Đôi bàn tay “nghệ sĩ” của cha

16/05/2023 - 17:14

PNO - Nếu nói về số lần được cha nắm tay khi còn thơ bé, tôi không có nhiều kỷ niệm để tự hào. Nhưng tôi biết, đôi bàn tay ấy sẵn sàng chìa ra khi tôi cần nhất.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa: Nguyễn Diệp


Cha mẹ rốt ráo làm công tác tư tưởng và cả phần giao dịch, nên vợ chồng tôi đã mua được căn nhà ở quê rất vừa ý. Ngày đặt ban thờ ở nhà mới, tôi tính mua chiếc ghế trèo thắp hương. Nghe vậy, cha xua tay: “Sao phải mua, để cha đóng cho”.

Cha thường vẫn tự nhận mình là keo kiệt. Nhưng phải thừa nhận là ông có kiểu keo kiệt rất nghệ sĩ. Trong nhà, khi phát sinh nhu cầu mua mới hoặc sửa chữa gì, cha luôn tư duy theo đúng truyền thống tự cấp tự túc. Cha là bậc thầy của nghệ thuật tự chế, nói theo ngôn ngữ hiện đại là “handmade”.

Danh mục đồ tự chế của ông trong nhà nhiều lắm. Cái ghế làm bằng thớt cũ, giá sách làm bằng giỏ trái cây, đèn ngủ làm bằng đĩa nhựa, móc treo quần áo lắp ghép...

Tường nhà anh trai tôi cũng là do cha tự pha màu, tự sơn và rất tâm đắc. Đồ tự chế của cha có những thứ xinh xẻo, hữu dụng, nhưng cũng có những món không mê nổi. Mọi người không nói gì, nhưng thừa lúc ông không để ý rồi giấu tiệt đi, sau cha hỏi đến thì vờ như không biết.

Khi chế đồ, cha tôi như một nghệ sĩ đích thực, dáng vẻ đầy say mê, hứng khởi. Khi hoàn thành “công trình”, kiểu gì cha cũng gọi từng người đến để thuyết minh và luôn kết luận: “Trên đời này không gì là không làm được. Đội bán hàng sao lấy được tiền của cha”. Dường như việc tự chế mang đến cho cha một nguồn năng lượng tích cực. Nguyên cả tuần, ông sẽ suốt ngày ngắm nghía thành phẩm và bắt mọi người sử dụng. 

Tôi nhớ mãi lúc mình còn bé, cha tôi tự láng cái sân sau và mấy đêm liền ông ra đấy ngủ, mặc kệ muỗi mòng, sương gió và bao lời la ó của bà, của mẹ. Khi đã chế được món gì thành công, cha sẽ thừa thắng xông lên mà nhân bản nhất loạt. Ví như chiếc ghế làm bằng thớt, lúc đầu chỉ là sự tận dụng cái thớt cũ, chân ghế hỏng. Nhưng sau khi sáng tạo thành công và được mọi người ghi nhận, cha đã chế thêm 4, 5 cái nữa. Cứ thế, khuynh hướng tự chế, thân thiện môi trường trong gia đình tôi cứ ngày càng đi lên.

Lâu lắm rồi tôi mới có dịp nhìn thật kỹ đôi bàn tay cha - đôi bàn tay của người nông dân cả đời cần lao. Những ngón tay to và thô, nhưng không hề bị đồng đất chua phèn làm cho xấu xí. Cha vốn sạch sẽ, luôn giữ gìn đôi bàn tay gọn ghẽ. Tay cha không chỉ cầm cày cầm cuốc mà còn cầm bút cầm đàn. Nửa đời làm người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, cha tận tâm giúp xóm làng thay da đổi thịt từng ngày. Đôi bàn tay ấy chẳng bỏ sót việc gì trên đồng bãi, từ đắp bờ, nhổ mạ, bón phân, bó lúa, cắt cỏ… cũng không ngại tỉ mẩn ngồi làm món ngon trong bếp. Đôi bàn tay gói bánh chưng có tiếng là rất nhanh và vuông vức mà không cần đến khuôn.

Hầu như những người cha nông thôn thường ít khi thể hiện tình cảm với các con. Nếu nói về số lần được cha nắm tay khi còn thơ bé, tôi không có nhiều kỷ niệm để tự hào. Nhưng tôi biết, đôi bàn tay ấy sẵn sàng chìa ra khi tôi cần nhất.

Đó là lúc cha vừa xoa vừa thổi vết đau khi tôi bị bỏng. Cha nắm tay con gái qua đường trong lần đầu ra phố thi đại học. Cha đan tay trấn an khi tôi chuẩn bị lên bàn mổ sinh con. Đôi bàn tay cha vừa mang sự rắn rỏi, lại vừa mềm mại, ấm áp, chỉ cần chạm vào là thấy tin yêu, vui vẻ.

Nhìn đôi bàn tay “nghệ sĩ” của cha thoăn thoắt đẽo gọt, trông chiếc ghế đã lên khung bắt mắt, tôi cứ miên man nghĩ ngợi. Chúng tôi còn bao nhiêu thời gian bên cha và sẽ có bao nhiêu cái nắm tay sớt chia, yêu thương dành cho người. Nghĩ thế, khóe mắt bỗng nhòe cay. 

Mai Đình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI