"Đọc vị" mong muốn của trẻ qua tiếng khóc

02/09/2016 - 14:30

PNO - Mỗi kiểu khóc của trẻ sơ sinh có nhiều ý nghĩa khác nhau. Hiểu được tiếng khóc của con, mẹ có thể yên tâm hơn trong việc chăm sóc bé.

1. Bé khóc ngắt quãng, ít chói tai, cao thấp không đều

Hầu hết những tiếng khóc “con đói” có thể được phân biệt với những tiếng khóc khác bởi chúng có xu hướng ngắt quãng, ít chói tai, cao thấp không đều.

Khi đói bụng, tiếng khóc của bé thường lặp đi lặp lại và không dừng cho đến khi được chú ý. Vì thế ngay khi nhận ra con đói, cha mẹ hãy cho bé ăn trước khi con bị kích động.

Một số dấu hiệu khác: miệng chóp chép, mút tay, dụi mặt vào ngực mẹ, há miệng,...

2. Bé khóc to, dữ dội sau khi ăn

Trẻ khóc to ngay khi vừa được cho ăn thường là dấu hiệu của việc bị đau bụng, bé sẽ khó chịu cho tới khi được ợ hơi. Mẹ có thể bế bé đứng thẳng và quay mặt vào ngực mình, cằm tựa lên vai, sau đó nhẹ nhàng vuốt lưng bé.

Một số dấu hiệu khác cho thấy bé cần được ợ hơi là bé co đầu gối lên ngực. Hãy giúp con bằng cách đặt bé nằm ngửa, giữ chân con và di chuyển chân như động tác đạp xe.

3. Tiếng khóc của bé đan xen với cả tiếng cười, thậm chí có lúc bé gào lên

Khi đó, con muốn nói với bạn rằng “con bị kích thích quá mức”.

Có thể bé đang khó chịu bởi quá nhiều tác động môi trường như phòng quá sáng, quá ồn ào, bị di chuyển bất ngờ, hay bị đung đưa, trêu đùa quá nhiều. Khi bé khóc như vậy, bạn hãy dỗ bé bằng cách điều chỉnh môi trường xung quanh bé bằng cách giảm độ sáng của đèn, giảm tiếng ồn trong nhà xuống và nhẹ nhàng đung đưa bé trong vòng tay.

Hoặc bạn có thể dễ dàng nhận ra điều làm bé khó chịu khi thấy bé quay đầu khỏi nơi có quá nhiều kích thích.

4. Bé khóc ê a, ngắt quãng, khóc rồi lại nín

Có thể bé đang buồn ngủ và muốn được bố mẹ ôm ấp.

Khi gắt ngủ trẻ thường rất cáu kỉnh, nếu trẻ quay lưng lại với những gì người lớn đang làm, khóc, kèm theo các hành động như dụi mắt, kéo tai thì chính xác là trẻ đang buồn ngủ. Khi đó, mẹ nên ru trẻ ngủ, trẻ sẽ thôi khóc và nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ.

Thậm chí nếu vừa có một giấc ngủ ngắn một giờ trước, mà bé vẫn ê a khóc thì có thể là con vẫn chưa ngủ đủ và cần ngủ tiếp.

5. Tiếng khóc của con có vẻ lạ, khác hẳn mọi lần

Tiếng khóc của trẻ sơ sinh bị ốm khác hẳn tiếng khóc do đói hay buồn chán. Tiếng khóc khi bé mệt mỏi là tiếng khóc có cường độ và âm thanh run run. Ngoài ra, khi bé mệt sẽ có động thái ngáp và dụi mắt.

Lúc này bạn hãy ẵm bé vào nơi yên tĩnh, đung đưa và xoa bụng hoặc bên hông bé. Bạn hãy nhìn con để bé nhìn thấy bạn và cảm thấy an toàn. Trong trường hợp bé vẫn không nín khóc sau những gợi ý trên, bạn hãy thử cho bé tắm nước ấm để thư giãn.

Nếu bạn đã làm đủ mọi cách mà bé không thể ngưng khóc suốt vài giờ, hãy kiểm tra kĩ càng và cho con đi khám trước khi có điều đáng tiếc xảy ra.

Dấu hiệu khác là: Bé sốt, bé không muốn ăn, bé ngủ li bì hay khó ngủ, lượng nước tiểu ít hay có những hành vi khác thường ngày.

Hiểu "thông điệp" con muốn nói qua tiếng khóc sẽ giúp mẹ chăm sóc con tốt hơn.

6. Bé khóc với cường độ lớn

Thường thì khi bé khóc với cường độ càng lớn thì khả năng cao là do bé bị đau chứ không phải vì đói hay mệt. Bạn cần kiểm tra liệu con có đang ở tư thế không thoải mái không.

Hãy bảo đảm là bé không bị sụp xuống trên chỗ ngồi, không bị côn trùng cắn hay nằm đè vào vật cứng. Nếu bé vẫn tiếp tục khóc, hãy thử cởi hết đồ trên người bé ra và tìm nguyên nhân gây khó chịu cho bé, chẳng hạn quần áo của bé có quá chật hay có có sợi chỉ thừa ở quần áo quấn vào chân hay ngón tay bé làm bé khó chịu hay không.

7. Bé khóc to, liên tục trong nhiều giờ dù đã được dỗ dành

Có thể con bạn đang mắc hội chứng Colic – khóc dạ đề.

Colic - Hội chứng quấy khóc kéo dài là một thuật ngữ được dùng để mô tả việc một em bé khỏe mạnh khóc quá nhiều, hầu hết đều không có lý do rõ ràng, đặc biệt là vào buổi tối. Đây không phải là một bệnh và không gây hại về sức khỏe lâu dài cho bé nhưng làm cả bé và bạn đều mệt mỏi.

Khi khóc, trẻ với hội chứng này thường quấy gắt, ôm chặt bụng, đạp chân, khóc thét lên khiến nhiều bố mẹ dễ nhầm là con bị đau bụng. Tin tốt cho mẹ là, điều này sẽ không kéo dài mãi, thường kết thúc sau khoảng 6 đến 8 tuần và giảm dần trong vòng 3 - 4 tháng.

Khi bé khóc, bạn hãy làm thử vài biện pháp sau:

- Đung đưa bé và đảo quanh nhịp nhàng.

- Quấn bé trong một cái chăn, đặt bé ở bề mặt mềm mại.

- Bế con dạo phố một vòng.

- Cho trẻ nghe tiếng động hoặc nhịp rung đều đều: tiếng máy sấy tóc, tiếng sóng biển...

- Tắm cho con bằng nước ấm.

- Vỗ nhẹ cho bé ợ hơi.

Hồng Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI