Đọc sách, xin hãy là niềm vui cho con!

22/04/2024 - 07:01

PNO - Đọc sách, xin hãy trở lại như một niềm vui, sự hứng khởi thay vì là một mệnh lệnh hành chính hay một hoạt động nhân tháng đọc sách...

Cô bé lớp Sáu nọ vùng vằng nói với tôi: con ghét sách. Tôi đã khựng người lại. Cuối buổi nói chuyện với trường hôm đó, tôi gặp riêng cô bé để hỏi nguyên do.

Bao nhiêu đứa trẻ đang ghét sách như cô bé lớp Sáu này? Chỉ là chúng không dám nói ra hoặc chúng chưa đến mức tổn thương vì sách như cô. Bởi hình phạt cho mọi lỗi lầm cô bé mắc phải đều là đọc sách.

Làm bể chén: đọc sách. Điểm kém: đọc sách. Nói chuyện riêng trong giờ học: đọc sách. Làm em té: đọc sách. Đến cả việc cô bé lỡ dùng điện thoại quá giờ quy định cũng bị áp dụng hình phạt đọc sách.

“Nhưng ba mẹ làm sai thì không bị phạt gì cả. Ba lúc nào cũng ôm ti vi xem bóng đá. Mẹ thì rời khỏi điện thoại là cáu. Thậm chí con còn bị bạn bè chế nhạo vì mẹ đăng ảnh phạt con đọc sách lên Facebook của mẹ. Con ghét sách vì nhìn sách là sợ".

Giống như cô bé này, rất nhiều đứa trẻ cũng chẳng thích thú gì với sách nữa sau những năm tháng người lớn (ba mẹ và thầy cô) rung chuông cảnh báo việc trẻ em lười đọc sách.

Nhiều ngày hội khuyến đọc ra đời, thậm chí có đợt bùng nổ khiến tháng Tư nào tôi cũng kín lịch đi trò chuyện về văn hóa đọc ở các trường học.

Nhiều trường đưa việc đọc sách vào… tính điểm tạo ra áp lực thành tích. Nhiều bài viết dọa nạt ba mẹ về việc nếu không chịu đọc sách, đứa trẻ sẽ trở nên hư hỏng, bất tài, thất bại mai sau. Đặc biệt, tết đến, làn sóng lì xì bằng sách, từ một nét đẹp văn hóa đã thành cưỡng bức, tước đoạt niềm vui được nhận lì xì ở trẻ.

Chúng ta liệu có đang khoác lên việc trẻ đọc sách những nhiệm vụ, thành tích của người lớn? Tôi vô cùng chán nản khi được mời làm giám khảo một cuộc thi cảm nhận về sách, trong đó nhà trường quy định 10 đầu sách các thầy cô đã lựa chọn. Việc bạn phải đọc 100 bài viết cảm nhận cùng về 1 cuốn sách mới chán ngắt đến nhường nào!

Đọc sách, xin hãy trở lại như một niềm vui, sự hứng khởi thay vì là một mệnh lệnh hành chính hay một hoạt động nhân tháng đọc sách, một gạch đầu dòng thành tích trong báo cáo của nhà trường hoặc sự tự mãn của phụ huynh khi con mình đọc sách.

Chúng ta đang khiến con trẻ từ lười đọc sách chuyển sang ghét đọc sách. Đến cả truyện tranh, nhiều đứa trẻ nói với tôi: ba mẹ không mua truyện tranh cho con vì ba mẹ bảo truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn trẻ con. Trong khi thực tế, truyện tranh được đầu tư chỉn chu về nội dung và hình ảnh có tác dụng rất tốt với não bộ trẻ nhỏ.

Quả thực, là một người cha có 3 đứa con mê truyện tranh như tôi thì “con sâu” này đục khoét… ví tiền của tôi trầm trọng thật. Mỗi cuốn truyện tranh, các con tôi chỉ đọc một chút là xong. Để đáp ứng lòng ham đọc của các con, mỗi tháng tôi cũng tiêu tốn kha khá.

Huống chi nhiều ba mẹ đang thắt lưng buộc bụng mà giá sách thì tăng phi mã theo giá giấy, công in, phí phát hành nhiều khi lên tới 40% giá bán. Làm sao để sách đến được với nhiều đứa trẻ, khi mà ba mẹ chúng còn lo chạy ăn từng bữa, mới là câu hỏi cho người lớn chúng ta.

Hãy trả lại niềm vui đọc sách cho các con. Đừng giới hạn sách giấy, sách chữ hay những cuốn sách cổ điển thời chúng ta. Có những cuốn sách mà ngày xưa khi chưa tiếp cận thế giới bên ngoài, chưa có internet, phim Hollywood, mạng xã hội, lũ trẻ chúng ta thấy chúng hay vô cùng.

Như những truyện khoa học viễn tưởng, phiêu lưu, trinh thám… bọn trẻ ngày nay đọc không còn thấy hấp dẫn nữa thì mong gì chúng rút ra được bài học tình bạn hay thông điệp nhân văn! Như lũ trẻ nhà tôi xem Tây du ký, Tam Quốc diễn nghĩa chỉ được vài trang là chán. Trong khi với Harry Potter, chúng có thể “cày” 7 tập liên tục.

Đọc sách cùng con, chọn sách cùng con đi các ba mẹ ơi! Là biến thời gian đọc sách cùng con như một khoảng thời gian chất lượng cho sự gắn kết ba mẹ con cái thay vì bắt con đọc sách cho mình… an tâm dùng điện thoại.

Đọc sách, xin hãy là một niềm vui cho con!

Hoàng Anh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI