lắm.

Doi den binh minh: Ngoi lang gan 10 nam khong dua dau
Vợ chồng ông Thuận bà Là

Thời xuân sắc chưa phai trên gương mặt bà Là. Và ông Thuận nữa, dáng vóc, gương mặt chinh chiến một thời là đại đội phó TNXP chiến trường Quảng Trị còn toát ra sự nhanh nhẹn, dứt khoát và hồn nhiên. “Mẹ lạ hè, mình cưới lúc nớ thì cứ kể chú nó nghe. Mẹ nhớ lại có đám cưới trong làng mình không?”. Bà Là tính nhanh rồi lắc đầu: “Ừ, không có hè, có mấy đứa ở làng mình nhưng lấy chồng làng khác, chứ làng Hiền Lương thì không, ác liệt quá mà, ai dám cưới, nói chi đưa dâu. Mà hỏi chi rứa hè, o xấu hổ lắm…”.

Bà cười ngượng nghịu xua tay chối từ. Đến tuổi này mà còn e thẹn, hẳn thuở con gái lắm người đeo đuổi? Ông Thuận nghe tôi nói vậy, bật liền: “Hồi nớ tau cũng đẹp trai”. “Răng yêu nhau năm 1966, mà tới 1972 mới cưới?”. Giọng Quảng Trị, giọng đàn bà, nhẹ mà đọng, dễ khiến người ta say mà dễ tỉnh nhưng không dễ dứt: “Gia đình hai bên sơ tán hết. Ảnh đi TNXP ở Trường Sơn, o thì công việc phụ nữ tùm lum, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, bụng dạ mô nghĩ chuyện nớ. Miết tới năm nớ thì cưới. Hai họ là anh em du kích chứ có ai mô. Có ai ra Tân Kỳ thì nhắn tin xin phép cha mẹ. Đám cưới dưới hầm lán, có nhà cửa chi mô”. “O mặc áo cưới không?”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI