Ấn tượng thời chinh chiến
Một trong số đó là Thư cho em được tác giả Hoàng Nam Tiến tuyển chọn. Cuốn sách tập hợp những lá thư mà cha anh - thiếu tướng Hoàng Đan - gửi cho vợ là bà An Vinh suốt 30 năm, khi ông và bà người ở hậu phương, người trên chiến trường. Qua những câu chữ vừa hài hước, yêu thương vừa quan tâm gần gũi, những lá thư này truyền đi thông điệp tình yêu vẫn luôn hiện diện dù là ở đâu, dù ở thời nào, bất chấp khó khăn, gian khổ.
|
Một số tác phẩm tập hợp hồi ức, nhật ký… thu hút độc giả trẻ thời gian gần đây |
Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Nhà xuất bản Trẻ phát hành lại tiểu thuyết Bốn năm sau. Sách in kèm với Những trang viết về Điện Biên của cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Qua những trang thư ông viết gửi cho gia đình cũng như bạn bè thân hữu, độc giả có dịp hiểu thêm về nguồn cảm hứng để ông chấp bút viết nên cuốn tiểu thuyết trên, cũng như tâm tư, tình cảm của ông trong những năm tháng đi thực địa xa gia đình.
Trong các trang thư, bên cạnh câu chuyện thời cuộc, quân ngũ, người đọc cũng thấy được những trang viết riêng tư, đong đầy cảm xúc tác giả dành cho gia đình và con cái. Chẳng hạn thiếu tướng Hoàng Đan viết gửi về gia đình từ chiến trường Khe Sanh: “Con sắp sinh đặt tên là gì, anh chưa nghĩ kỹ, nhưng theo anh, nếu đẻ con trai thì đặt tên là Hoàng Nam Tiến, kỷ niệm nó sinh lúc bố nó Nam Tiến, nếu đẻ con gái thì đặt là Hoàng Hạnh Phúc”.
Với cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, sự quan tâm đến vợ con tuôn tràn khắp trang viết. Trong đó, phần nhiều dành cho con trai Nguyễn Huy Thắng - người sau này sưu tầm, biên soạn, tổng hợp, giới thiệu và ra mắt những di cảo của ông. Một đoạn trong những bức thư viết: “Thư này về thì cho các con đi ăn phở Tràng Tiền. Các chị dắt em Thắng lúc qua đường phải nhìn trước nhìn sau […] Bố yêu mẹ và tất cả các con. Bố nhớ chú Thắng của bố lắm. Rằm tháng Tám, chú Thắng có đánh trống tùng xoèng không?”.
Gầy đây, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng cho ra mắt Ký họa trong chiến hào - Nhật ký chiến tranh của một người lính trẻ trong chiến dịch Điện Biên Phủ của họa sĩ kiêm phóng viên chiến trường Phạm Thanh Tâm. Tác phẩm bao gồm ký họa cũng như những trang nhật ký tác giả viết vào năm 1954 và là lần đầu xuất bản bằng tiếng Việt. Với vai trò là một phóng viên chiến trường, đây có thể nói là những tư liệu đặc biệt, không chỉ cho độc giả hôm nay cái nhìn sát sao về quá khứ, mà còn có cả những tâm tư và suy nghĩ của các chiến sĩ trên chiến trường.
Trước đó, tập di cảo Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh gồm các lá thư bà viết gửi con trai Lưu Tuấn Anh, khi ra mắt cũng nhận được sự đón nhận lớn. Tập di cảo gồm thư và nhật ký cho thấy một Xuân Quỳnh bình dị trong vai trò người vợ, người mẹ. Ở bà có cả tình mẫu tử thiêng liêng và sự gan dạ của người chiến sĩ, khi bà bám trụ trong những ngày bom rơi, loạn lạc khốc liệt. Ngoài ra, Tiếng vọng đèo Khau Chỉa, viết về cuộc chiến tranh biên giới 1979 của y sĩ Nguyễn Thái Long hay Những khoảnh khắc sống của Lê Kiên Thành - con trai của Tổng bí thư Lê Duẩn - cũng thu hút nhiều sự chú ý trong thời gian qua.
Cảm nhận những giá trị tốt đẹp
Những tác phẩm trên, khi ra mắt đều được bạn đọc hào hứng đón nhận. Đặc biệt, tác phẩm Thư cho em chỉ sau 1 tháng phát hành đã tái bản đến lần thứ ba, có cả phiên bản bìa cứng được ra mắt mới. Trong khi đó, cứ mỗi tháng Hai hằng năm - tháng kỷ niệm chiến tranh biên giới - Tiếng vọng đèo Khau Chỉa lại được độc giả tìm lại. Điều bất ngờ là sách bán chạy đến nỗi các sách in giả, in lậu cũng bắt đầu xuất hiện. Ở những buổi giao lưu và giới thiệu sách, bên cạnh những người đã đi qua thời chiến tranh, có một lượng lớn độc giả trẻ đến để lắng nghe những câu chuyện luôn sống động vượt thời gian.
|
Bút ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng vào năm 1959. Ảnh: Trích từ sách Bốn năm sau. |
Trên mạng xã hội, các câu văn của Thư cho em được trích dẫn như điển hình về vẻ đẹp của chuyện tình thời “ông bà ta”, đã nhận về hàng chục ngàn lượt xem cũng như tương tác. Lam Anh - người đứng sau tài khoản TikTok Đọc sách trong giờ làm với hơn 5.600 người theo dõi, là nhà sáng tạo nội dung thường xuyên giới thiệu những tác phẩm này. Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, cô cho biết: “Đọc các tác phẩm này, tôi và độc giả hiểu hơn về những giai đoạn của đất nước khi mình chưa được sinh ra. Điều tôi thích nhất là yếu tố con người trong các tác phẩm. Dù họ là ai, một nhà lãnh đạo, một vị tướng hay một cô gái vùng quê… thì qua những câu chuyện, độc giả hình dung được phần nào về cuộc sống, cách con người sống và yêu, nhất là khi có lý tưởng sẽ thế nào”.
Theo Lam Anh, một trong những lý do khiến dòng sách này có sức hút đặc biệt là: “Khi đọc những cuốn sách kể trên, tôi và các bạn trẻ nhận ra có nhiều giá trị tốt đẹp mà thời nay đã bị mất đi hoặc là “ẩn giấu”. Ví dụ cách người xưa tìm hiểu, yêu nhau và cố gắng vì nhau rất tinh tế. Tôi và các bạn phải học các cụ nhiều về sự khiêm nhường, tôn trọng đối phương, sống có tình có nghĩa, có trước có sau. Một điều nữa là không bao giờ ngừng tự học”.
Ngoài lý do trên, vẻ đẹp của tình yêu, tình thân, tình người cũng là yếu tố thu hút độc giả. Những trang thư của thiếu tướng Hoàng Đan, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng hay thi sĩ Xuân Quỳnh đều là những dòng chữ thiết tha gửi đến gia đình và người thương yêu. Đó là những người vợ chốn hậu phương, là nỗi nhớ con mà họ phải ngầm chịu đựng để mơ về một đất nước thống nhất… Chính vẻ đẹp ấy và sức mạnh tinh thần mãnh liệt đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về quá khứ hào hùng của dân tộc, về lòng dũng cảm của những người lính. Để từ đó, thế hệ trẻ thêm trân trọng và biết ơn những hy sinh của thế hệ cha ông cho độc lập dân tộc.
Thuận Phát