Đọc tương tác

15/01/2017 - 16:30

PNO - Ai cũng biết đọc sách là thói quen tốt nhưng không phải ai cũng coi trọng việc nuôi thói quen này ở con trẻ và cũng không biết cách làm cho nó trở nên hấp dẫn, cuốn hút.

Một hôm, về đến nhà, chị Hoàng Châu (giáo viên, ngụ Q.7, TP.HCM) thấy căn buồng của mình lổn ngổn mền gối, giấy vụn... Hai con đâu mất, lát sau chị phát hiện chúng rúc rích dưới giường. Lạ là chúng không gọi nhau bằng chị em như hằng ngày. Cô chị chín tuổi xưng là công chúa, gọi cậu em bốn tuổi là lão phù thủy, ngược lại, cậu em cũng tuân thủ đúng danh xưng đó. Hỏi nguyên nhân thì chúng không trả lời, chỉ lỏn lẻn cười rồi chạy ù đi chơi.

Nhìn thấy trên bàn có quyển , chị Châu đoán các con đang chơi trò dựng lại câu chuyện mà cô chị vừa đọc cho cậu em nghe. Dù mới đi dạy về khá mệt, chị cũng xin vào một vai trong câu chuyện ấy sau khi nghe “công chúa” phổ biến cốt truyện và hai tuyến nhân vật thiện ác…

Chị Châu nhận thấy từ khi chị và con trai cùng đọc sách, chơi trò sắm vai thì con gái chị ham thích đọc sách hơn hẳn. Số tiền bỏ ống heo, con gái chị cũng dành mua sách nhiều hơn là mua quà bánh, hình dán như trước. Con gái còn xin phép xài ké tài khoản facebook của mẹ, lập nhóm để nhắn tin, trao đổi, nhận xét về những quyển sách vừa đọc với các bạn chung lớp đồng sở thích.

Doc tuong tac
 

Con trai mới năm tuổi đã học chữ và đọc ro ro khiến anh Thanh Hải (buôn bán hàng điện tử ở chợ Xóm Chiếu, Q.4, TP.HCM) rất hài lòng, tự hào. Trong khi các bé cỡ tuổi này chỉ toàn chơi game, xem ti vi  thì cháu nhà anh kè kè tờ báo, quyển sách. Thậm chí khi đi du lịch, cháu cũng bỏ “quyển sách ruột” vào hành lý, vợ anh giả vờ không cho đem theo, cháu giãy nảy, nằm vạ. Tuy nhiên, thói quen tốt này mai một dần và mất hẳn khi cháu bước vào lớp 2, thay vào đó là niềm đam mê… chơi game. Khi anh Hải phàn nàn, la mắng thì cháu buông điện thoại, lên phòng đọc sách với tâm thế miễn cưỡng. Và quả thật, khi anh Hải mở cửa phòng thử kiểm tra thì thấy cháu không đọc sách mà… chơi xe hơi.

Những quyển sách có đọc hết thực sự thì cháu cũng không nhớ lâu và hiểu sâu sắc. Để giúp con khôi phục sở thích đọc, anh Hải thường xuyên dắt con vào nhà sách cho cháu tự chọn những quyển ưng ý nhưng về nhà, cháu cũng chỉ xem qua loa rồi cất kỹ. Anh Hải chẳng biết làm gì khác hơn ngoài việc chê trách con càng lớn càng lười đọc, thua xa hồi mới biết chữ.

Với các bé dưới sáu tuổi, phụ huynh thường dành nhiều thời gian để đọc sách cho bé nghe, nhưng khi bé đã vào lớp 1, đã đọc chữ được thì phụ huynh thường để con tự ôm cuốn sách. Có quan tâm chăng chỉ là để ý cái tựa xem có “sạch” không. Tuy nhiên, nếu phụ huynh ngưng hẳn việc đọc sách cho bé, cùng bé, không rèn kỹ năng đọc thì khả năng tư duy và tự học của bé cũng có thể sẽ bị hạn chế.

Biết chữ không có nghĩa là biết đọc. Biết chữ là việc bé nhận diện được các mặt chữ, đánh vần và đọc suôn sẻ. Còn biết đọc là khi bé hiểu, ghi nhớ, tóm tắt và diễn đạt lại những gì đã đọc một cách rõ ràng, suôn sẻ. Với bé đã biết chữ nhưng chưa biết đọc, sẽ có những “triệu chứng”: mất tập trung, không hứng thú với việc đọc; không nhớ những gì đã đọc được; không diễn đạt lại được hoặc diễn đạt lủng củng, lộn xộn.

Phụ huynh thường quy về nguyên nhân do bé chậm, nếu lặp đi lặp lại nhiều lần, bé có thể trở nên kém tự tin, chán đọc, có cảm giác “bị đọc” và sợ sách. Ngay cả với bé có năng khiếu về ngôn ngữ, đọc trội hơn các bạn đồng lứa nhưng vẫn có thể bị tụt lại trong những năm sau nếu không được người lớn rèn kỹ năng đọc thường xuyên, được trao những công cụ giúp ghi nhớ tốt hơn trong khi đọc.

Ai cũng biết đọc sách là thói quen tốt nhưng không phải ai cũng coi trọng việc nuôi thói quen này ở con trẻ và cũng không biết cách làm cho nó trở nên hấp dẫn, cuốn hút. Theo thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương (thành viên sáng lập Trường ngoại khóa Tomato, nơi vừa khai sinh chương trình đầu tiên tại VN về rèn luyện kỹ năng đọc cho học sinh tiểu học), thay vì để trẻ “đọc chay”, cô giáo, phụ huynh có thể đọc cùng trẻ, mở rộng bài đọc bằng những hoạt động tương tác thú vị, vui nhộn, sinh động: đặt nhiều câu hỏi thật chi tiết, cụ thể và hài hước để bé động não trả lời, nhằm khắc sâu những nội dung trong bài vừa đọc; đố vui; hát, chơi trò theo chủ đề; vẽ; làm đồ chơi thủ công; làm thí nghiệm; đóng kịch sáng tạo trên nền câu chuyện.

Ví dụ, bài đọc “Con vật này có bao nhiêu chân?” giúp các bé độ tuổi 5-6 nhận diện các con số và các từ chỉ số đếm, cô giáo - học sinh hoặc cả nhà có thể chơi trò đếm chân chọn số, cùng xem phim để tìm hiểu cách những con vật di chuyển như  thế nào.

Với bài đọc “Lớn lên con sẽ là…”, người lớn khơi gợi cho trẻ bộc bạch ước mơ của mình, có bé thích thành phi công, có bé thích thành cô giáo, lại có bé thích thành nàng công chúa. Phụ huynh giúp trẻ phân biệt giữa ước mơ thực tế và ước mơ tưởng tượng. Sau đó, cả nhà cùng chơi trò vẽ người lao động ở các ngành nghề, ghép hình “nghề nào dụng cụ nấy”.

Với bài đọc “Thời gian được đo bằng cách nào?”, sau khi được biết loài người đã có nhiều cách để đo thời gian như dùng cát, dùng nước và lửa, dùng ánh nắng mặt trời, hãy cùng làm đồng hồ đo thời gian bằng chai nhựa, ly giấy và nước…

Việc vẽ sơ đồ tóm tắt khi đọc giúp trẻ ghi nhớ, khái quát thông tin và tăng khả năng diễn đạt. Sơ đồ bông hoa nhiều cánh bao quanh giúp bé biết cách tóm lược chuyện, sơ đồ cây thông giúp bé biết phân tích nguyên nhân - hệ quả, sơ đồ xương cá giúp bé biết tóm tắt ý chính - ý phụ. Từ đó bé tự rút tỉa ra những giá trị cho mình.

Về việc chọn sách cho trẻ, phụ huynh lưu ý đến tỷ lệ hài hòa giữa sách hư cấu (các tác phẩm văn học nhằm khơi gợi trí tưởng tượng, nuôi dưỡng tâm hồn và tính cách của bé) và sách tham khảo (cung cấp các thông tin về tự nhiên, xã hội, khoa học… nhằm giúp bé làm giàu kiến thức và sự hiểu biết về cuộc sống xung quanh). Tùy độ tuổi, cấp độ đọc hiểu, ý thích, sự quan tâm của con… phụ huynh có thể chọn bài đọc và phương pháp tương tác phù hợp, hiệu quả.

                                                                                                            Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI