Xuân về trên "ốc đảo"
Trước hôm khánh thành chiếc cầu Bà Tiễn (xã Phong Phú, H. Bình Chánh, TP.HCM), lão nông dân Nguyễn Văn Trang ở cuối ấp 1 gọi điện rủ rê: “Tết này về chơi đi, cầu đường giờ ngon quá xá rồi. Nay hết mang tiếng là dân ốc đảo rồi
đó nghen”.
|
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cùng đoàn cán bộ Hội khánh thành cầu Bà Tiễn - Ảnh: Khánh Thủy |
Ngày cuối tháng Chạp, nhận lời ông Trang, chúng tôi trở về thăm nơi từng mang danh “ốc đảo”. Từng bước chân sải đều trên con đường được rải đá phẳng phiu, nối liền từ đường Ông Niệm vô chân cầu Bà Tiễn. Cũng có những khúc quanh mà hồi trước người đi như rón rén vì sợ té ùm xuống kênh. Tôi chợt nhớ lời của ông Trang hồi năm trước: “Người lớn đi còn hú hồn thì nói chi sắp nhỏ. Ngày nào không huỡn để đưa con cháu tới trường, ai nấy trong xóm cứ lo canh cánh”.
Bước chân đi, chúng tôi ai nấy đều khấp khởi mừng, bởi biết rõ ông Trang, anh Ba, chị Tám và hơn 60 hộ nông dân đang sống bên kia chiếc cầu Bà Tiễn không còn phải phập phồng nỗi lo từng ngày khi người thân có việc phải qua chiếc cầu liêu xiêu như trước nữa.
Chúng tôi ghé thăm chị Lê Thị Thu Hồng lúc chị đang thoăn thoắt tưới liếp cây hoa màu với nụ cười thiệt tươi như luống khổ qua xanh mơn mởn đang hồi rộ bông, đơm trái. Giờ chị Hồng không còn canh cánh âu lo khi nhắc về chuyện đi lại làm ăn của chồng, chuyện đi học của hai đứa con như cách đây một năm về trước nữa.
Chị tưới cho các chậu hoa chờ đón tết ở góc sân nhà, tay làm miệng kể: “Cha tôi là ông Bảy Quang, một trong những nông dân đầu tiên về lập nghiệp xứ này. Hồi nhỏ, tôi với bạn bè trong xóm toàn lội mương, chèo xuồng đi học. Năm ngày thì hết ba ngày tới lớp bị ướt nhẹp, nên học hành ì ạch chưa hết cấp II. Nhớ hồi đám cưới của tôi, dù nhà chồng ở đầu cầu Bà Tiễn, nhà tôi ở cạnh chân cầu Bảy Quang mà phải dùng ghe đón dâu.
|
Chị Lê Thị Thu Hồng bên khóm ớt xanh um, đầy trái |
Bây giờ, cuộc sống đỡ hơn, chỉ thương tụi nhỏ nếu bỏ học sớm như tụi tôi thì sau này biết sống bằng gì. Cha mẹ phải làm đồng, làm cá, đâu có theo con suốt được. Từ lúc cầu Bà Tiễn làm lại, nối thẳng ra mặt lộ, tụi tôi thiệt là đỡ khổ, không phải canh giờ đưa đón tụi nhỏ từ đầu cầu này sang bờ đất kia”.
Vừa đặt chân vào vườn nhà bà Sáu Tiễn, tên thật là bà Nguyễn Thị Mãnh, người được đặt tên cho chiếc cầu do có ngôi nhà nằm sát cây cầu, một ngọn gió mát rượi lùa ngang. Chị Bùi Thị Kiều, con gái bà Tiễn, nói: “Gió mang hơi tết có khác nha”. Nói rồi, chị chỉ tôi những chùm xoài xanh mướt, mập ú, lúc lỉu trên cây, khoe: “Xưa má tôi trồng đó! Tết này, có trái xoài chưng mâm ngũ quả, còn chia được cho bà con lối xóm”. Nói rồi, chị Kiều lấy cám rắc ra sân, đàn gà tới cữ ăn trưa túa về. Năm nay, đàn gà nhà chị Kiều nhiều hơn 100 con so với trước.
Nhắm mắt cũng mường tượng ra cái cảnh tết yên ấm sẽ về nơi đây. Không chỉ nhà chị Kiều, các hộ trong tổ 18, ấp 1, nơi từng cách trở giao thông trước đây, đã tự tin hơn khi xuống giống cho các loại hoa màu, cây trái đón đầu vụ tết. Nhà ông Trang tăng lượng cá giống, nhà chị Ba Phép canh tác thêm một công ruộng bồn bồn. Hộ nào cũng “mạnh tay” hơn cho mùa vụ cuối năm với niềm tin cái tết Nguyên đán này sẽ ấm yên, sung túc.
Họ tự tin như vậy bởi chiếc cầu Bà Tiễn đã được xây mới khang trang, là công trình của Hội LHPN TP.HCM vận động hội viên và nhà hảo tâm cùng chung tay xây dựng. Ngày 22/11/2017, chiếc cầu mới đã nối hai bờ với cung đường rộng rãi.
|
Chị Trương Thị Tám, cư dân ở bên kia cầu Bà Tiễn, chuẩn bị chở bồn bồn đi bán - Ảnh: Nghi Anh |
“Hồi trước, nuôi trồng, chăm bón cây rồi cứ nơm nớp lo khâu vận chuyển, sợ dập hư, sợ qua trễ phiên chợ tết. Giờ thì xe chạy một lèo, mình tự mang đi bán tận nơi. Nhà vườn nào không có điều kiện thì thương lái vô tận nơi thu mua, không bị ép giá vì vận chuyện khó khăn như trước. Thu nhập có nhỉnh hơn nên đời sống cũng dễ thở hơn. Bà con ở đây mừng lắm” - chị Kiều phấn khởi.
Khi "Ngã Tắc" cũng thông
Chỉ hai ngày sau khi cầu Bà Tiễn tại TP.HCM được đưa vào sử dụng thì ngày 24/11/2017, ở một xóm heo hút trên quê hương Đồng khởi, đông đảo bà con cũng tưng bừng không kém với cây cầu vừa được khánh thành: cầu Ngã Tắc (ấp Hòa Lợi, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre).
Kinh phí xây dựng chiếc cầu này chính là từ tấm lòng thơm thảo của tập thể cán bộ, hội viên Hội LHPN quận Tân Phú (TP.HCM) trao gửi đến vùng đất quê hương của Phó chủ tịch hội đồng nhà nước Nguyễn Thị Định, nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam những năm 1980.
Hòa Lợi, nơi “đóng đô” của đội lân nữ tóc dài đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam, trước đây gọi là ấp 6, nằm ven sông Giồng Trôm, lô nhô trên 600 nóc nhà tôn, lá đan xen, với hơn 1.600 nhân khẩu, phần lớn là làm ruộng, trồng vườn, chăn nuôi nhỏ lẻ, hoặc hái rau, bắt ốc, kiếm cơm qua ngày.
|
Lễ bàn giao cầu Ngã Tắc - Ảnh: Quang Thư |
Con đường chính duy nhất của ấp… ốm nhách, rộng chưa đủ thước, tỏa ra các ngã rẽ “nhỏ như xương cá đồng” để vào nhà dân, lại thường xuyên lầy lội. Khi con nước “ba mươi” giáp tháng về thì đường ngập trắng trời mây. Nhà nhà, người người cùng nhau bì bõm. Người già có bệnh tật thì người thân chỉ còn biết khiêng cáng, chống xuồng đưa ra lộ lớn.
Bà con cũng đã bao bận cùng góp công, góp sức để tu bổ, nhưng rồi cứ sau một mùa mưa thì đâu lại vào đó. Về sau, khi Nhà nước và nhân dân cùng làm, con đường đất được tráng bê tông phẳng phiu, nhưng chỉ được hai đầu, còn khúc giữa có con sông Ngã Tắc chảy qua thì… bị tắc do thiếu kinh phí. Chiếc cầu cũ rộng chưa đủ sải tay, thiếu luôn cả lan can an toàn trong tình trạng... chờ sập.
Trong một chuyến “về nguồn”, chị em ở Hội LHPN quận Tân Phú biết được thông tin, rồi cùng nhau bàn bạc. Thế là, trong các cấp Hội LHPN quận Tân Phú, phong trào “mỗi hội viên góp một viên gạch” được triển khai, một số nhà hảo tâm cũng tự nguyện đồng hành. Ngày khởi công xây cầu Ngã Tắc, gió lồng lộng thổi, trẻ em trong xóm rủ nhau ra coi, tiếng nô đùa vang dội cả bến sông.
Chiếc cầu dài bắc qua sông Ngã Tắc, cờ phướn đủ sắc màu treo dọc lan can no gió kêu phần phật. Tải trọng chiếc cầu mới dư sức cõng chiếc ô tô bảy chỗ chạy qua. Buổi sớm ngày chiếc cầu đón những bước chân đầu tiên, người già, trẻ nhỏ ra xem rất đông.
|
Chị Bùi Thị Kiều khoe những nhánh xoài lúc lỉu trái |
Bao năm rồi đò giang cách trở, lưu thông nông sản chậm trễ, cuộc sống muôn vàn khó khăn, làm sao dám mơ ước tới chuyện làm kinh tế giỏi, làm giàu? Bà con vẫn chùn chân khi bước ra với “ánh sáng văn minh”, tiếp cận y tế; đời sống văn hóa gặp trở ngại, đường học hành của trẻ thơ cũng lắm thiệt thòi...
Nhưng giờ thì mọi sự đang đổi khác. Hồi sáng qua, khi chúng tôi gọi điện hỏi thăm, lão nông Ngô Văn Sáu - Bí thư chi bộ ấp Hòa Lợi - hồ hởi: “Có chuyện này hay lắm, bây biết hông, hồi trời còn chưa rạng, con Út Đẹt cuối ấp trở dạ. Như mọi lần là bà con luýnh qua luýnh quýnh, có vụ còn để đẻ rớt nữa. Nay nhờ cây cầu mới, chồng nó máng giỏ xách, bốc nó lên xe, chở chạy thẳng cái rẹt ra bệnh viện ngon lành. Mới nghe báo về là mẹ tròn con vuông rồi”.
Cũng mang tâm trạng mừng vui như mọi người dân ở vùng giao thông cách trở suốt bao nhiêu năm qua, ông Sáu nói thêm: “Chiếc cầu mang lại nhiều lợi ích lớn lao hơn, chứ đâu chỉ thuận tiện cho chuyện mua bán, làm ăn. Cái mừng nhất là con cháu dễ dàng đi học, đi làm. Rồi thế hệ kế tiếp lớn lên sẽ có điều kiện tiếp xúc với mọi nơi để mở mang hiểu biết, chứ không bị bó rọ ở cái vùng nhỏ bé như xưa”.
Kể thêm vài chuyện vui như năm nay quýt trúng mùa, bưởi da xanh đang hồi dưỡng trái, ông Sáu lật đật bảo còn đi ướp mớ còng rồi sửa đóng đáy đón luồng tôm cá nước bạc về. “Phải chuẩn bị để tết này có đặc sản mắm còng trộn khóm, tép rang dừa đãi đằng cháu con dìa chơi” - tiếng cười ông sáu rổn rảng trong loa điện thoại.
Và giờ đây, chiếc cầu nối liền cung đường đã góp phần mở rộng cơ hội phát triển, tạo diện mạo mới cho một vùng quê. Từ trên cao nhìn xuống Hòa Lợi, con đường giao thông nông thôn xuyên ấp như dải lụa màu sáng bạc, chiếc cầu Ngã Tắc còn mới màu sơn nổi giữa như một bông hoa trong mơn man gió lộng xứ dừa.
Nối duyên đôi bờ
Vùng đồng bằng Tây Nam bộ chằng chịt kênh rạch, sông ngòi. Mỗi chiếc cầu nông thôn được xây, mỗi con đường được nối là có thêm một niềm vui, thêm cơ hội, tiếp thêm điều kiện để người dân nghèo làm lụng vươn lên.
Mới mùa xuân năm trước, ở vùng gần cuối đất tỉnh Bạc Liêu, chiếc cầu giao thông mang tên bà Nguyễn Thị Được (nguyên Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam) đã được Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM vận động kinh phí xây tặng cho bà con ở xã Phong Thạnh Tây, huyện Giá Rai. Cây cầu nhỏ bắc ngang vùng quê nghèo ấy đã chở không biết bao nhiêu tâm tình của các dì khi tưởng nhớ “chị Hai Được” của mình.
Dì Lê Thị Thanh - Phó chủ tịch Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM - rưng rưng: “Ngày còn sống, chị Hai Được đã đau đáu nỗi lòng, phải làm chút gì đó cho quê hương của mình. Nhiều lần theo chân chị, người nữ chiến sĩ giải phóng quân kiên trung năm nào, về miền đất Giá Rai, chúng tôi hiểu thấu nỗi lòng của chị.
Chị làm nhiều thứ lắm, như đưa đoàn y bác sĩ về khám bệnh cho phụ nữ nghèo, vận động tập sách tặng cho trẻ em, tặng bánh, sữa cho người già. Vì vậy, ngày chị mất, khi trở lại Giá Rai, thấy cây cầu trên trục giao thông chính của xã Phong Thạnh Tây lắt lẻo, gập ghềnh, bên đây cầu là khu dân cư của xã, bờ bên kia là nhiều nhà dân vẫn vách ván, mái lá liêu xiêu, chúng tôi quyết chí phải xây cho được cây cầu”.
Bà Phan Thị Mỹ Linh - Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bạc Liêu - khoe với chúng tôi: “Một năm qua, có chiếc cầu, giao thông ở xã thông suốt. Nhà cửa hai bờ giờ không khác nhau là mấy, bên nào nhà cũng vách tường, mái tôn hoặc mái ngói, kiên cố, vững vàng. Chiếc cầu làm thay da đổi thịt cả một vùng quê, không chỉ để đi lại, phát triển kinh tế, mà còn bắc niềm hạnh phúc cho người dân trong xã. Chúng tôi không đếm xuể có bao nhiêu đám cưới đã qua cầu”.
Nghi Anh - Quang Thư