Đội bóng đá nữ Afghanistan đã được tị nạn ở Bồ Đào Nha

22/09/2021 - 15:47

PNO - Vài tuần qua, các nữ cầu thủ trong đội tuyển bóng đá quốc gia Afghanistan rất lo lắng. Họ đã di chuyển khắp đất nước – từ nhà an toàn này đến nhà an toàn khác - để chờ đợi ngày được phép xuất cảnh. Cuối cùng tin lành đã đến – cả đội bóng đã được Bồ Đào Nha cấp quy chế tị nạn.

Các thành viên đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Afghanistan chụp ảnh lưu niệm ngày 21/9/2021 tại Lisbon, Bồ Đào Nha - Ảnh: AP
Các thành viên đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Afghanistan chụp ảnh lưu niệm ngày 21/9/2021 tại Lisbon, Bồ Đào Nha - Ảnh: AP

Đêm muộn Chủ nhật (19/9), gần ba tuần sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, các cô gái trong đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Afghanistan và gia đình của họ đã hạ cánh an toàn xuống Lisbon sau khi được một liên minh quốc tế giải cứu.

Thông điệp của họ đến vào rạng sáng Chủ nhật: Một chuyến bay thuê bao sẽ chuyên chở các cô gái và gia đình của họ từ Afghanistan đến một nơi họ chưa biết. Những chiếc xe buýt đã chờ sẵn để chở họ ra sân bay.

Farkhunda Muhtaj, đội trưởng đội tuyển nữ bóng đá quốc gia Afghanistan, từ nơi định cư ở Canada suốt mấy tuần trước đó đã liên lạc với các cô gái trong đội và sắp xếp các công việc giải cứu đội tuyển. Cô nói với phóng viên AP: “Họ rời nhà mình và bỏ lại phía sau tất cả, nhiều người chưa kịp hiểu họ sẽ đi khỏi Afghanistan".

Sau khi khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, các cô gái mới 14-16 tuổi và gia đình của họ, đã cố gắng chạy trốn khỏi đất nước vì lo sợ cho cuộc sống tương lai của mình dưới thời Taliban - không chỉ vì phụ nữ và trẻ em gái bị cấm chơi thể thao, mà vì các cô gái trong đội tuyển là những người vận động đòi quyền cho trẻ em gái và là thành viên tích cực trong cộng đồng của mình.

Đêm muộn Chủ nhật, chiếc máy bay chở họ hạ cánh xuống sân bay Lisbon, Bồ Đào Nha.

Trả lời phỏng vấn với AP trong tuần này, Muhtaj, các thành viên của đội bóng, một số thành viên gia đình của họ và nhân viên liên đoàn bóng đá, đã nói về những ngày cuối cùng của họ ở Afghanistan và nỗ lực quốc tế để giải cứu họ, cũng như thực hiện lời hứa về tự do của các cô gái.

Nic McKinley, một cựu sĩ quan không quân Mỹ, từng là nhân viên CIA, cho biết, sứ mệnh giải cứu - được gọi là “Chiến dịch những trái bóng” - được phối hợp với Taliban thông qua một liên minh quốc tế gồm các cựu quan chức quân đội và tình báo Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Chris Coons, các nước đồng minh của Mỹ và các nhóm cứu trợ nhân đạo. Họ đã thành lập DeliverFund, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Dallas (Mỹ), để đảm bảo nơi ăn ở cho 50 gia đình Afghanistan thuộc đội bóng.

“Tất cả công việc được tiến hành hết sức mau lẹ, vì thời gian là một điều kiện cốt tử”, McKinley nói.

“Chiến dịch những trái bóng” đã gặp trở ngại khi một số nỗ lực giải cứu thất bại và một vụ đánh bom liều chết do các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS), đối thủ của Taliban, thực hiện tại sân bay Kabul khiến 169 người Afghanistan và 13 quân nhân Hoa Kỳ thiệt mạng. Vụ đánh bom xảy ra khi đang diễn ra chiến dịch không vận nhiều trắc trở và quân đội Mỹ thừa nhận rằng họ đang phối hợp với Taliban ở một mức độ nào đó.

Một khó khăn đáng kể là nhóm được giải cứu khá đông, tổng cộng 80 người, bao gồm 26 thành viên đội bóng cùng thân nhân, cả người lớn và trẻ em, trong đó có cả trẻ sơ sinh.

Robert McCreary, cựu Chánh văn phòng Quốc hội Mỹ và là quan chức Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush, người đã làm việc với các lực lượng đặc nhiệm ở Afghanistan và đi đầu trong nỗ lực giải cứu đội bóng đá nữ quốc gia, cho biết Bồ Đào Nha đã cấp phép tị nạn cho các cô gái trong đội bóng và gia đình của họ.

Ông McCreary nói: “Thế giới đã bắt tay với nhau để giúp đỡ các cô gái và gia đình của họ. Các cô gái này thực sự là biểu tượng của ánh sáng đối với thế giới và nhân loại”.

Taliban đã cố gắng thể hiện một hình ảnh mới, họ hứa hẹn ân xá cho các đối thủ cũ và nói rằng sẽ thành lập một chính phủ nhiều thành phần. Nhưng tuần này, Taliban đã thành lập Bộ “Tuyên truyền đạo đức và ngăn ngừa tội ác” trong tòa nhà từng là trụ sở của Bộ Phụ nữ trước kia, một dấu hiệu mới nhất cho thấy Taliban đang xóa bỏ quyền của phụ nữ.

Khi các cô gái di chuyển từ nhà an toàn này đến nhà an toàn khác, Muhtaj, cũng là một giáo viên, cho biết cô đã giúp họ bình tĩnh thông qua các buổi tập thể dục trực tuyến và yoga, và bằng cách giao cho họ bài tập về nhà, bao gồm cả viết tự truyện. “Trạng thái tinh thần của họ đang xấu đi, nhiều người thấy nhớ nhà, nhớ bạn bè ở Kabul, nhưng chúng tôi đã vực dậy tinh thần của họ”, Muhtaj nói.

Một số cô gái đã trả lời AP thông qua một thông dịch viên. Họ cho biết họ muốn tiếp tục chơi bóng đá, điều họ không thực hiện được khi chạy trốn, và hy vọng được gặp siêu sao bóng đá Cristiano Ronaldo, một người gốc Bồ Đào Nha là tiền đạo của đội Manchester United.

Thanh Hải (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI