Đợi đến bình minh: Chuyện của người tử tù

27/04/2016 - 14:00

PNO - Phận người trong chiến tranh như chiếc lá trơ trọi đến cùng cực. Càng nghĩ vậy, càng thấy thương biết bao những chia lìa…

Gần 10 năm một mình nuôi con, ngột ngạt giữa đạn bom, người đàn bà ấy đã bị thời gian và chính mình dựng lên trong lòng bức tường thành về mối nghi ngờ, thậm chí sắt đá tin rằng chồng đã chết trong tù, để đến ngày gặp mặt mà vẫn còn ngờ ngợ không muốn đi. Phận người trong chiến tranh như chiếc lá trơ trọi đến cùng cực. Càng nghĩ vậy, càng thấy thương biết bao những chia lìa…

Đám cưới giữa vòng vây

Ông Phạm Ngọc Châu, xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên là một trong những tử tù Côn Đảo, bị biệt giam 10 năm. Vợ ông là bà Lê Thị Cúc, người cùng làng. Chuyện đám cưới của họ có lẽ cũng giống bao lễ thành hôn vội vã trong những ngày binh lửa.

“Năm đó tôi 24 tuổi, bả 19 tuổi, cũng làm du kích, phụ nữ xã - ông kể - tôi nhớ đám cưới coi ngày là 19 âm, nhưng ngày 16 thì Pháp mở chiến dịch Átlăng, nhảy dù xuống sân bay Đông Tác, thế là dự định tan tành, vì cả xã phải chạy tản cư. Tôi gặp bả ở bến đò, mạnh ai nấy chạy, rồi đám cưới cũng tiến hành, với 30 anh em dân quân, cán bộ xã ở lại bám trụ. Cưới vào chiều tối, có du kích bảo vệ vòng ngoài, nhà gái chỉ có bốn người, đi đường tắt, vì sợ địch bắn. Bả mặc đồ bà ba, đội nón lá như đi làm đồng. Cưới xong là chạy giặc”.

Doi den binh minh: Chuyen cua nguoi tu tu
Niềm vui của vợ chồng ông Châu - bà Cúc bên con cháu

“Có động phòng không bác?” - một đồng nghiệp thắc mắc và cười. “Phòng ốc gì đâu - ông trầm ngâm - chạy mà, mỗi đứa một gánh gạo và mắm, đi xuyên đêm. Qua tết thì quay về, tôi hoạt động, bả tham gia phụ nữ xã”. Từ đó, những ngày tháng với ông là tù tội. Năm 1955, bị quản thúc ba năm ở xã, sau đó bị bắt giam ở thị xã Tuy Hòa. Kiên cường không khai, địch không moi được gì, nên một thời gian sau, ông được thả. Năm 1965, ông về xã Phú Lâm nắm phong trào, bị giặc quật hầm với đầy đủ súng đạn và giấy tờ. Bốn tháng khai thác, đánh đập, không moi được gì, tòa án ở Nha Trang xử ông tử hình. Đầu năm 1966, ông bị đưa vô khám Chí Hòa rồi đày ra Côn Đảo.

Ông kể say sưa, lúc căng thẳng quyết liệt, lúc cười hào sảng, còn bà ngồi, lúc nhìn xa xôi như cố nhớ chuyện ngày xưa, lúc nhìn chồng, thi thoảng nói một mình câu gì đó không thành tiếng, như gió lọt kẽ mành trên đôi môi mấp máy không xô nổi chi chít vết nhăn sâu hoắm khô gầy, đôi mắt đã đục mờ, rồi đưa hai tay lên, lúc chống cằm, lúc như lóng ngóng quờ quạng cố đẩy một cái gì đó đang dâng lên.

Qua tuổi 80 rồi, có lẽ chuyện ngày xưa như nước chảy qua cầu, bởi ở tuổi ấy, chuyện đời là vô sự. Nhưng không, tôi đã nhầm. Cơn đau của bà được thời gian phong kín, vết thương lành lặn. Nhưng rồi một ngày, nó lên tiếng, kể lại chính nó, thì cơn nhói từ sâu thẳm bật ra, tưởng nhẹ như tuổi tác đời bà khi đã sắp chạm vào hư vô, nhưng đó lại là sự im lặng giữa phong ba mà bà cố ghìm xuống, nó khiến bà tê dại đi, không còn biết rằng vì sao như thế.

Nhưng rồi câu trả lời cũng rõ, là quá kinh hoàng với sức chịu đựng của một cô gái trẻ. “Bác có nhớ lần đi thăm ông ở Nha Trang không?”. “Có - giọng bà như cố gắng, bị trì kéo giữa ký ức đau buồn của người đàn bà thuở đó một nách hai con, hẳn bao năm lúc nào bà cũng nhớ, nhưng bây giờ kể cho khách nghe, sao quá đỗi mệt nhoài - bác mượn tiền hàng xóm đón xe lên thăm ổng, gặp được một chút thôi, thấy tay ổng bị còng, muốn khóc mà không được, miệng cứng lại”.

“Bác biết bị tử hình, lúc đó có nói gì với bà không?”. Nghe tôi hỏi, ông quay qua nhìn bà, mắt bỗng chớp như cố giấu tâm trạng đằng sau điều muốn nói: “Có, tôi nói em còn trẻ quá, anh chắc chắn bị bắn rồi, thôi em về, lấy chồng đi, ở vậy không được đâu, chỉ mong em gặp được người đàn ông thương em, thương con anh, mai này con lớn, em nói con biết là cha theo cộng sản bị bắn rồi, là anh mãn nguyện”. Bà im lặng, luồn ngón tay vào nhau, và vặn; lúc chắp lại như van vái, như cố cưỡng nỗi bồi hồi. Cảm xúc ở người già, nhiều lúc như đất trời trước cơn bão, lặng phắt đến kinh sợ.

“Bác nói với ổng, thôi đừng nói chuyện chồng con chi nữa, rồi giám thị trại giam không cho nói nữa, đuổi về”. Bà lại vặn tay. “Bác bị khớp, đau lắm”. Tôi thì hình dung đường về từ Nha Trang đến Phú Yên, chiều đó, mình bà, thăm thẳm biết chừng nào. Không biết những cơn vật vã, đòi đoạn trong trái tim bà, lúc đó ra sao? “Bác có biết gì đâu, không nghĩ được chi hết, chỉ biết về với con, nuôi con”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI