Đọc thông, viết thạo trước khi vào lớp 1 không giúp trẻ tự tin hơn

05/03/2023 - 18:47

PNO - Sợ con thua thiệt bạn bè, nhiều phụ huynh cho con theo các lớp tiền tiểu học để con đọc thông biết thạo. Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên, đây không phải là yếu tố quyết định để trẻ tự tin vào lớp 1.

Chưa đi học đã đọc thông, viết thạo

Thay vì học mẫu giáo như các bạn, trong suốt năm lớp lá, bé Thu Hằng (TP Thủ Đức) được ba mẹ gửi đi học ở lớp tiền tiểu học. Đến nay, trước thời điểm chuẩn bị bước vào lớp 1, bé đã có thể đọc thông viết thạo, làm được các phép toán trong chương trình học.

Anh Hoàng Long - phụ huynh bé Thu Hằng - cho biết, vì sợ khi vào lớp 1 con không theo được bạn bè nên gia đình cho con học trước để bé mạnh dạn, tự tin khi chuyển cấp.

Đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1 không phải là yếu tố quyết định giúp trẻ tự tin khi vào lớp 1
Việc đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1 không giúp trẻ tự tin khi vào lớp 1

Sợ con thua các bạn, sợ giáo viên không quan tâm theo sát con… là tâm lý chung của nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1. Nhiều phụ huynh cho con đi học thêm các lớp tiền tiểu học với hy vọng trang bị cho con đủ vốn kiến thức, kỹ năng để con bước vào môi trường học tập mới. Có phụ huynh còn cho con nghỉ học lớp lá để học lớp tiền tiểu học.

Năm học 2022-2023, theo thống kê, Trường tiểu học Nguyễn Trường Tộ (quận 4) có 63/133 trẻ lớp 1 chưa được làm quen với lớp lá trước đó. Theo thầy Phan Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường - tỉ lệ này khá cao khiến nhà trường, giáo viên gặp nhiều khó khăn khi hỗ trợ học sinh làm quen với lớp 1. Nhiều em dù biết đọc biết viết trước song không có kỹ năng cơ bản như ngồi học, ý thức tự vệ sinh…

Hiệu trưởng này nhận định, chương trình GDPT 2018 tăng cường cho trẻ nhiều trải nghiệm giúp trẻ phát triển phẩm chất, năng lực. Song, để tiếp cận chương trình tốt nhất thì trẻ cần được rèn các kỹ năng ở lớp lá. Khi vào lớp 1, trẻ phải được trang bị kỹ năng cơ bản như nề nếp học tập, biết lúc nào học, lúc nào chơi, biết thu dọn và giữ gìn đồ dùng học tập. Trẻ còn cần có kỹ năng cầm được phấn, bút chì, thước cũng như biết nói tròn câu, trả lời trọn ý. 

“Phụ huynh đừng sợ con mình thua thiệt khi bước vào lớp 1. Quan trọng là cần trang bị cho con kỹ năng như biết thưa gửi, biết tự đi vệ sinh, tự giác khi học tập” - thầy Phan Anh Tuấn cho biết. 

Đừng sợ con thua thiệt

Theo cô Ngô Nguyễn Thụy Anh - giáo viên lớp 1, Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú) - nếu phụ huynh chỉ chăm chăm trang bị cho con về mặt chữ mà quên đi kỹ năng thì trẻ vẫn bỡ ngỡ khi vào lớp 1.

Thụy Anh chỉ rõ, để chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1, phụ huynh cần trang bị cho con kỹ năng về tư duy, ngôn ngữ.  Việc hỗ trợ con làm quen, học trước mặt chữ cũng phải hết sức cân nhắc, vì nếu học không đúng chỗ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Cần tìm địa chỉ uy tín, không chỉ dạy chữ mà còn dạy cả các kỹ năng như: nói tròn câu, kỹ năng giao tiếp với các bạn, làm quen với mặt chữ cho trẻ, để con tự tin hơn khi chuyển cấp. 

“Quan trọng nhất, để giúp con vào lớp 1 với tâm thế tự tin, phụ huynh cần hỗ trợ con nhận diện con chữ, hình thành kỹ năng ngôn ngữ, không chỉ đọc viết mà còn là kỹ năng nói, giao tiếp. Có thể hỗ trợ con tiếp cận ngôn ngữ, chữ cái theo năng lực của con. Khi giao tiếp, vui chơi với con hàng ngày, cần quan tâm uốn nắn để con nói tròn câu, rõ chữ. Điều này sẽ hỗ trợ con rất nhiều khi con vào lớp 1 và làm quen với môi trường học tập mới” - cô Thụy Anh chia sẻ.

Phụ huynh cần hỗ trợ đồng hành cùng giáo viên, trang bị cho trẻ kỹ năng
Để hỗ trợ trẻ chuẩn bị vào lớp 1, phụ huynh cần đồng hành cùng giáo viên trang bị kỹ năng cho trẻ

Giáo viên này cũng cho biết, bên cạnh những phụ huynh cho con theo các lớp tiền tiểu học, có nhiều người thấy các chuyên gia khuyên không nên cho con học trước chương trình lớp 1 liền “bỏ mặc” con, không dám dạy con điều gì. Thực ra, trước khi vào lớp 1, trẻ cần tiếp cận ngôn ngữ, nhận diện trước con chữ bằng hình ảnh.

Cô Lê Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) - đánh giá, giữa học sinh lớp 1 đã được và chưa được học chữ trước không có quá nhiều khác biệt. Thông thường, đến cuối học kỳ 1, trẻ đã đáp ứng được cơ bản các yêu cầu của chương trình đặt ra, trẻ có thể ghép âm vần, đọc được câu dài với tốc độ khác nhau.

“Chương trình mới hướng đến dạy học cá thể, dạy theo năng lực học sinh. Phụ huynh đừng sợ con mình chưa biết chữ trước sẽ thua thiệt các bạn, bởi trong quá trình học giáo viên sẽ nắm bắt, dẫn dắt để phát triển từng em, giúp các em hứng thú trong học tập qua nhiều hoạt động phù hợp với năng lực” - cô Lê Thị Thanh Hương phân tích.

Theo hiệu trưởng này, thời điểm đầu năm lớp 1, do năng lực mỗi bé khác nhau, nên phụ huynh phải phối hợp với giáo viên, hỗ trợ khi giáo viên thực hiện các phương pháp giáo dục mới để đạt hiệu quả. Đặc biệt, cần tin tưởng con em mình, đừng so sánh con với bạn bè. Ngoài ra, cần dành thời gian cho con, giúp con hình thành năng lực tự giác, tự phục vụ, không tạo cho con cảm giác rụt rè, sợ hãi…

Quốc Trung 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI