Người đàn ông có vẻ ngoài lịch lãm, lái chiếc xe sang trọng, ta huyễn hoặc người đó rất thành công…
Ngộ nhận
Trong tâm trí con người luôn tồn tại một “nghệ sĩ” có chuyên môn… “mông má”, giúp ta hình dung tổng thể, dù chỉ qua vài điểm nhấn. Tìm hiểu một người, chỉ vài điều ở họ, ta dễ dàng “chẩn đoán” theo cái “gu” của mình. Yêu thương hay ghét bỏ cũng từ đó mà ra. Cô bạn tôi, trong ngày ra mắt gia đình người yêu, tràn ngập ước muốn sớm trở thành thành viên trong nhà họ.
“Nhà đó, mọi người rất yêu thương và lo lắng cho nhau” - giọng bạn đầy ngưỡng mộ. Bạn kể lại câu chuyện mẹ Hoàng kể về anh: từng cho một đứa bạn ăn đòn vì tội dám trêu em gái, nhịn thèm nhường nước cam cho em… Hoàng phác họa chân dung của mẹ: “Sau này khấm khá, ngày nào mẹ cũng vắt cho anh ly nước cam to đùng”. Em gái Hoàng họa theo: “Mẹ thích ăn cá đồng, nhưng bọn em lại không. Để công bằng, hễ nấu cá, mẹ sẽ nấu thêm món gì đó hai anh em thích ăn”.
Chung sống ba năm, bạn quyết định nộp đơn ly hôn. “Còn ở nhà ấy ngày nào, mắt tôi như có gai ngày đó, chướng không chịu được”. Hành trình “chướng mắt” của bạn bắt đầu ngay ngày đầu. Hoàng đi làm về, đôi giày bỏ giữa nhà, mẹ anh cho vào tủ. Thấy ly nước cam trên bàn, Hoàng nốc cạn rồi… đặt ly lại đúng chỗ. Mẹ anh nguýt yêu: “Đưa đây mẹ rửa cho, kẻo kiến lên”. Cô em chồng xem phim, hỏi mẹ có gì trong tủ lạnh ăn được không, buồn miệng quá; bà mẹ lập tức chạy lại mở tủ lạnh, bưng ra tô xoài xanh xắt sẵn. Bạn bảo… choáng, thấy có gì sai sai.
Nhưng rồi cảm giác sai sai đó mau chóng được bạn tôi thể tất, khi nghe bà mẹ chồng phân bua: do các con đều đi làm, trong khi bà rất rảnh, chuyện nội trợ lâu nay bà bao hết. Bạn chậc lưỡi, tự trấn an, sự nhàn hạ của em chồng vốn chẳng liên can đến mình; còn Hoàng, bạn tin, thay đổi được.
Để thực hiện công cuộc “cải tạo” chồng, bạn nhờ anh nhặt rau, mẹ chồng gạt phăng: “Để nó nghỉ đi, mẹ làm cho”. Nhà có khách, đãi cơm, bạn nhờ cô em chồng giã ớt, cô ẽo uột đứng lên. Bạn đùa: “Học làm bếp đi, sắp cưới chồng đến nơi”, cô em nhấm nhẳng: “Chị nhắm làm được gì thì làm, không thì để mẹ lo. Khi nào mẹ nói muốn thuê người giúp việc, em sẽ tính”.
Tiệc xong, khách về, mẹ chồng rửa chén, bạn lau nhà, em chồng kêu có báo cáo phải làm, dặn: “Mẹ mệt thì để đó, chút nữa con hoặc chị dâu rửa cho”. Nói xong cô chạy tọt vào phòng. Bạn cố trói chặt những “chướng mắt” thêm nửa năm thì em chồng lấy chồng. Căn hộ hai phòng ngủ, thêm người thêm chật chội. Bà mẹ thương con, nhường phòng cho đôi trẻ, vây nửa phòng khách làm phòng riêng. Em chồng có bầu, sinh con. Hoàng động viên vợ: “Anh đang gom góp, sẽ phụ hai đứa nó ra riêng”. Bạn chẳng hẹp hòi chỗ ở. Nhưng, việc trong nhà nhiều hơn, ngoài bạn, mẹ chồng không… nỡ gọi ai phụ.
Bất chợt… tự hiểu mình
Bạn không còn muốn về nhà, nhiều lần thỏ thẻ chồng ra riêng, Hoàng tròn mắt: “Nhà này anh mua mà”. Bạn muốn sinh con, Hoàng khuyên lùi hai năm, chờ anh “cày”, giúp em gái thêm một khoản mua nhà. Bạn rớt nước mắt, ngồi xem những tấm ảnh gần gũi, đầy gắn bó, yêu thương của gia đình chồng thuở mình chưa về sống, bao nhiêu ngưỡng mộ, trân trọng của năm xưa nay thay bằng hụt hẫng. Bạn thấy mình thừa thãi, bất lực, tự trách bản thân đã ngộ nhận.
|
Ảnh minh họa |
Lao theo vị “nghệ sĩ” lạc quan, hôn nhân là bức tranh màu hồng vĩnh cửu, nhưng bạn tôi không lường được sự quẫy đạp khổ sở do chính mình giăng mắc trong nền nếp, sinh hoạt và những mối quan hệ đáng ngưỡng mộ nơi gia đình chồng. Kỳ thực, các thành viên trong nhà ấy đâu có lỗi. Họ đã sống, ứng xử như vốn thế. Chỉ là bạn tôi, thay vì tìm hiểu, nhìn ra những khác biệt để điều chỉnh, thích ứng, hay thậm chí chọn lựa từ đầu, đã huyễn hoặc mình, để rồi mang ấm ức.
Một anh bạn khác của tôi, thuở còn yêu nhau, luôn khoe người yêu hiền lành, an phận, ít mối quan hệ do không thích giao du. Người “nghệ sĩ” trong anh phóng bút vẽ lên cuộc hôn nhân yên ả: đi làm về mệt sẽ có cơm vợ chờ, ngôi nhà không nặng nề cãi vã, anh nói gì vợ cũng sẽ nghe theo… Mới sống hai năm, bạn ngoại tình, đổ lỗi cho vợ không có quan điểm, toàn mình phải tự quyết; muốn đàm đạo chuyện thế sự lại cảm giác như đang giảng bài cho vợ, riết rồi đâm chán.
Người ta vẫn vậy, chỉ mình không hiểu mình. Khi xảy ra chuyện, bao nhiêu thứ đổ hết cho người ta. Thời yêu nhau, mấy ai tự cầm gương, soi xem điều mình gặp ở họ, dù tốt đẹp, đáng thương quý, liệu có thực sự phù hợp với mình không. Tôi nhớ, có cô diễn viên, yêu điên cuồng một doanh nhân giàu có, bởi anh ga lăng, lịch thiệp với mọi người. Thế rồi sắp kết hôn, cô đột nhiên chạy trốn. Cô nói: “Tôi biết mình hay ghen. Điều đó sẽ giết cuộc hôn nhân của chúng tôi. Còn nếu tôi yêu cầu anh hạn chế sự ga lăng, lịch thiệp, anh hẳn không còn là người tôi si mê nữa”.
Tuyết Dân