Dốc lòng nâng bước học sinh đến trường

14/12/2017 - 08:59

PNO - Cô giáo Hà Thị Mai Hương, 27 tuổi (thị trấn Quảng Phú,huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) không chỉ là một cô giáo trẻ giàu tinh thần thiện nguyện mà còn là người đã dồn hết thương yêu để nâng bước các em học sinh nghèo đến trường,

Buôn “siêu đẻ”

Tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học, Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM năm 2013, Hà Thị Mai Hương về lại quê nhà Cư M’gar, thực hiện ước mơ đứng lớp bằng việc dạy hợp đồng cho một số trường tiểu học của huyện. Sẵn có tinh thần thiện nguyện, ngoài giờ lên lớp cô còn tích cực tham gia đội công tác xã hội của huyện, cùng đồng đội tìm cách giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Năm 2014, cô xin về dạy tại Trường tiểu học Trưng Vương, buôn Kon H’ring, xã Ea H'đing, huyện Cư M’gar. Trường cách xa nhà, đi lại khó khăn nhưng hoàn cảnh đói nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã níu giữ cô ở lại.

Doc long nang buoc hoc sinh den truong
Cô giáo Hương bên các học sinh của mình

Buôn Kon H’ring có hơn 300 hộ dân, gần 2.000 nhân khẩu. Dù đã rất nỗ lực tuyên truyền, vận động nhưng mọi cố gắng của những người phụ trách công tác dân số ở địa phương vẫn không thể xoay chuyển được “sở thích” có đông con của người dân.

Cái nếp nghĩ “trời sinh voi, sinh cỏ” đã khiến tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên của buôn luôn dẫn đầu xã, những hộ có 4-5 con nhiều không đếm xuể. Cụ thể, vợ chồng chị H’Lam M’lô và anh Y Wer Niê dù đã có bốn con trai (lớn nhất 20 tuổi, nhỏ nhất ba tuổi), cảnh nhà thiếu trước hụt sau, nhưng vẫn cố kiếm thêm đứa con gái.

Chị H’Nưa lấy chồng năm 16 tuổi, nay mới 33 tuổi, đã là mẹ của bảy đứa con. Con đông, lại chỉ có thể làm thuê những việc lao động chân tay nặng nhọc, nên người dân Kon H’ring mãi vẫn không sao thoát được cảnh đói nghèo.  

Ông Trần Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã Ea H'đing, cho biết: xã có 2.098 hộ gia đình với 10.900 nhân khẩu, người dân tộc thiểu số chiếm 67% (gồm các dân tộc Ê đê, H’ Mông, Xê đăng, Tày…). Tính đến cuối năm 2016, xã có 192 hộ nghèo và 136 hộ cận nghèo. Một trong những nguyên nhân nghèo đói là vì con đông.

Kon H’ring là buôn chủ yếu đồng bào Xê đăng sinh sống, có số hộ nghèo cao nhất xã với hơn 60 hộ. Nghèo đói đã khiến chất lượng cuộc sống, chế độ dinh dưỡng của trẻ em không bảo đảm, tỷ lệ học sinh (HS) bỏ học giữa chừng cũng rất cao.

Doc long nang buoc hoc sinh den truong
Cô Hương tự vẽ logo và dán số thứ tự lên đồ dùng học tập trước khi phát cho học sinh

Tấm lòng cô giáo trẻ

Về công tác tại Trường tiểu học Trưng Vương, cô Hương không khỏi ray rứt khi chứng kiến cảnh HS, nhất là HS buôn Kon H’ring, đến trường với bộ mặt lem luốc, đầu trần chân đất, trên người là những bộ quần áo nát bươm.

“Những ngày trời lạnh cắt da, mình mặc mấy lớp áo vẫn cảm thấy tê buốt mà nhiều HS đến lớp chỉ với cái áo dây mỏng và cái quần đùi rách. Nghe mình nhắc đến các loại dụng cụ học tập như com-pa, ê-ke… nhiều HS lớp bốn, lớp năm cứ ngơ ngác, không hình dung được đó là những thứ gì. Cái ăn, cái mặc không đủ nên nhiều em bỏ học giữa chừng ở nhà phụ giúp gia đình. Khi mình cùng lãnh đạo trường đến nhà vận động phụ huynh cho các em đi học lại mới hiểu hoàn cảnh. Đã vậy, không chỉ HS mà nhiều phụ huynh cũng thờ ơ với việc cho con đến trường. Do ít học, đông con, có người còn không nhớ nổi tên con mình mỗi khi đi họp phụ huynh” - cô Hương chia sẻ.

Những hình ảnh đó thúc đẩy cô giáo trẻ muốn làm một điều gì đó để giúp HS nghèo. Tranh thủ sau giờ lên lớp, thông qua mạng xã hội, cô kêu gọi bạn bè và các Mạnh Thường Quân khắp nơi đóng góp quần áo, sách giáo khoa cũ, đồ dùng học tập... cho những HS nghèo của mình. Cứ đến hè là cô dành toàn bộ thời gian cho việc làm từ thiện.

Cảm phục tấm lòng của cô, nhiều người đã thu gom, gửi tặng HS nghèo của cô hàng ngàn bộ quần áo, tập vở, bút viết, sách cũ… Tiếp nhận hàng từ thiện, cô giặt sạch những bộ quần áo, tỉ mỉ phân loại sách giáo khoa cũ… rồi mới thuê xe chở đến trường nhờ các thầy cô chủ nhiệm phân phát cho HS. Riêng quần áo cũ của người lớn, cô nhờ các trưởng buôn phát cho đồng bào nghèo.

Tiền các Mạnh Thường Quân tặng, cô mua tập vở, bút mực, bút chì, thước kẻ, com-pa, ê-ke, tẩy, giấy màu, hồ dán… để phục vụ cho việc học của HS. Trước ngày khai trường, cô còn mua sơn về vẽ logo áo, viết nhãn vở, bọc bìa cẩn thận rồi mới phát cho HS.  

Ngoài Trường tiểu học Trưng Vương nơi mình đang dạy, năm học 2017-2018 cô Hương còn san sẻ hàng trăm bộ quần áo, sách vở quyên góp được cho HS nghèo của ba trường tiểu học khác của huyện là Trần Quốc Toản (thị trấn Ea Pốk), Trần Cao Vân (xã Ea Tar), Ama Trang Lơng (xã Cư M’gar).

Cô còn tham gia các khóa học tiếng dân tộc để trực tiếp nghe và hiểu về cuộc sống, văn hóa của gia đình các HS. Thầy Nguyễn Công Duẩn - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Vương, đánh giá: “Dù là giáo viên hợp đồng nhưng cô Hương có rất nhiều đóng góp trong công tác xã hội cho trường. Nhờ nỗ lực vận động quyên góp của cô Hương, hiện hầu hết HS nghèo của trường đã có đủ sách vở, bút viết, quần áo để đến trường”.

Năm học 2016-2017, cô Hương được nhận giấy khen của Ban chấp hành Liên đoàn Lao động huyện Cư M’gar vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi. 

Nguyên Bảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI