Độc quyền 'móc túi'

26/06/2015 - 09:26

PNO - PN - Đến giờ này, chứng “sốc” vì giá điện mới áp dụng đã lan rộng, khi đa số người tiêu dùng phải trả tiền điện tăng vọt.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ở thời điểm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố vào tháng 3/2015, người tiêu dùng đã thấy có “vấn đề gì đó” với biểu giá bán lẻ điện kiểu bậc thang, gồm sáu bậc. Giá ở bậc 1 là 1.484đ/kwh; giá ở bậc 6 vọt lên gần gấp đôi, là 2.587đ/kwh. Cái “vấn đề gì đó” đã hiển lộ ở hóa đơn tiền điện các tháng gần nhất, với số tiền tăng từ 30 - 100% hoặc cao hơn nữa.

Doc quyen 'moc tui'

Đáng nói, có những hộ không tăng mức tiêu thụ mà chi phí phải trả vẫn rất cao, không phải ở mức tăng 7,5% theo công bố của ngành điện.

Trả lời báo chí, đại diện ngành điện vẫn điềm nhiên như cũ: “Tiền điện cao do mức tiêu thụ tăng đột biến ở cao điểm nắng nóng”. Điệp khúc “lỗi tại ông trời” có vẻ lại đắc dụng trước những phản ứng gay gắt của khách hàng. Tuy vậy, khi xem kỹ những hóa đơn tiền điện, số tiền phải trả tăng vọt nằm ở chỗ áp giá lũy tiến theo bậc thang. Khi các chỉ số tiêu thụ nằm ở bậc thang 4, 5, 6, tiền điện leo thang chóng mặt. Giá điện bán lẻ được tính ở bậc thang thấp nhất chỉ là từ 50 kwh trở xuống - mức tiêu thụ không phải của đa số người dân.

Éo le thay, ngoài chịu giá điện phi lý, người tiêu dùng Việt Nam còn phải nghe nhiều lời khuyên rất “thông minh” của những nhà quản lý: “Nếu thấy hóa đơn cao bất thường, có thể yêu cầu ngành điện kiểm tra lại thiết bị đo đếm”.

Giá điện bán lẻ trong nhiều năm qua chỉ tăng chứ không giảm. Mỗi lần tăng, EVN lại đưa ra lời giải thích mới, với công thức chung là tăng thu để có tiền tái đầu tư. Mỗi lần giá điện tăng, lập tức giá các loại hàng hóa khác cũng té nước theo mưa. Và dù là trả trực tiếp qua giá bán lẻ tăng hoặc gián tiếp tăng (qua phí, thuế), người tiêu dùng đều thiệt hại.

Hai năm trước, ngành điện ú ớ không giải thích được chất vấn tại sao giá điện lại cõng thêm biệt thự, xe đắt tiền, sân quần vợt… kèm theo các dự án đầu tư. Rồi tháng Bảy năm ngoái, ngành điện cũng ngậm hột thị vì hàng loạt khách hàng “tố” cách tính giá điện tù mù. Và phản ứng trong năm nay, được dự báo cũng không phải là lần cuối. Bởi lẽ, với vị thế độc quyền như hiện nay, EVN sẽ tiếp tục một mình một chợ để buộc khách hàng bị thiệt mà không thể tìm nhà cung cấp khác.

Chính lãnh đạo EVN công bố rằng với mức thu theo lũy tiến sáu bậc thang, doanh thu năm 2015 của EVN sẽ tăng thêm tối thiểu 13.000 tỷ đồng. Công suất dự phòng của ngành điện vẫn ở mức tới 4.000 MW. Như vậy ngành điện không bị hụt nguồn phát để phải hạn chế tiêu dùng điện. Nhưng nghịch lý là giá điện cao lại hạn chế tiêu dùng. Vị thế độc quyền đã khiến cho EVN nắm cả hai đầu dây, người tiêu dùng kiểu gì cũng bị thít chặt.

"Móc túi" công khai bằng vị thế độc quyền, đó là lợi thế mà EVN đang có. Và đó có lẽ cũng là vấn nạn kéo dài cho người tiêu dùng trong nhiều năm tới.

 VŨ BÁCH
(Q.5, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI