Đời đắng sau ly ca cao chấm bánh mì nức tiếng Sài Gòn

12/05/2018 - 12:57

PNO - Ở một góc nhỏ dưới chân chung cư cũ Chợ Quán trên đường Trần Bình Trọng (quận 5, TP.HCM), có người phụ nữ đã hơn 20 năm nay tất bật bên những ly ca cao bình dân để nuôi người chồng bị mù và 3 con nhỏ

Người ta gọi bà bằng cái tên dễ mến ‘‘bà Tám”. Quán ca cao bà Tám được các bạn trẻ truyền tai nhau là quán ‘‘độc nhất vô nhị” ở Sài thành. Đều đặn 9 giờ sáng mỗi ngày, bà Tám đẩy xe hàng từ nhà ra và bắt đầu dọn quán.

Doi dang sau ly ca cao cham banh mi nuc tieng Sai Gon
Bà Tám đã buôn gánh bán bưng suốt nửa đời người vì chồng con

Gọi là quán nhưng đó chỉ là một khoảng sân nhỏ nằm khiêm tốn trước bãi giữ xe của chung cư, rộng chừng 10m2, được nhận diện bằng tấm biển hiệu “Ca cao bà Tám” làm từ mảnh giấy A4 ép nhựa. ‘‘Quầy pha chế” nằm gọn trên cái xe đẩy được bày biện các loại nước ngọt, sữa đặc, ca cao, bánh mì... Phía trước, vài cái ghế nhựa để cho khách và... muốn ngồi đâu cũng được.

Món ăn lạ lẫm ở Sài Gòn

Lần đầu nghe đến cái tên “ca cao đá chấm bánh mì”, hẳn ít ai biết được đó là món ăn như thế nào. Theo bà Tám, món ăn này được chế biến theo hơi hướng ẩm thực của người Khmer bởi trong ca cao có thêm đường thốt nốt. Suốt hơn 20 năm qua, bà Tám luôn cho ra đời những ly ca cao “độc nhất vô nhị” với “nước nhì” đặc sánh và “nước nhất” dẻo quẹo. Câu hỏi “con ăn ngọt hay đắng” luôn mở đầu khi có khách đến mua.

“Ai ăn đắng thì Tám để vậy, ăn ngọt thì cho thêm chút sữa đặc lên trên. Còn bánh mì kèm theo ai muốn ăn bao nhiêu cũng được, cả giữ xe Tám cũng “bao” luôn... Tất cả chỉ vẻn vẹn có 15 nghìn đồng cho một ly ca cao đá mà khách ghé qua sẽ nhớ mãi không quên.

Theo bà Tám, vào giờ tan học, học sinh các trường lân cận hay đổ về đây rất đông, hết nhóm này đến nhóm khác cứ thế kéo đến để thưởng thức món ăn này. Do bán một mình nên bà Tám làm không ngơi nghỉ. Đôi tay gầy gò luôn nhanh nhẹn múc đá vào ly, rồi thêm một muỗng ca cao đặc, một ít ca cao loãng và thêm ít sữa đặc lên trên. Một ly ca cao ngon lành được bà Tám pha chế rồi kèm ổ bánh mì mang ra cho khách.

Doi dang sau ly ca cao cham banh mi nuc tieng Sai Gon
Khách thường là các bạn trẻ ghé thưởng thức món ca cao chấm bánh mì

Trong đám đông khách có một bạn trẻ nói: “Ở Sài Gòn này, ca cao chấm bánh mì chỉ có ở quán bà Tám mà thôi, sao con ăn hoài mà không thấy chán”.

Cuộc đời đắng sau ly ca cao

Bà Tám tên thật là Nguyễn Thị Hòa, năm nay đã 68 tuổi. Từ hồi lấy ông Tám, ông phụ bà bán canh bún ở cầu Ông Lãnh rồi đi đào khoai mì kiếm thêm thu nhập. Một hôm, không may ông đào trúng quả mìn khiến ông bị thương. “Tui đi mượn chỗ này một ít chỗ kia một ít để chạy chữa cho ổng, nhưng chỉ cứu được mạng sống, đôi mắt thì không còn nhìn thấy nữa”, bà Tám nhớ lại.

