Độc đáo tranh vẽ quảng cáo trên báo cách đây 1 thế kỷ

18/08/2021 - 11:09

PNO - Quảng cáo trên báo Lục Tỉnh Tân Văn vào thập niên 1920 chủ yếu dùng tranh vẽ để minh họa sản phẩm, với nội dung ý tưởng khá độc đáo.

Lục Tỉnh Tân Văn được phát hành tại Sài Gòn vào năm 1907. Đây cũng là tờ báo tồn tại lâu nhất của báo chí Quốc ngữ Việt Nam thời thuộc địa. Ban đầu báo ra mỗi tuần một số, sau phát hành ba số/tuần. Năm 1921, sau khi sáp nhập với tờ Nam Trung Nhựt Báo và phát hành hàng ngày, Lục Tỉnh Tân Văn chính thức trở thành nhật báo đầu tiên của báo chí Quốc ngữ. 

So với những tờ báo phát hành trong giai đoạn 20 năm đầu của thế kỷ XX, có thể nói Lục Tỉnh Tân Văn là tờ báo dành nhiều "đất" cho quảng cáo hơn cả. Đến những năm 1918-1919, báo dành hẳn hai trang cuối chỉ để in quảng cáo. Ngoài ra còn có một số mẫu quảng cáo in xen kẽ ở các trang nội dung. 

Quảng cáo sữa
Quảng cáo sữa hiệu La Petite

Quảng cáo trên báo chí Quốc ngữ trong 20 năm đầu thế kỷ XX rất hiếm hoi. Trên Đăng Cổ Tùng Báo trước đó chủ yếu đăng các mục rao sách mới hoặc giới thiệu các hiệu bánh dưới hình thức mẩu tin ngắn. Hầu hết các báo giai đoạn này in bài viết, rất ít có tranh/ảnh minh họa. 

Theo nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy, trong cuốn Báo chí quấc ngữ ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19 (nhà xuất bản Trẻ), minh họa đầu tiên được xuất hiện trên báo chí Quốc ngữ Sài Gòn là bức tranh vẽ chân dung Trương Vĩnh Ký in trên tờ Nam Kỳ (hay còn gọi là Nam Kỳ Nhựt Trình, số 46, ra ngày 8/9/1898). Tuy nhiên trên các tờ báo sau đó, rất ít khi có được tranh/ảnh in kèm bài viết. Một trong số các tờ báo có đăng ảnh minh họa có thể kể đến Nam Phong tạp chí, với phần nhiều là các ảnh chụp tại Pháp, được đăng kèm trong các kỳ Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh. 

Vì vậy, việc quảng cáo được in kèm trang vẽ sinh động và thường xuyên trên Lục Tỉnh Tân Văn trong giai đoạn này cũng là một điều hết sức thú vị.

 

Một ý tưởng khác cho sản phẩm sữa
Một ý tưởng khác quảng cáo sản phẩm sữa

Trước đó việc kinh doanh chưa được người Nam quan tâm, trên Nông Cổ Mín Đàm lẫn Đăng Cổ Tùng Báo đầu thế kỷ XX đều có nhiều bài viết hướng người dân để tâm đến việc kinh doanh buôn bán. Quảng cáo trên Lục Tỉnh Tân Văn cho thấy ngoài rượu, thuốc lá (sản phẩm được quảng cáo hợp pháp trên báo chí lúc bấy giờ) còn có cả các sản phẩm như: sữa, thuốc tây, hộp quẹt, bàn ghế, tủ sắt, giày, nón, con dấu, xà bông... cũng được rao bán. 

"Pharmacie Principale - Tiệm thuốc Tây này dọn dẹp theo cách văn minh và lớn hơn hết trong Đông Dương này", "Có một mình nhà này có quyền thay mặt nhà đúc súng và làm xe máy", "Hãy hỏi thứ hộp quẹt này là thứ tốt hơn các thứ khác"... Những lời rao kiểu "sản phẩm độc quyền" và "tốt nhất" như vậy thường được thấy trong các mẫu quảng cáo. Có quảng cáo ngắn gọn chỉ bằng tranh vẽ và đôi dòng giới thiệu thương hiệu khá hài hước, cũng có khi được in thành một mục riêng với lời diễn giải, miêu tả sản phẩm của chủ tiệm.

Ngoài nội dung, ý tưởng quảng cáo khá... độc đáo của người xưa, quảng cáo trên Lục Tỉnh Tân Văn ít nhiều phản ánh được tình hình buôn bán kinh doanh sinh động vào khoảng những năm đầu thập niên 1920 của thế kỷ XX. 

Dưới đây là một số mẫu quảng cáo:

Quảng cáo thuốc lá
Quảng cáo thuốc lá Bastos  

 

Quảng cáo giày và xà bông
Quảng cáo giày và xà bông
Quảng cáo bàn ghế
Quảng cáo ghế
Tủ sắt
Quảng cáo tủ sắt
 

Lục Diệp 

(Nguồn tư liệu: Thư viện Quốc gia Việt Nam)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI