edf40wrjww2tblPage:Content
Khóc để giải tỏa ức chế - Ảnh: Alamy
Thấu hiểu những bức bối và trở ngại trong giao tiếp của người trẻ hiện nay, khách sạn có tên Mitsui Garden Yotsuya, nằm tại quận Shinjuku, trung tâm Tokyo mới đây đã đưa vào dịch vụ “phòng khóc” dành cho bất cứ khách hàng nữ nào có nhu cầu được… xả nước mắt. Rất tâm lý, chủ khách sạn trang bị hẳn 12 bộ phim hay, vô cùng cảm động để khơi gợi cho chị em khóc theo phim. Đây được cho là cách hiệu quả để “giải thoát” những giọt nước mắt mà chị em đã kìm nén bấy lâu.
Khách hàng không phải ngại ngùng vì ở đây có sẵn khăn giấy, dụng cụ tẩy trang, mặt nạ đắp mắt, giúp khách hàng thoải mái khóc. Giá thuê khá cao với khoảng 10.000 yen/đêm (gần 1,7 triệu VNĐ) nhưng được cho là hợp lý với mức thu nhập của nhiều người.
Loại hình kinh doanh này được đánh giá cao vì bắt trúng nhịp sống hiện nay ở Nhật Bản. Năm 2012, người Nhật lần đầu biết đến dịch vụ “cà phê ôm” Soineya, chỉ đơn giản nằm cạnh và có những cử chỉ giúp khách hàng thấy dễ chịu như ôm phía sau, gối đầu trên tay, không được phép có quan hệ tình dục hay sờ soạng lung tung. Giá dịch vụ được tính bằng phút, trung bình mỗi phút là 2 USD.
Các cuộc nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, giới trẻ Nhật Bản luôn tỏ ra lạnh nhạt, khó kết thân nên với những ai không cố gắng hòa nhập, họ sẽ tự tách biệt bản thân và chẳng thể kết bạn khi vào bậc đại học. Không có bạn là một trong những lý do khiến nhiều sinh viên trốn tiết, thậm chí bỏ học. Những người này sợ người khác thấy mình cô đơn nên lầm lũi vào nhà vệ sinh để ăn trưa một mình. Một số “người trong cuộc” khác thì chia sẻ rằng hãy vung tiền bất cứ khi nào cảm thấy… sắp buồn. Koichi (25 tuổi) kể, anh là khách hàng thường xuyên của dịch vụ “Client Partners” (thuê bạn đi chơi chung). Chỉ cần một cuộc gọi, tốn khoảng 350USD là trong vài phút, sẽ có một người bạn đúng theo yêu cầu để cùng anh vào quán bar, hay đi bất cứ nơi giải trí nào anh muốn.
Koichi cho rằng, việc không ràng buộc bởi một mối quan hệ, thậm chí là quan hệ bạn bè, giúp anh thấy mọi thứ rất ổn, sẽ không có xích mích, xung đột hay mâu thuẫn với bất cứ ai. Chỉ cần có tiền là xong! Điều đáng buồn, nhiều bạn trẻ Nhật Bản có suy nghĩ như Koichi. Họ sợ sự phiền phức phát sinh từ một mối quan hệ nhưng chính bản thân họ vẫn luôn cảm thấy cô đơn, lạc lõng khi không thể chia sẻ cùng một người bạn thân nào.
Đại học Khoa học phúc lợi Kansai là một trong số ít trường ở Nhật Bản kịp thời điều chỉnh để kết nối sinh viên với nhau. Từ năm 2012, nhà trường bắt đầu tổ chức họp mặt sinh viên chung khóa hoặc sinh viên các khóa xen kẽ, cùng tạo chủ đề để các bạn trẻ thảo luận, nhằm làm quen với nhau. Giảng viên Nagami Makiko, người tổ chức các buổi họp nhóm đặc biệt này cho biết, sau mỗi buổi, sinh viên bắt đầu kết bạn cùng nhau, điều được cho là rất hiếm giữa sinh viên những năm trước đó. Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, trong năm 2012 có đến 31.000 sinh viên bỏ học. Đây là con số kỷ lục. Cuộc khảo sát được thực hiện năm 2009 ở 57 trường đại học quốc gia, 31% số sinh viên thừa nhận lý do khiến mình không thấy hứng thú khi đến lớp và sự ù lì của chính bản thân khi phải bắt đầu một mối quan hệ mới ở trường học.
Sinh viên Đại học Khoa học Phúc lợi Kansai gặp gỡ kết bạn cùng nhau - Ảnh: Japan Crush
Sự co cụm bản thân trong thời gian dài dễ dẫn đến hội chứng “hikikomori” khi một người thấy sợ hãi với bất cứ thứ gì ở bên ngoài “không gian an toàn” mà người ấy tự thiết lập như căn phòng của mình. Hội chứng này thường dễ gặp ở người trẻ thiếu kỹ năng giao tiếp. Chính phủ Nhật Bản từng cảnh báo về hội chứng này. Văn phòng Nội các Nhật Bản năm 2014 công bố là 700.000 người Nhật Bản gặp phải hội chứng này. Năm 2011, Fukuoka với dân số 1,5 triệu người là thành phố đầu tiên ở Nhật Bản thiết lập trung tâm “Yokayoka” (Sẽ ổn thôi, đừng lo lắng!), tiếp nhận cuộc gọi từ những người mắc hội chứng “hikikomori” hoặc gia đình của họ để đưa ra lời khuyên giúp họ tái hòa nhập lại với cuộc sống, bạn bè và người thân.
Abe Maki, người đại diện của dịch vụ “Client Partners” nói, người Nhật Bản lâu nay vốn hình thành trong suy nghĩ của mình rằng không nên làm phiền người khác và cũng không muốn người khác nhờ vả, dựa dẫm vào mình quá nhiều. Vì thế, họ luôn gồng mình và lo lắng người khác đánh giá mình không độc lập. Chính suy nghĩ này tạo ra tâm lý tự lập, rào cản bao bọc lấy mỗi người, nhất là người trẻ vốn còn thiếu kỹ năng sống.
Kể từ năm 1998 đến nay, số người tự tử mỗi năm tại Nhật Bản luôn ở trên ngưỡng 30.000 người, nghĩa là mỗi ngày có từ 80-90 người tự tử vì không tự giải tỏa cho bản thân. Tự tử là quốc nạn của nước này. Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu ưu tiên là giảm số người chết vì tự tử hơn 20% vào năm 2016. Nền kinh tế Nhật Bản với dân số già chiếm phần lớn đang rất cần lực lượng kế thừa tài năng, nhưng phải là những người có thể cân bằng giữa công việc với cuộc sống. Đó mới là mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững của bất cứ quốc gia nào.
THIÊN NHƯ
(Theo Yomiuri Shimbun, Japan Crush, WSJ)