Đẹp, độc, lạ
Tỉ mẩn thiết kế một chú chó dễ thương với cặp kính đen cực ngầu, Nguyễn Thị Minh Hiếu - quản lý Sorella Corner (212B/D2 Nguyễn Trãi, P. Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM) - tô vẽ thêm câu chúc vừa mộc mạc, vừa buồn cười: tết con cờ hó - thuận buồm xuôi gió; mình thích thì mình lì xì thôi; lì xì ai cũng vậy/lì xì em, em cảm ơn; cả nguồn sống bỗng chốc thu bé lại vừa bằng... bao lì xì; lì xì của chế, năm nay hết ế... Sau đó, cô in ra loại giấy chuyên dụng, căn ke từng đường rồi cắt, gấp, dán để tạo thành bao lì xì.
Hiếu kể, tất cả mẫu mã do chính cô lên ý tưởng, thiết kế. “Có rất nhiều bạn cũng tự thiết kế bao lì xì giống mình, nhưng ý tưởng thì không ai giống ai. Đặc biệt, những câu vần ngộ nghĩnh cùng hình ảnh dễ thương, phù hợp với lứa tuổi chính là điểm làm nên khác biệt của mỗi sản phẩm” - Hiếu cho hay.
Giới thiệu bao lì xì cách tân, chị Nguyễn Thị Hà - chủ shop online Gift handmade chia sẻ, điểm mới lạ của mặt hàng này nằm ở những họa tiết. Các mẫu họa tiết trẻ trung, vui nhộn, bắt kịp xu hướng và đặc biệt là các trào lưu “gây bão” mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm lớn của giới trẻ.
|
Mỗi bao lì xì có giá 5.000 đồng nhưng luôn đắt hàng. |
Đơn cử như câu “cực chất” từ bài hát Ông bà anh: “Tết xưa đẹp lắm con ơi/ lì xì 500k thôi là nhớ nhau cả đời”; hay “cô là ai, cháu không biết, cô lì xì cho cháu đi”; hoặc lời trong ca khúc hit Em gái mưa: “Mình hợp nhau đến như vậy thế nên phải lì xì nhau”...
Bao lì xì cách tân không chỉ “độc” ở khâu thiết kế, mà còn đẹp ở nguyên liệu giấy. Giấy được sử dụng thường là giấy Kraft Nhật hoặc Couché Ý cán bóng mờ, chống thấm nước, cứng cáp…
Tùy theo loại giấy mà giá cả cũng khác nhau. Trung bình khoảng 5.000 đồng/bao lì xì lẻ, 18.000 - 20.000 đồng/set 5 bao lì xì. Nhiều chủ đại lý bao lì xì cho biết, nếu mua số lượng lớn thì giá sẽ cực kỳ ưu đãi, chỉ khoảng 2.000 đồng/bao.
“Sốt” từ cửa hàng đến chợ mạng
Dạo quanh nhiều tuyến đường bán đồ trang trí tết ở TP.HCM như Hải Thượng Lãn Ông, Ba Tháng Hai, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Tri Phương… bao lì xì cách tân cũng được bày trên các quầy kệ bên cạnh những bao lì xì truyền thống.
Bà Thu Muội - chủ cửa hàng quà lưu niệm trên đường Trần Hưng Đạo (Q.5) - bộc bạch: “Những bao lì xì truyền thống chỉ có mỗi màu đỏ với những câu chúc đơn giản như chúc mừng năm mới hiện rất kén người mua. Khách hàng sắm tết giờ không chỉ mua bao lì xì chỉ để lì xì, mà đó còn là quà tặng vui nhộn nữa. Do vậy, mặt hàng này dù giá khá cao nhưng luôn đắt khách”.
Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), bao lì xì vintage cũng chễm chệ ở vị trí mặt tiền. Bạn Bùi Thị Như Hảo (sinh viên trường ĐH Bách Khoa TP.HCM) phấn khởi: “Em cùng nhóm bạn trong trường nhận thiết kế, gia công bao lì xì cho một số nhà sách đặt hàng. Hôm nay thấy sản phẩm của mình trên quầy nên vui lắm, vì mình đã góp sức vào những sản phẩm “hot” trong mùa tết này”.
Anh Phi Long (ngụ Q.10) - giám đốc một công ty xuất khẩu nông sản tại TP.HCM - chia sẻ, anh đặt một nhóm bạn trẻ thiết kế riêng cho mình 1.000 bao lì xì “tân thời” để tặng nhân viên, bạn bè.
|
Tết xưa - tết nay trên bao lì xì hiện đại. |
Võ Anh Tài - trưởng nhóm Thiết kế Sài Gòn - kể, thành viên của nhóm đều là dân chuyên về thiết kế - quảng cáo nên ngay từ giữa năm ngoái, nhóm đã có ý tưởng để lên mẫu cho năm Mậu Tuất. Do không qua trung gian thiết kế, đồng thời in trực tiếp tại xưởng nên giá bán ra khá rẻ, chỉ khoảng 2.500 đồng/bao.
“Hiện sản phẩm của nhóm mình đã được tung ra thị trường hơn một tháng nay và có phản hồi rất tích cực. Nhiều đại lý ở Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng… đều liên hệ đặt hàng. Dự kiến tết này mình bán ra khoảng 50.000 bao lì xì thiết kế” - Tài kỳ vọng.
Nghề tay trái… hái tiền
Vốn có khiếu vẽ nên khi bao lì xì thiết kế được ưa chuộng, Bùi Ngọc Mai (20 tuổi, sinh viên trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM) tự thiết kế mẫu theo ý thích rồi đem ra xưởng đặt in. “Mỗi mẫu lì xì của mình thiết kế đều độc, lạ nên cũng có nhiều bạn đến hỏi mua. Tính ra thì mỗi bao lì xì bao gồm cả tiền nguyên liệu lẫn tiền in chỉ khoảng 1.000 đồng/bao, nhưng giá bán ra thường gấp đôi, gấp ba” - Ngọc Mai chia sẻ.
Chỉ mua bao lì xì để chơi, ai ngờ nhiều đồng nghiệp hỏi nên chị Thu Hoài (nhân viên văn phòng tại một công ty truyền thông Q.4) quyết định nhập bao lì xì để bán. Do nhập bao lì xì từ xưởng với giá khá mềm, chỉ khoảng 100.000 đồng/10 tệp, mỗi tệp 5 bao. Trong khi đó, giá bán ra đến tay khách hàng là 30.000 đồng/tệp. Bán số lượng lớn nên Hoài có thu nhập vài triệu đồng mùa tết này.
Đặc biệt, bao lì xì cách tân còn trở thành phương thức gây quỹ mới trong chiến dịch Xuân tình nguyện 2018 của sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.
Nguyễn Thị Trà Mi (sinh viên khoa Hàn quốc học) cởi mở: “Bán bao lì xì cách tân để gây quỹ vẫn được rất nhiều người ủng hộ. Mọi người còn bảo tụi mình nên lấy nhiều mẫu hơn để bán, vì đang chuẩn bị vào tết, khách ưa chuộng. Mặc dù bán giá khá cao nhưng sản phẩm với mẫu mã đa dạng, từ ngữ gần gũi và thiết kế bắt mắt nên rất đắt hàng”.
Để đưa hình ảnh Đại học Quốc gia TP.HCM đến gần hơn với cộng đồng và phục vụ cho các chương trình từ thiện sắp tới, Chi đoàn Khối Văn phòng Đại học Quốc gia TP.HCM ra mắt hai mẫu bao lì xì dịp xuân Mậu Tuất 2018.
Cô Nguyễn Thị Hậu, chuyên viên Văn phòng Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Là những người tham gia công tác Đoàn, chúng tôi lựa chọn họa tiết tươi trẻ. Qua đó, chúng tôi mong rằng, mọi người sẽ luôn mạnh khỏe, tươi trẻ và nhiệt huyết đối với các hoạt động trong suốt một năm sắp tới giống những cán bộ, đoàn viên”.
Phúc Hưng