Từ đó, gánh nặng để lại trên vai bà, không đủ sức đi bán rong nữa nên bà xin ngồi bán ở chung cư này. Thấy hàng ca cao của bà Ba kế bên lúc nào cũng đông khách, nên nửa buổi bán canh bún, nửa buổi bà Tám phụ bà Ba.

Doi dang sau ly ca cao cham banh mi nuc tieng Sai Gon
 

Bà Tám kể lại: “Bà Ba tuổi đã cao nên con cháu rước về quê chăm sóc, bà ngỏ ý muốn truyền nghề lại cho tui nhưng không nói thẳng, mà cố tình làm cho mình vừa nhìn, vừa học được bí quyết. Sau này bà không bán nữa nên tui thay bà tiếp tục giữ nghề, cái nghề này đã nuôi gia đình tui hơn 20 năm rồi”.

Từ khi ông Tám không còn nhìn thấy ánh sáng, bà Tám phải vừa buôn gánh bán bưng, vừa lo cho ba đứa con đang ở tuổi ăn tuổi học. Tuy vất vả nhưng lúc nào bà Tám cũng cười để xua đi phiền muộn. Bà Tám nói: “Tình nghĩa vợ chồng nó thiêng liêng lắm, nên dù chồng mình có ra sao mình cũng phải cố gắng nuôi chồng, nuôi con ăn học”.

Chồng bà giờ đã mất đi đôi mắt nên về quê ở Long An sinh sống. “Không thấy đường vậy chứ ổng cũng đi giăng câu giăng lưới, ổng ở một mình với con chó, đi đâu thì có hàng xóm thương tình coi chừng ổng giùm”, bà Tám buồn kể.

Sau gần nửa đời người bươn chải, chăm lo cho chồng con, giờ đây con bà đã lớn, gia đình bà Tám đã đỡ khổ hơn phần nào. Hiện nay bà đang sống nhờ nhà chị chồng cùng đứa con gái út, 2 người con còn lại đều đã có gia đình ở xa.

Doi dang sau ly ca cao cham banh mi nuc tieng Sai Gon
Bà Tám bên hàng ca cao

Bà trải lòng, bán buôn tuy nắng mưa cực nhọc vậy mà vui, vừa bán vừa kiếm thêm thu nhập, vừa được nói chuyện với nhiều người, ở cái tuổi này được như vậy thì còn gì bằng. Nhờ trời thương nên quán của bà lúc nào cũng có người ghé qua ủng hộ, có hôm bà bán được gần 200 ly.

Quán đông khách, một mình làm không xuể nên bà Tám phải nhờ người phụ bán. Mỗi đêm nhờ người phụ bán chừng 4 giờ đồng hồ, bà trả cho họ 200 ngàn đồng. Khi được hỏi sao bà trả cao thế khi thu nhập đôi khi cũng chẳng bao nhiêu, bà cười: “Cuộc đời mà, số mình đã khổ, mình cũng không giàu có hơn ai. Nên thôi kệ, mình làm được bao nhiêu mình cũng chia cho người ta sống với, trả công cho họ vậy tui thấy xứng đáng”.

Ngồi sau hàng ca cao, đôi mắt bà Tám nhìn xa xăm qua khu chung cư sắp bị giải tỏa “Bây giờ còn ở nơi này, tui còn buôn bán được vì mọi người đã quen. Sau này cái chung cư bị dẹp đi, tui cũng chẳng biết đi đâu mà kiếm sống để lo hết phần đời còn lại cho mình, cho chồng”, bà buồn bã nói.

Ở cái tuổi đã gần 70, lúc nào bà Tám cũng muốn tự đi trên đôi chân của mình mà không muốn nhờ vào con cái, chẳng muốn phiền đến ai.

Yến Vân – Nguyễn My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI