Đọc thơ bạn: Cảm nhận về thơ của Trần Bảo Định

07/08/2023 - 14:59

PNO - Nhà văn Trần Bảo Định là một trường hợp “độc đáo”. Ông tham gia kháng chiến, đi qua nhiều chiến trường, chính đó là chất liệu văn chương sau này. Thế nhưng, ở lứa tuổi “lục thập” ông mới chính thức bước vào trường văn trận bút.

Người có “mắt xanh” nhìn ra ông, theo tôi biết, là nhà văn Bích Ngân (TPHCM) và nhà văn Nguyễn Khắc Phê (Huế). Cả hai đã nồng nhiệt giới thiệu tác phẩm đầu tay Kiếp ba khía (in năm 2015) của Trần Bảo Định đến bạn đọc cả nước.

Từ đó đến nay, nhà văn Trần Bảo Định đã có trên 20 đầu sách được xuất bản. Có thể nói, ông đã góp thêm những trang văn xuôi giúp mọi người hiểu hơn về thiên nhiên, con người Nam Bộ giàu nghĩa nặng tình. Hầu hết tác phẩm của ông như Đời bọ hung, Phận lìm kìm, Đất phương Nam ngày cũ… đều tái hiện khung cảnh, môi trường sống, con người… rất đáng yêu ở vùng đất này. 

Ngoài các tập thơ, ông còn có những tập khảo cứu như Phật tính dân gian Nam Bộ - đôi điều suy ngẫm, Lá rụng mùa - mấy vấn đề về môi trường sinh thái Nam Bộ… Tôi nghĩ ông viết nhiều do viết về những gì đã trải qua, đã sống và am hiểu về nơi chôn nhau cắt rốn với tình yêu vốn có, chứ không vì lý do gì khác. Nếu chạy theo “nhu cầu thời thượng”, “ăn khách”, ông khó thể viết quyển Đọc thơ bạn (Thú thưởng ngoạn văn chương) do Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành 2023.

Ở tập sách mới nhất này của Trần Bảo Định, ta có thể ngạc nhiên, vì thời buổi này thơ đã “hết đất sống”, chẳng còn mấy người yêu thơ, thế mà ông lại viết vài trăm trang in về thơ, quả là… “chuyện lạ”.

Trong sách, ông đã viết về nhiều nhà thơ nổi tiếng, tất nhiên, có cả những nhà thơ sinh sống tại đồng bằng sông Cửu Long. Sự quan tâm của ông dành cho họ hết sức nhiệt thành, chẳng hạn với khổ thơ của nhà thơ Trần Ngọc Hưởng quê ở Tiền Giang: “Uốn khúc rừng xanh giữa ruộng vàng/ Cây đa che bóng bến đò ngang/ Vàm Giồng rụng trắng bông bần nở/ Ta thả mái chèo tách bến sông”, ông bình luận: “Tiếng hát trên dòng nước đỏ nặng phù sa, đất cù lao Lợi Quan như máu thịt người làm thơ họ Trần, và cũng như máu thịt chữ nghĩa của hồn thơ”.

Với nhà thơ Võ Mạnh Hảo, quê ở Bến Tre, ông nhìn thấy: “Trên cánh đồng mẹ, không riêng nhà thơ họ Võ, còn bao nhiêu người con quê hương châu thổ hiền lành chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm… Đâu đó có lẽ bạn đọc nhận ra bóng dáng của hàng hàng lớp lớp lưu dân của những ngày đầu đến vùng đất mới: quần quật lao động, chống chọi với thiên nhiên hoang dã còn nhiều nguy khó nơi vùng hoang địa phương Nam”.

Tôi nghĩ, đây còn là chất liệu quý cho thơ của người cầm bút, song thế hệ trẻ hiện nay ít khai thác. Có lẽ do nhận ra điều này nên Trần Bảo Định đã muốn nhấn mạnh hơn, như một cách giới thiệu rộng rãi đến người yêu thơ. 

Nhìn chung, ở tập tiểu luận Đọc thơ bạn, nhà văn Trần Bảo Định đã bày tỏ tấm lòng tâm huyết khi đến với thơ. Những tác giả ông đề cập như Nguyễn Quang Thiều, Phan Hoàng, Cao Quảng Văn, Thanh Thảo, Từ Hoài Tấn… với nhiều cảm nhận tinh tế, hy vọng sẽ có sức tác động đến tình cảm yêu thơ của công chúng.

Lê Minh Quốc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI