Đôi cánh thiên thần

30/10/2018 - 20:30

PNO - Anh im lặng lau nước mắt cho chị, gương mặt anh ẩn chứa nỗi buồn nhưng anh không hứa hẹn bất cứ điều gì.

Chị mất đôi chân của mình năm bảy tuổi, trong một tai nạn tàu hỏa. Lần ấy, mẹ đưa chị ra Bắc dự đám cưới một người bà con. Khi trở về, tàu thắng gấp tránh một chiếc xe máy đột ngột băng qua đường ray nên bị lật ngang đúng toa chị ngồi. Mẹ chỉ bị xây xát nhẹ nhưng đôi chân của chị thì mãi mãi nằm lại miền đất xa lạ ấy. “Chúng tôi buộc lòng phải cưa chân để cứu tính mạng cháu”, bác sĩ bảo vậy. Mẹ chị ngất bên ngoài cánh cửa phòng cấp cứu khi chị vẫn đang mê man và không hề biết rằng chuỗi ngày chạy nhảy chân sáo đã vĩnh viễn biến mất.

Doi canh thien than
Ảnh minh họa.

Năm 18 tuổi, chị gặp anh. Anh là bạn của một người hàng xóm gần nhà chị. Cả cuộc đời chị chỉ quanh quẩn ở trường học và ở nhà. Lần đầu tiếp xúc với ánh mắt như thôi miên của đàn ông, chị giật mình như bị ai bắt quả tang ăn trộm, bụng cứ thon thót, mồ hôi rịn ướt cả lưng áo, tim đập thình thịch, run rẩy mãi không thôi. Chị vội lăn xe vào nhà để tránh cái nhìn bỏng rát như thiêu đốt của anh.

Tối đó, chị nhốt mình trong phòng và tự ngắm mình trong gương. Tóc chị dài, làn da trắng trẻo, khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt to đen láy. Dáng chị mảnh mai, cũng thắt đáy lưng ong; nếu không vướng chiếc xe lăn, chắc chị sẽ đẹp lắm. Chị nhìn hai ống quần lòng thòng, chỏng chơ của mình, nước mắt cứ chực trào ra, ước chi chân mình lành lặn như người ta.

Ấy vậy mà anh quyết không bỏ cuộc. Anh kiên trì theo đuổi, dù chị cố tình xa lánh vì mặc cảm, dù nhà chị không nói nhưng ngầm nghi ngờ anh đến với chị vì của nả. Ba mẹ chị là chủ một cơ sở chuyên cung cấp dịch vụ nấu tiệc cưới nổi tiếng ở Sài Gòn, nhà ba tầng, rộng lớn, đến hàng trăm nhân viên, phần lớn là bà con, họ hàng, người quen…

Ai nhìn vào nhà chị cũng thấy đập vào mắt là cả khối gia sản đồ sộ, trong khi chị là cô con gái duy nhất, dưới chị chỉ còn một em trai. Anh dân nhà nghèo, tỉnh lẻ, là quản đốc ở một nhà máy nhưng lương ba cọc ba đồng, ở nhà thuê. Họ bảo anh cố chịu đấm ăn xôi, âm mưu cưới cô vợ tàn tật để hưởng gia tài nhà vợ. Miệng lưỡi người đời ác ý khiến chị không dám đón nhận tình cảm của anh. Chị sợ họ nói đúng. Mà đời chị đã khổ rồi, chất chồng thêm đau khổ đường tình, chị e không đủ sức. 

Nhưng ba chị lại nghĩ khác. Ông bảo: “Hôn nhân kiểu gì cũng năm ăn năm thua con à! Có gia tài hay không, có lành lặn, xinh đẹp hay không, cũng không chắc là con sẽ hạnh phúc. Nếu con thích nó và thấy tin được nó thì cứ tiến tới, ba không phản đối. Người đời nói thì sướng miệng họ, chứ khi mình khổ, có ai khổ chung được với mình đâu. Nên khi con cảm thấy hạnh phúc thì đừng để họ làm con bận lòng, nghe con!”.

Nghe ba nói, trong đầu chị hiện lên hình ảnh ngày anh cầm ô che cho chị khỏi cơn mưa suốt cả quãng đường dài, từ chỗ chị học may về đến tận nhà, chỉ vì chị sợ người ta dị nghị mà nhất quyết không chịu lên xe cho anh chở. Chị tự lăn xe về mà không chờ chú đến đón, cốt chỉ để tránh mặt anh. Anh năn nỉ chị không được nên gửi xe gần đó rồi cứ thế cầm ô đi theo chị, người ướt sũng. “Hẳn là anh lạnh lắm” - đêm đó chị trằn trọc mãi không ngủ được vì cứ thầm trách bản thân. Sau hôm đó, anh không đến tận nơi đón chị nữa mà chỉ đậu xe từ xa để nhìn chị. Chị cũng không biết là chị ác với anh hay ác với chính mình.

Mà hình như tình cảm bấy lâu nay nào chỉ đến từ phía anh.

Năm chị 20 tuổi, anh đến nhà hỏi cưới. Ba chị đồng ý với điều kiện anh phải ở rể và phụ ông chăm sóc việc kinh doanh của gia đình. Ai cũng tưởng anh gật đầu đồng ý cái rụp nhưng anh lại im lặng hồi lâu. Chị ngồi nhìn anh mà sốt ruột, tưởng chừng mấy phút đó dài như cả thế kỷ. Anh xin ba chị cho anh một tuần suy nghĩ. Chị ngỡ ngàng nhìn anh rồi bật khóc như mưa.

Anh im lặng lau nước mắt cho chị, gương mặt anh ẩn chứa nỗi buồn nhưng anh không hứa hẹn bất cứ điều gì. Một tuần dài đằng đẵng, chị bỏ ăn bỏ ngủ, người gầy rộc. Sau cùng, đến ngày hẹn, anh cũng đến, bảo với ba chị anh đồng ý và xin phép được cưới chị. Người đời lại có dịp bĩu môi: “Thấy chưa? Nó chỉ đóng kịch giả bộ cao sang thôi, chứ trước sau gì chả đồng ý. Chuột sa hũ nếp mà…”. Như bao lần, anh im lặng, xem như không biết gì.

Đêm tân hôn, chị thì thầm hỏi: “Sao anh thương em?”. Anh vuốt tóc chị: “Vì nhìn em như thiên thần, ngây thơ và hiền khô. Em chỉ thiếu mỗi đôi cánh nữa là thành thiên thần”. Chị cụp mắt: “Em thiếu đôi chân”. “Thiên thần thì cần chân làm gì. Không phải em thiếu mà là không cần thiết”. Nước mắt chị ứa ra, anh ôm chặt chị vào lòng, cảm nhận được những nức nở trong lòng chị.

***

Anh giữ đúng lời hứa với ba chị, nghỉ việc ở nhà máy, về ở rể và phụ ông việc kinh doanh. Anh đi theo ông học từ chuyện nhỏ nhất như đi chợ chọn nguyên liệu, lên thực đơn… đến chuyện lớn hơn như tiếp khách, sắp xếp lịch nấu, sắp xếp nhân công, tìm những công thức nấu ăn mới… Anh chăm chỉ, chịu thương chịu khó, lại học việc rất nhanh nên ba chị vô cùng hài lòng. Sau hai năm, ba chị tin tưởng giao hẳn cho anh quản lý cơ ngơi của mình. Ông hay bảo anh nhìn xa trông rộng, chắc chắn sẽ làm tốt hơn cả ông. 

Nhưng cũng từ đó, chuyện va chạm khó lòng tránh khỏi đã xảy ra. Phần lớn người nấu tiệc là bà con, họ hàng, từ bếp chính, bếp phụ cho đến phục vụ bàn, nên đã quen với cách làm việc cả nể, xuề xòa, vô kỷ luật. Anh thì khác, việc gì ra việc đó, bất kể người thân hay xa lạ. Anh lại thẳng tính nên làm mất lòng nhiều người. Nhân viên than phiền anh khó chịu, bảo anh chảnh chọe, rồi nói xiên nói xéo anh sống bám nhà vợ. Anh luôn im lặng, không bao giờ giải thích hay bào chữa bất cứ điều gì. Ba chị hiểu hết những uất ức mà anh phải chịu nhưng vì cả nể người thân, ông chỉ biết thở dài.

Rồi cũng đến lúc căng thẳng tột độ khi anh quyết định cho vài người nghỉ vì làm việc chểnh mảng, trong đó có ông chú vẫn hay đưa đón chị trước kia. Ba chị đứng giữa, lúng túng không biết làm sao. Chị khi ấy đang có thai, chỉ ở nhà làm thợ may quanh năm suốt tháng, không hiểu gì về việc kinh doanh của gia đình nhưng nhất nhất đứng về phía chồng. Sau vài tuần căng thẳng, những người họ hàng ấy cũng khăn gói rời đi. Mẹ chị giận anh, không thèm nói chuyện một thời gian. Ba chị dấm dúi cho họ khá nhiều tiền, luôn miệng xin lỗi. Ngày họ đi chẳng hiểu sao trời mưa tầm tã, họ nhìn vợ chồng chị với ánh mắt đầy oán hận. Ông chú độc mồm độc miệng rủa sả đứa con trong bụng chị. Anh giận tím mặt, tay vo lại thành nắm đấm nhưng không nói gì. Tay chị nắm chặt áo chồng, mím môi, nhất quyết không khóc.

Cứ thêm mấy đợt tiễn người đi như thế, cơ sở kinh doanh của nhà chị nhỏ dần, nhỏ dần nhưng lượng khách lại tăng lên, lợi nhuận cũng tăng vì chi phí được cắt giảm đáng kể. Ba chị hài lòng, mẹ chị cũng hiểu lòng con rể, không còn giận anh nữa. Khi con chị được mười tuổi, việc kinh doanh chững lại, nghề nấu tiệc cưới không còn thịnh như xưa. Sau nhiều bàn bạc, đắn đo, anh và ba chị quyết định giải thể, gom hết tiền dành dụm mua đất xây nhà trọ cho công nhân. Số tiền còn dư, anh mua một chiếc xe du lịch để kiếm thêm.

Mọi chuyện được anh tính toán vén khéo, gọn gàng. Em trai chị được lo học hành đến nơi đến chốn, dựng vợ gả chồng. Ngoài những lời trách móc bạc tình bạc nghĩa của họ hàng, cuộc sống của gia đình chị khá viên mãn. Ba mẹ chị đôi lúc cũng chạnh lòng khi nghĩ đến những người họ hàng năm xưa ra đi trong oán thán, nhưng anh bảo: “Ba mẹ cưu mang họ bao nhiêu năm rồi, khi sướng họ hưởng, khi mình không gồng gánh được nữa thì họ quay sang trách móc, chửi rủa. Ai cũng lớn cả rồi, phải tự lo cho cuộc sống của mình thôi ba à!”. Ba chị gật gù, nhìn chị mỉm cười như thầm khen chị khéo chọn chồng. Chị nhìn anh đầy tự hào, thầm nghĩ cuộc đời mình còn mong gì hơn thế nữa.

***

Nhưng rồi chị đau đớn nhận ra ông trời vẫn chưa thôi trêu ngươi mình. Năm chị 40 tuổi, anh phát hiện bị ung thư vòm họng. Cả gia đình chị suy sụp. Chỉ có anh vẫn vậy, bình thản như bao năm qua. Anh không cho chị vào thăm vì chị không thể đi như người bình thường. Đến khi chị khóc mãi không thôi, anh đành đồng ý cho chị vào.

Chị tự oán trách mình không còn đôi chân lành lặn để chăm sóc anh. Anh chỉ nhẹ nhàng nói: “Anh đã nói bao nhiêu năm qua rồi, em thật sự chỉ thiếu mỗi đôi cánh thôi”. Chị nhìn anh, nghẹn giọng: “Vậy nên anh mới nhìn thấy em vào 20 năm trước ở hiên nhà em phải không? Để anh làm đôi cánh cho em, phải không anh?”. Lần này, trên giường bệnh, đến lượt anh khóc. 

Anh mất năm năm sau đó, sau những năm tháng dài kiên trì chiến đấu với căn bệnh quái ác. Chị ngã bệnh cả tháng trời. Suốt khoảng thời gian ấy, ngày nào chị cũng rơi nước mắt và thầm ước tất cả chỉ là một cơn ác mộng thật dài; rằng khi tỉnh giấc, hạnh phúc lại về dưới mái nhà của họ. Con trai chị giờ thay ba chăm sóc mẹ. Thằng bé đi học thì thôi, về nhà lại quanh quẩn bên mẹ, tự tay nấu cho mẹ ăn, gội đầu, chải tóc. Tối tối, nó thay cha đẩy xe lăn cho chị đi dạo quanh khu nhà, kể cho chị nghe chuyện trường chuyện lớp, bàn chuyện thời sự nó xem trên ti vi. Nhờ có con trai, chị dần nguôi ngoai nỗi nhớ anh và cả nỗi cô độc chực chờ ập đến vì tuổi già. Chị cười nhiều hơn, nói nhiều hơn, dù đêm đêm, chị vẫn phải ôm theo chiếc áo của anh để dỗ dành giấc ngủ.

Hai năm sau, con trai chị ra trường, đi làm. Nó vẫn vậy, chăm sóc chị từng li từng tí, cuối tuần thì lái xe chở mẹ và ông bà ra biển hoặc ngoại ô chơi. Càng lớn, nó càng giống anh như tạc, từ gương mặt đen sạm rắn rỏi, đến cái tính ít nói, chỉ lầm lũi mà làm. Ba chị hay bảo anh đi rồi mà hình bóng anh cứ như vận vào nó. Nhìn nó, mọi người cũng nguôi nỗi đau mất anh phần nào.

Một ngày, nó dẫn về một cô gái trẻ, bảo với chị: “Bạn gái con đây mẹ”. Con bé cúi đầu bẽn lẽn, nụ cười xinh như hoa. Tối đó, chị hỏi con: “Con mê Thủy tại nụ cười phải không?”. Con trai chị cười hiền: “Không phải, tại khi còn nhìn cô ấy, con thấy cô ấy chỉ thiếu mỗi đôi cánh thôi, không thiếu gì khác, như ba ngày xưa nhìn mẹ vậy mà”. Chị bật cười.

Năm 52 tuổi, chị trở thành mẹ chồng của người ta. Một ngày, Thủy ngồi chải tóc cho chị trước hiên nhà, chị buột miệng hỏi: “Con xinh đẹp vậy, chắc nhiều người theo lắm. Sao con chịu thằng Tùng vậy?”. Thủy cười: “Tại ảnh tỏ tình ngộ lắm mẹ. Ảnh hẹn con đi uống nước rồi mang ra một quyển sổ, ghi chi chít chữ. Ảnh bảo ba ảnh mất rồi, trước khi mất ba đưa ảnh quyển sổ này, ghi lại thói quen, sở thích của mẹ, mẹ hay bệnh vặt gì… và dặn ảnh chăm sóc mẹ đàng hoàng. Ảnh nói ảnh không có gì hơn người, cũng không giàu có nhưng ảnh sẽ yêu thương con cho đến hết cuộc đời, như cách mà ba ảnh đã thương mẹ. Con cảm động bật khóc và cảm thấy đây chính là người đàn ông của đời mình”. 

Và giờ thì đến lượt chị khóc. Đôi cánh của chị bay đi đâu mà mãi chẳng chịu về?

Cao Bảo Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI