Đời chạy thận: Tìm tình thương trong nghiệt ngã

21/06/2017 - 09:00

PNO - Bệnh thận, bao nhiêu tiền của cứ thế ra đi. Lòng người cũng chảy theo dòng bão lũ của viện phí. Họ bơ vơ giữa cuộc đời ai oán.

Không bạn bè, chưa bao giờ dám nghĩ về tương lai hay chuyện yêu đương; có lẽ cả cuộc đời họ chỉ biết một con đường từ nhà đến bệnh viện. Với họ, một hy vọng duy nhất là được lọc máu hàng tuần.

Từ bỏ ước mơ vì phải "làm bạn" với máy lọc thận 

Cầm trên tay bản kết luận “Suy thận giai đoạn cuối”, những con người mười tám, đôi mươi đang cháy hết mình với nhiệt huyết của tuổi trẻ, đã phải chôn vùi tuổi xuân, sống không biết ngày mai.

Doi chay than: Tim tinh thuong trong nghiet nga
Tuy tuổi còn trẻ nhưng có những bệnh nhân đã gắn liền với máy lọc hơn 10 năm trời.

Thứ 2, 4, 6 hàng tuần, vừa tan trường, em Nguyễn Thế Sơn (17 tuổi, nhà ở quận 1, TP.HCM) đang tuổi ăn tuổi lớn phải gác lại những cuộc vui chơi, những giờ học thêm với bạn bè, để cùng ba mình đến bệnh viện lọc máu. 

Cứ 4h30 chiều, Sơn có mặt ở khoa Thận Nhân tạo, cởi bỏ đồng phục học sinh, khoác lên người bộ đồ bệnh nhân suốt một năm nay. Sơn vốn là người khỏe mạnh, cao ráo, chưa bao giờ Sơn nghĩ có một ngày cuộc đời em phải gắn liền với máy lọc thận.

Hai năm trước, khi đang ngồi học, Sơn cảm thấy mệt, khó thở, người lả đi nên được mọi người đưa đi bệnh viện. Em biết mình suy thận. Lúc đó, Sơn không biết rằng căn bệnh này sẽ chôn chặt cả tương lai của mình. 

Doi chay than: Tim tinh thuong trong nghiet nga
Trong ba lô đồ đi học, ngoài tập sách, Sơn còn một ngăn để... đồng phục bệnh nhân.

Vì vậy, em vô tâm trước những chăm sóc, lo âu của mẹ. Thậm chí em đã quát tháo vì mẹ phiền phức khi cứ mỗi 15 phút bà lại gõ cửa phòng một lần để biết con trai đang ổn.

“Từ khi em bệnh, ba mẹ ít cười, ít nói hẳn. Năm lớp 9, em bị bệnh thận thì chỉ việc uống thuốc điều trị, em không nghĩ mình phải ôm máy lọc. Tuổi học trò cứ trôi qua vô nghĩa! Giờ em mới hiểu tại sao 2 năm qua, khi em vào phòng nghỉ ngơi thì bên ngoài mẹ lại khóc, ba lại ngồi trầm ngâm đến nửa khuya”, kể đến đây, mắt Sơn đỏ hoe.

Im lặng hồi lâu, Sơn thủ thỉ: “Trước đây em luôn kiên định mình sẽ học ngành kinh tế để trở thành doanh nhân. Giờ chỉ còn vài ngày nữa là thi đại học, em đăng ký nhưng chưa biết mình sẽ học gì. Thi đậu liệu còn đủ sức khỏe để học tiếp không? Em đăng ký vào ngành công nghệ thông tin, em nghĩ làm nghề này em chủ động được việc lọc thận”.

Doi chay than: Tim tinh thuong trong nghiet nga
Dòng máu nóng hổi, đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ cứ mãi quanh quẩn ra vào máy lọc, đốt đi cả tuổi thanh xuân của tuổi đôi mươi.
Doi chay than: Tim tinh thuong trong nghiet nga
Với người trẻ bị suy thận, tương lai được hoạch định thành những nốt chai sần của sẹo sau mỗi lần lọc thận.

24 tuổi, từ một cô gái trẻ trung, năng động, chị Phan Thị Mai (nhà ở tận Kiên Giang) bỗng ngã quỵ khi một lần bị ngất xỉu, tỉnh dậy với kết luận suy thận giai đoạn cuối, một tuần phải lọc máu 3 lần để duy trì sự sống. 

"Hãy thử tưởng tượng đang yên đang lành, bản thân luôn khỏe mạnh, đùng một cái án tử treo lơ lửng trên đầu ai không nản. Tôi nản đến mức cắt liên lạc hết với bạn bè, tránh né gia đình, tự cô lập mình suốt ba năm liền”, chị Mai nhớ lại.

Doi chay than: Tim tinh thuong trong nghiet nga
Vì suy thận giai đoạn cuối, chị Mai phải chia tay người yêu.

5 năm đau khổ, nhiều lần… chết hụt trên giường bệnh vì biến chứng của suy thận. Chị Mai mới tạm chấp nhận căn bệnh của mình. Chị tươi vui trở lại, đón nhận tất cả những nụ cười được tưới bằng nước mắt. 

Chia tay người yêu, bị gia đình chồng ruồng bỏ vì bệnh thận.

Chị Mai nói: “Sau 5 năm chạy thận, kết quả chụp X-quang cho thấy hai trái thận cũng không còn gì. Vài năm nữa thôi, tôi cũng như hai trái thận,sẽ tan biến nên... cứ vui vẻ trước đã, có ra sao thì ra”.

Sợ đồng nghiệp ở chỗ làm việc biết chuyện, dù nóng nực đến mức nào chị Mai cũng mặc áo dài tay, để che đi những nốt u sần chạy thận. 22h đêm, khi mọi người chuẩn bị đi ngủ, chị Mai lại âm thầm đến bệnh viện lọc thận.

Doi chay than: Tim tinh thuong trong nghiet nga
Chị Tâm 26 tuổi nhưng đã 16 mùa xuân phải nằm trong bệnh viện để chạy thận. Tâm không có bạn bè, chỉ biết mỗi con đường từ nhà đến bệnh viện.

Đi sớm về khuya nhưng chị không dám nghĩ đến việc lập gia đình, chị cứ thui thủi vì người mắc bệnh thận sống nay chết mai, chị không muốn làm ảnh hưởng đến người khác.

Có chồng chưa tròn tháng chị Trần Tố Quyên (23 tuổi, ngụ Long An) phát hiện mình bị suy thận giai đoạn cuối. Nghe chị bệnh thận, nhà chồng liền đuổi xua, cả vùng quê nghèo đều kỳ thị. Chị Quyên phải bỏ quê, xuống Sài Gòn nhặt ve chai sống qua ngày. 

Doi chay than: Tim tinh thuong trong nghiet nga
Tuổi xuân của người trẻ bị suy thận không chỉ có những lần đau đớn, mệt mỏi vì lọc máu muộn, mà còn cả nỗi day dứt vì trở thành gánh nặng của gia đình.

“Đau đớn nhất là sau 4 năm yêu đương rồi cưới hỏi, chồng tôi sợ căn bệnh này… lây cho anh ấy! Tôi điện thoại về, anh không bắt máy, anh chỉ nhắn lại gọn lỏn "ở thành phố đi đừng về". Anh ấy nói tại tôi mà anh ấy cũng phải bỏ đi biệt xứ. Giờ tôi cũng chẳng còn gì, chỉ lo không có tiền chạy thận nữa thì người lại đau nhức”, chị Quyên nói.

Bỏ đi ước mơ, tương lai và cả gia đình, người trẻ mắc bệnh thận cũng phải chiến đấu hằng ngày với bệnh tật và mưu sinh. Họ không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, không muốn mình trở thành người vô dụng. Vừa rút kim truyền, họ lại lao đi kiếm tiền cho đợt chạy thận sau. 

Doi chay than: Tim tinh thuong trong nghiet nga
Huỳnh Tấn Mạnh (21 tuổi, quê Long An) cũng phải gác lại ước mơ trở thành thầy giáo vì bị suy thận mạn tính khi vừa bước vào lớp 12.

“Giờ tương lai, sắc đẹp không quan trọng, tôi chỉ mong mình còn sức khỏe để đi làm kiếm tiền sống qua ngày. Bệnh này có khi ngày mai đã chết, nhưng cũng có người cứ sống lay lất hết ngày này qua ngày khác.

Bệnh thận cứ lạnh lùng đẩy con người từ biến cố này đến những ray rứt khác. Ray rứt nhất là gần 10 năm nay, khi đến  ngày Tết, ngày giỗ cũng phải xa gia đình”, anh Đinh Mạnh Trí (32 tuổi, quê Tiền Giang) ngậm ngùi.

Hiện tại, khoa Thận Nhân tạo của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM điều trị ngoại trú và lọc máu cho 420 bệnh nhân bị suy thận mạn tính thì có hơn 100 người có độ tuổi rất trẻ, từ 16 đến 35 tuổi.

Trong đó có những bệnh nhân chạy thận đã hơn 10 năm, không có bạn bè, chưa bao giờ dám nghĩ về tương lai hay chuyện yêu đương. Thậm chí, cuộc đời họ chỉ biết một con đường duy nhất là từ nhà đến bệnh viện, một hy vọng duy nhất là được lọc máu hàng tuần.

Trong thời khóa biểu hàng ngày, họ phải đánh dấu thêm một dòng ghi chú “Ngày lọc máu”. Cứ mỗi tuần, họ phải dành 3 ngày để nghe âm hưởng tít… tít… tít đầy day dứt từ máy lọc thận. Âm thanh này sẽ đi theo họ đến cuối đời.

Bệnh thận không khiến con người ta chết ngay, mà nó đốt đi hy vọng về tương lai, đốt đi hạnh phúc gia đình, đốt đi cả tuổi thanh xuân của người bệnh, khiến họ trở thành một cái bóng, sống vật vờ giữa dòng chảy thời gian.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI