Đợi đến bao giờ?

20/12/2019 - 11:25

PNO - Đợi… là một trạng thái thật mơ hồ. Đợi sẽ là khoảng thời gian bao lâu? Chờ các con đã lớn, chờ khi kinh tế khá lên hay vò võ chờ người bạn đời không màng đến mình?

Tôi vừa nhận được  tin một người chị đồng nghiệp rời cõi tạm để về miền xa thẳm. Bàng hoàng. Hụt hẫng. Và lẫn vào đó là cảm giác xót xa, đau đớn trong tôi. Chị còn quá trẻ. Bốn mươi tuổi rõ ràng mới chỉ đang ở giai đoạn đằm chín của đời người đàn bà. Hai đứa con chị, đứa lớn năm thứ nhất Đại học, đứa thứ hai mới học lớp tám. Và chồng chị vẫn làm ở một nơi xa, cách nhà đến gần trăm cây số.

Ung thư như một bản án lơ lửng có thể rơi vào bất cứ ai. Khi chị phát hiện ra án tử này trên cơ thể mình, nó đã là giai đoạn cuối. Tháng đó cũng là tháng cuối cùng của cuộc đời chị. Bao dự định con dang dở. Nhà cửa không người phụ nữ ngả bên nào cũng vắng vẻ, cô đơn. Hai đứa con mất mẹ ngơ ngác. Tiễn vợ đi rôi chồng chị vẫn chết trân trong sự mất mát quá lớn đến đột ngột.

Bao năm tháng qua anh xa nhà. Một tay chị vun vén lo toan. Hai đứa con ngoan là nhờ cả vào vợ. Hai bên nội ngoại chu toàn cũng một công vợ cả. Đôi khi anh về, không vừa ý gì đó là cằn nhằn vợ này kia. Những khi ấy, chị chỉ cười hiền… Chị vẫn vậy, giản dị và trân trọng tổ ấm.

Doi den bao gio?
Ảnh minh hoạ

Chị vẫn vẽ ra những chuyến du lịch cùng nhau của gia đình. Vẫn ước ao khi các con lớn, anh về nghỉ ngơi sẽ bù đắp cho chị lại những tháng ngày đi xa biền biệt. Vậy mà đùng cái… Khi biết trọng bệnh là khi những cơn đau nối nhau giáng xuống thân hình mỏng manh của người phụ nữ ấy, chị không kịp và cả nhà chị cũng không làm được những điều chị mong muốn.

Đợi… là một trạng thái thật mơ hồ. Đợi sẽ là khoảng thời gian bao lâu? Chờ các con đã lớn, chờ khi kinh tế khá lên hay vò võ chờ người bạn đời không màng đến nhu cầu của người đàn bà sống và đã hi sinh bên cạnh mình suốt những tháng năm tuổi trẻ.

Đợi, là bao lâu để các thành viên trong gia đình sắp xếp được cùng nhau. Ta có thể sắp xếp nghỉ phép để cho những việc đâu đó, sao ta không nghỉ phép để sống sâu với chính gia đình mình, với vợ con và những đứa con thân yêu. Một chuyến đi chơi, một tấm ảnh gia đình cùng nhau, một ngày thật sự bên nhau… Gác hết những cuộc gọi, những hẹn hò bên ngoài tổ ấm. Những vô bổ trong tháng năm qua đã cướp đi của ta biết bao thời gian rảnh rỗi.

Doi den bao gio?
Ảnh minh hoạ

Những đứa con lớn lên, chúng sẽ rời xa dần vòng tay cha mẹ. Chúng có nhu cầu giấu đi những tâm tư, những vui buồn của tuổi mới lớn. Vậy thì ta đợi đến bao giờ mới dành thời gian cho nhau? Là mai, là kia, hay là mãi mãi không thể?

Thực ra, nếu quan tâm tới nhau, người ta sẽ sắp xếp thời gian hợp lí. Thấy vợ mệt mỏi, nếu không thể đưa đi thì cũng sẽ nhắc vợ đi khám. Bận rộn thực ra nó chỉ là cái cớ khi người ta “lười” chăm sóc, để ý tới nhau mà thôi.

Chị bạn tôi đó, về miền cực lạc vẫn đau đáu nỗi lo về các con, về chuyện chồng không biết sẽ thu xếp công việc gia đình ra sao khi anh làm việc xa nhà như thế. Về chiếc váy đẹp chị vẫn đắn đo không sắm cho riêng mình vì tháng này con trai cần đóng tiền học phí…

Sống, thực sự có muôn hình vạn trạng nhu cầu. Cho rằng đủ nó sẽ đủ, thấy thiếu thì mãi mãi nó vãn thiếu thôi. Nhưng nếu cứ đợi chờ, lần lữa mọi dự định, đặc biệt những dự đình cho mình, cho tổ ấm, cho những kế hoạch yêu thương… biết đâu đấy nó sẽ là lỡ dở mãi mãi.

Vậy nên, hãy sống chậm đi, lắng nghe và đừng lần lữa. Trân trọng tiếng nói bên trong tổ ấm, thực hiện nó thực sự là một nhu cầu chính đáng của hiện tại.

Đinh Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI