Đối đầu Mỹ - Trung ảnh hưởng xấu đến hòa bình thế giới

18/05/2020 - 06:00

PNO - Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã không thể đạt được thỏa thuận về một dự thảo nghị quyết ngừng bắn trên toàn thế giới, sau gần hai tháng đàm phán khó khăn.

Khi thế giới chiến đấu với đại dịch COVID-19, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã không thể đạt được thỏa thuận về một dự thảo nghị quyết ngừng bắn trên toàn thế giới, sau gần hai tháng đàm phán khó khăn.

Mỹ chưa nhượng bộ

Dự thảo nghị quyết trên kêu gọi chấm dứt chiến sự trên toàn thế giới để tập trung toàn lực vào việc chống lại COVID-19 - đại dịch thế kỷ. Nếu được thông qua, nó sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu do Tổng thư ký Liên hiệp quốc António Guterres đưa ra trước đó, nhằm tạo ra một cửa sổ nhân đạo và nền tảng hòa bình, cho phép các chính phủ giải quyết đại dịch tốt hơn ở những nơi dễ bị tổn thương trên thế giới.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc không thể thực hiện trọn vẹn quyền hạn của mình trong việc gìn giữ hòa bình nếu Mỹ và Trung Quốc không giải quyết bất đồng song phương
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc không thể thực hiện trọn vẹn quyền hạn của mình trong việc gìn giữ hòa bình nếu Mỹ và Trung Quốc không giải quyết bất đồng song phương

Tuy nhiên, 15 nước thành viên trong Hội đồng Bảo an không thể đạt được thỏa thuận về nghị quyết do Mỹ liên tục phản đối việc đề cập đến “nhu cầu cấp bách để hỗ trợ tất cả các thực thể có liên quan của hệ thống Liên hiệp quốc, bao gồm cả các cơ quan y tế chuyên ngành, trong cuộc chiến chống lại đại dịch”, với cáo buộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không làm tròn nhiệm vụ của mình và chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc.

Các nhà ngoại giao đã hy vọng sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn của Mỹ đối với an ninh y tế toàn cầu tại thời điểm lịch sử này, giống những gì họ đã thấy trong các dịch bệnh trước đây, từng được Hội đồng Bảo an thảo luận, như Ebola và HIV/AIDS. COVID-19 đã lây nhiễm hơn 4,7 triệu người, giết chết hơn 300.000 người trên toàn thế giới tính đến ngày 17/5 và phơi bày những liên kết yếu nhất trong tất cả các xã hội, khi 40% bộ phận dân cư nghèo nhất cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Thích nghi với thay đổi

Việc kiểm soát COVID-19 buộc các nước đóng cửa biên giới, phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và hủy hoại các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ dựa vào sự di chuyển của người dân, tạo ra làn sóng thất nghiệp ở quy mô chưa từng thấy. Chỉ riêng ở Mỹ, hơn 30 triệu người cần hỗ trợ thất nghiệp kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Hầu hết người dân bị giới hạn hoặc không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng; nhiều người trở nên vô gia cư vì không có tiền tiết kiệm và bảo trợ xã hội.

Nhiều quốc gia và chính quyền địa phương đưa ra hành động sớm và hiệu quả để ngăn chặn vi-rút trong phạm vi quyền hạn của mình. Riêng một số quốc gia đã làm tốt hơn những quốc gia khác trong việc kiểm soát sự lây lan của COVID-19 và giảm tỷ lệ tử vong. Có nhiều lý do dẫn đến sự khác biệt này, chẳng hạn như chất lượng của cơ sở hạ tầng y tế, khả năng sử dụng toàn bộ nguồn lực của chính phủ và sự đáp ứng từ cộng đồng, sự quyết đoán và rõ ràng trong suy nghĩ của các nhà lãnh đạo dựa trên kiến thức khoa học, sự gắn kết xã hội và mức độ tin tưởng vào các thể chế công, việc đầu tư vào hệ thống bảo trợ xã hội và nhà ở công cộng.

Cần sự dẫn dắt mang tính toàn cầu

Tuy nhiên, hành động quốc gia và địa phương là không đủ. Thế giới đang cần sự lãnh đạo và phối hợp mang tính toàn cầu đối với tình trạng khẩn cấp chưa từng có kể từ Thế chiến II. Chính vào những lúc như thế này, Hội đồng Bảo an không nên im lặng trước mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh mà COVID-19 đem đến. Tổ chức này cần dẫn đầu và thể hiện sức mạnh chứ không phải bộc lộ điểm yếu, bất đồng riêng giữa hai hoặc nhiều quốc gia. 

Khi Liên hiệp quốc kỷ niệm 75 năm thành lập, đây là cơ hội cho quan hệ đối tác và hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức toàn cầu. Nhưng Hội đồng Bảo an phải được phép thực hiện công việc của mình và không bị cản trở bởi sự cạnh tranh giữa những siêu cường chính trị. Do đó, thế giới đang chờ đợi Mỹ và Trung Quốc tạm ngừng xung đột, tập trung vào cuộc chiến thực sự đang diễn ra trước mắt: cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. 

Tấn Vĩ (theo Eurasia Review)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI