Độc lập, tự chủ, tự thân vươn lên

02/10/2019 - 18:30

PNO - Độc lập, tự chủ, tự thân vươn lên để tự nuôi sống mình và tìm được niềm vui trong lao động mà không trông chờ, dựa dẫm vào sự giúp đỡ từ người khác là một quan niệm sống rất đáng trân trọng.

Bên gian hàng trưng bày sản phẩm kết cườm tại chương trình “Cafe khởi nghiệp” vừa được Hội LHPN TP.HCM tổ chức ngày 21/9, chị Nguyễn Thị Diệu Linh đến từ Q.7, bước khập khễnh đến giới thiệu những món quà lưu niệm như túi, ví, móc khóa, băng đô cài tóc được làm từ những hạt cườm lấp lánh, đủ màu sắc… 

Doc lap, tu chu, tu than vuon len

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh

Ríu ríu bên mẹ, mấy bé gái lựa chọn mãi không chịu đi vì món nào cũng đẹp, cũng thích. Rạng rỡ từ trong ánh mắt, chị Linh mỉm cười: “Chỉ cần sản phẩm của mình làm ra được khách hàng thích là vui lắm rồi, có thêm niềm tin để tiếp tục suy nghĩ làm ra nhiều sản phẩm tinh tế hơn”. 

Không may mắn như bao người khác, chị Linh bị khuyết tật chân từ bé, đi lại khó khăn. Vì không đủ điều kiện sức khỏe nên từ những năm 1980, sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, chị Linh gác lại ước mơ đại học của mình. Tuy rất buồn nhưng chị không chùn bước trước số phận, chị chọn học nghề may vì công việc này ít phải đi lại.

Hơn 10 năm sau, trong ngày hội việc làm của người khuyết tật, chị đã thích thú với các sản phẩm kết cườm nên đã đăng ký tham gia học nghề này. Vì quá yêu thích những món đồ lấp lánh, chị đã suy nghĩ rồi tỉ mỉ kết từng hạt cườm bé li ti thành những chiếc móc khóa, túi, ví và kết trang trí lên băng đô cài tóc cho trẻ con. 

Thế rồi, ai đến chơi cũng được chị tặng quà, trẻ con thích món nào chị cũng cho. Thấy sản phẩm của chị Linh khéo léo, đẹp mắt, bạn bè, người thân gợi ý chị làm để bán. Đồng thời, Hội LHPN Q.7 đã hỗ trợ chị vay 5 triệu đồng và khuyến khích chị hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp. Chị tìm mua thêm cườm, dây cước, các phụ liệu trang trí… và bắt đầu khởi sự với miền đam mê, sáng tạo những sản phẩm lấp lánh từ cườm, pha lê. Từng sản phẩm được chị Linh chăm chút, tỉ mỉ và được nhiều người yêu thích.

Trải qua gần 10 năm gắn bó với công việc kết cườm, đến nay chị đã có riêng cho mình một cửa hàng và thỉnh thoảng còn mang sản phẩm của mình tham gia trưng bày tại các triển lãm, hội chợ. Đặc biệt, những chị em khuyết tật muốn học nghề sẽ được chị dạy miễn phí. 

Không phất lên như bao người, nhưng nghề kết cườm mang lại cho chị niềm vui, hạnh phúc và một cuộc sống kinh tế hoàn toàn tự chủ, có thời gian để chăm sóc mẹ già ngoài 80 tuổi và chăm sóc bản thân. 

Ở một góc khác của “Cafe khởi nghiệp”, chị Huỳnh Hoài Thương (Q.9) thoăn thoắt đôi tay ngoắt chỉ lên xuống. Chỉ trong 2 giờ chị đã móc xong chiếc túi len kết hợp với chất liệu giả da xinh xắn. Mỗi chiếc túi được bán với giá 100.000 đồng, trừ phụ liệu, tiền công không còn được bao nhiêu, nhưng chị Thương vẫn làm vì đó là công việc chị thích và ít nhiều giúp chị có thêm 
thu nhập. 

Doc lap, tu chu, tu than vuon len
Chị Hoài Thương hạnh phúc bên gian hàng túi len, thú bông của mình

Yêu thích và đến với nghề đan len từ lâu, nhưng mấy năm trở lại đây, khi con cái đã lớn, chị Thương mới có nhiều thời gian để trở lại với niềm đam mê. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, buổi tối lúc ngồi học cùng con, chị lại đem len ra móc theo đơn đặt hàng, chủ yếu là thú bông, túi xách, túi đựng chai thủy tinh, đế lót ly… “Nhiều lúc móc xong nhưng thấy chưa ưng ý, lại tháo ra móc lại, đến khi nào thấy đẹp mới thôi” - chị Thương chia sẻ. 

Công việc làm thêm yêu thích này mỗi tháng cũng chỉ kiếm thêm được một, hai triệu đồng nhưng nó mang lại cho chị nhiều niềm vui mỗi khi sử dụng đồng tiền. 

Diễm Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI